Tờ Les Échos, nhật báo uy tín về tài chính của Pháp số ra mới đây đã giới thiệu bài đánh giá và phân tích của tác giả Catherine Chatignoux, cây bút chuyên về kinh tế-tài chính. Bài viết có tựa đề “Khủng hoảng trong kỷ nguyên đồng euro: 7 sai lầm tưởng như đùa”.
Khủng hoảng nợ công trong khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) đến nay vẫn chưa được giải quyết đúng hướng. Nhiều sai lầm lộ ra, cách thức xử lý từ khi cuộc khủng hoảng đã khiến các quốc gia trong khu vực tăng thêm sự ngờ vực lẫn nhau. Uy tín của eurozone đối với thế giới cũng dần sụt giảm. Những sai lầm dẫn đến khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng, trở thành vết dầu loang ngoài ý muốn. Nguyên nhân do thiếu bộ máy đủ năng lực kiểm soát khủng hoảng, xuất phát từ tầm nhìn hạn hẹp đi kèm những quyết định bị chi phối bởi yếu tố chính trị.
“Chẩn đoán” sai
Sai lầm đầu tiên được nhắc đến là khả năng yếu kém của các cơ quan tài chính trong việc đánh giá những dấu hiệu suy giảm sức khỏe của nền kinh tế-tài chính Hy Lạp. Theo chuyên gia Bruno Cavalier thuộc hãng môi giới chứng khoán Oddo Securities của Pháp, châu Âu đã xác định không trúng vấn đề ngay từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng Hy Lạp. Đó là vấn đề về tính thanh khoản và nếu những điểm yếu trong hệ thống tài chính của Hy Lạp được xử lý tốt thì sẽ hạn chế thiệt hại cho những nước khác. Giai đoạn 2000-2007, Hy Lạp là một trong những nước có mức tăng trưởng cao (4,2%/năm), giới lãnh đạo Hy Lạp đã lãng quên mức thâm hụt ngân sách dẫn đến chi tiêu công quá đà và sự duy trì các lĩnh vực nhà nước đa ngành.
Từ năm 2001, tỷ lệ nợ công so với GDP của Hy Lạp đã vượt quá 100%. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 lại tác động mạnh đến ngành du lịch và vận tải biển (hai lĩnh vực chủ chốt của Hy Lạp). Tuy nhiên, Chính phủ Hy Lạp vẫn không siết chặt chi tiêu ngân sách, kết quả là thâm hụt ngân sách nước này vượt trên 13% GDP và nợ công lên tới 150% GDP. Tổng số nợ công của Hy Lạp đến tháng 6-2011 lên tới 350 tỷ EUR và mức thâm hụt ngân sách lên hai con số, còn tăng trưởng kinh tế tiếp tục âm. Mức thâm hụt đó đã khiến cho trái phiếu chính phủ Hy Lạp bị các tổ chức xếp hạng tín dụng lớn của thế giới đánh tụt hạng.
Trợ giúp không bền vững và chậm trễ
Sai lầm thứ hai được nói đến là kế hoạch trợ giúp cho Hy Lạp không mang tính bền vững. Cả Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đều cùng xử lý vấn đề nợ công của Hy Lạp. Kế hoạch trợ giúp đầu tiên từ tháng 5-2010, dự kiến mức thâm hụt ngân sách của Hy Lạp sẽ giảm từ 14% xuống còn 3% GDP trong vòng 3 năm, với giả thuyết nước này sẽ trở lại thị trường từ năm 2012. Những mục tiêu này được đánh giá là phi hiện thực với một đất nước nổi tiếng về nền hành chính còn yếu kém. Năm 2011 là năm thứ tư liên tiếp Hy Lạp suy thoái, trong khi mức nợ công tiếp tục tăng cao (160%, so với mức 127% năm 2009).
Sai lầm thứ ba là những hỗ trợ, ủng hộ quá hạn chế và quá chậm. Trong cuộc tiếp sức trợ giúp Hy Lạp, các nhà lãnh đạo eurozone đã lập ra Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF), với số tiền ban đầu 440 tỷ EUR trợ giúp khi cần thiết cho các nước có số nợ lớn. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đã nhanh chóng nhận ra những điểm yếu của hệ thống. EFSF chỉ có thể đảm bảo cứu nguy cho những nước nhỏ nhất, mà không đủ phương tiện tài chính cần thiết giúp các nước lớn hơn như Tây Ban Nha hay Italia. Hành động của giới chức có trách nhiệm cho thấy họ đã làm quá ít và quá chậm. Ví dụ, EFSF có thể mua lại các khoản trái phiếu nhà nước, cơ cấu lại nguồn vốn ngân hàng và các khoản cho vay dự phòng từ tháng 7-2011, song các cuộc cải cách này chỉ được thực hiện từ giữa tháng 10-2011. Phản ứng chậm đã khiến tình trạng lây nhiễm khủng hoảng là không thể tránh khỏi.
Nhập nhằng vai trò các ngân hàng
Sai lầm thứ tư liên quan đến vai trò của những ngân hàng bị tác động mạnh bởi cuộc khủng hoảng. ECB đã tìm cách chống lại điều này, cả Pháp cũng vậy, song Đức lại muốn có sự tham gia của các chủ nợ tư nhân trong kế hoạch cứu trợ các nước, cùng với việc yêu cầu họ từ bỏ một phần nợ. Các lãnh đạo EU tháng 10-2011 đã nhất trí cho Hy Lạp vay thêm 130 tỷ EUR, trên giả thuyết là các chủ nợ tư nhân sẽ xóa 50% nợ cho nước này. Tuy nhiên đàm phán về các điều kiện để xóa nợ đã kéo dài từ đó tới nay. Kế hoạch này khó được triển khai như mong muốn vì nó làm gieo rắc sự ngờ vực trong giới đầu tư về nguy cơ gặp phải đối với các khoản đầu tư vào các khối nợ trong eurozone.
Sai lầm thứ năm đề cập đến vai trò không rõ ràng của ECB. Từ nhiều tháng qua, gần như toàn thế giới đều gây sức ép đòi ECB có biện pháp can thiệp mạnh tới thị trường nợ công nhằm làm giảm tỷ lệ vay nợ. Dù ECB đã mua lại 300 tỷ EUR trái phiếu của Hy Lạp, Ireland, Italia, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, song những biện pháp này không thể kéo dài. Hai nền kinh tế lớn trong eurozone là Pháp và Đức có những mâu thuẫn liên quan đến vai trò của ECB. Pháp cho rằng ECB nên có chức năng can thiệp mạnh mẽ hơn vào thị trường tài chính, có thể phát hành trái phiếu châu Âu và hoạt động giống như ngân hàng thương mại.
Thế nhưng, Đức tuyên bố chống lại việc buộc ECB phải khoác chiếc áo lớn hơn trong việc giải quyết khủng hoảng nợ, đồng thời viện dẫn các quy định trong Hiệp ước EU nghiêm cấm hành động như vậy. Berlin cho rằng can thiệp sâu hơn sẽ đe dọa tính độc lập của ECB và vai trò của định chế này vẫn chỉ giới hạn trong việc bảo đảm sự ổn định của giá cả. ECB phải giữ tính độc lập trong chính sách tiền tệ, không thể trở thành ngân hàng cấp tín dụng cứu nguy cho các nước gặp khó khăn. Berlin không ủng hộ ECB hành động như là người cho vay cuối cùng đối với cuộc khủng hoảng nợ công eurozone.
Sai lầm thứ sáu liên quan đến hệ thống ngân hàng. Phải gánh nhiều trái phiếu của nhà nước, các ngân hàng là mục tiêu của mọi sự chú ý nhưng đồng thời cũng bị gây sức ép lớn. Các ngân hàng châu Âu đang bị các chính phủ yêu cầu tăng thêm nguồn năng lực tài chính riêng của họ. Tuy nhiên, để định giá năng lực tài chính của các ngân hàng, cũng cần xác định rõ giá trị thực của các khoản nợ công mà các ngân hàng đang nắm theo giá thị trường, chứ không phải giá trị trên sổ sách kế toán. Những khoản nợ công thực sự đang đe dọa đến độ an toàn của các ngân hàng.
Lạm dụng chính sách thắt lưng buộc bụng
Tất cả các nước trong eurozone do lo ngại tình trạng lây nhiễm đã áp dụng các chính sách kinh tế thắt lưng buộc bụng dưới nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, việc áp dụng đồng thời các biện pháp khẩn cấp này đã đẩy eurozone rơi vào tình trạng suy thoái. Hiện nay, nhiều chính phủ châu Âu đang tìm cách thúc đẩy mạnh mẽ các nguồn lực phục vụ tăng trưởng. Chính sách thắt lưng buộc bụng được thực hiện một cách đồng loạt đã đưa eurozone lâm vào một cuộc suy thoái mới. Năm 2012, các quốc gia khu vực cũng sẽ phải đối mặt với thực tế này, cộng với đó là vấn đề việc làm cho hàng triệu người dân.
Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cảnh báo năm 2012 nói chung sẽ tiếp tục là một năm mà sự tức giận của người dân trở nên gay gắt. Họ bất mãn về một thực tế là gánh nặng của cuộc khủng hoảng trong khu vực không được chia sẻ một cách công bằng. Thanh niên là những người gánh chịu trực tiếp hậu quả của cuộc khủng hoảng. Tại Tây Ban Nha tỷ lệ thanh niên thất nghiệp lên tới con số 45%, trong khi đó tại Hy Lạp là 42,9%, Ireland là 29,8%.
Như Quỳnh