

Dự thảo đề án “Dạy nghề lao động xuất khẩu đến năm 2015” do Bộ LĐTB-XH trình Chính phủ phê duyệt đã đề ra mục tiêu: đến năm 2010, nâng tỷ lệ lao động xuất khẩu có nghề lên tối thiểu 75%, trong đó lao động có trình độ từ trung cấp nghề trở lên chiếm tỷ lệ tối thiểu 40%.
Theo đề án, đến năm 2015, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu lao động (XKLĐ) có nghề, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và chuyên gia; 100% lao động xuất khẩu được đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng về pháp luật, phong tục tập quán của nước tiếp nhận lao động, ý thức kỷ luật tôn trọng và bảo vệ lợi ích quốc gia, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Để thực hiện nhiệm vụ đào nghề dài hạn và ngắn hạn cho lao động đi XKLĐ, Nhà nước sẽ quy hoạch phát triển cơ sở dạy nghề, lựa chọn đầu tư nâng cấp, xây dựng 10 cơ sở dạy nghề trọng điểm đào tạo nguồn lao động xuất khẩu với tổng kinh phí dự kiến là 875 tỷ đồng. Hiện nay, mỗi năm Việt Nam đưa được 60.000 – 70.000 lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài, nâng tổng số lao động và chuyên gia đang làm việc ở 40 nước, vùng lãnh thổ lên trên 350.000 người.
KH.B.