
Bộ Thương mại cho biết, xuất khẩu của cả nước trong tháng 9 ước đạt 2,8 tỷ USD, nâng tổng giá trị xuất khẩu 9 tháng đạt xấp xỉ 23,5 tỷ USD, tăng trên 21% so với cùng kỳ năm trước.

Công ty cổ phần Savimex sản xuất nhiều mẫu mã, sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu qua Nhật Bản.
Trong 9 tháng qua, có 9 mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn tiếp tục giữ được mức tăng trưởng cao (từ 30% trở lên), gồm: gạo, rau quả, lạc nhân, dầu thô, than đá, hàng điện tử và linh kiện máy tính, sản phẩm gỗ, dây điện và cáp điện, sản phẩm nhựa. Nổi bật nhất là gạo với lượng xuất khẩu tính đến thời điểm này đạt 4,38 triệu tấn, đạt xấp xỉ 1,2 tỷ USD (tăng 32% về lượng và trên 52% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái).
Sản phẩm gỗ cũng nổi lên như một “hiện tượng” của xuất khẩu Việt Nam. Sau bốn năm, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tăng hơn ba lần, đạt 1,05 tỷ USD vào cuối năm ngoái và hiện chiếm vị trí thứ năm sau dầu thô, hàng dệt - may, giày - dép và thủy sản.
9 tháng qua, đồ gỗ nằm trong tốp dẫn đầu về tăng trưởng xuất khẩu với mức tăng 44,4%, vượt ngưỡng 1 tỷ USD. Hiện nay, các sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đã có mặt tại 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có các thị trường lớn là Mỹ, Nhật Bản và EU. Riêng tại thị trường Nhật Bản, Việt Nam đang xếp thứ 4 về xuất khẩu đồ gỗ.
Dự kiến hết năm 2005, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường Nhật Bản sẽ đạt khoảng 175 triệu USD, tăng trên 16% so với năm 2004. Với đà phát triển như hiện nay, giới chuyên môn dự kiến năm nay kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của cả nước sẽ vượt mục tiêu 1,5 tỷ USD, đưa đồ gỗ trở thành mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong số các mặt hàng nông lâm sản xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các mặt hàng như cà phê, xe đạp - phụ tùng xe đạp, hạt tiêu, chè kim ngạch xuất khẩu giảm. 9 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của ba ngành dệt - may, giày - dép và hàng thủy sản đã chậm hẳn lại. Trong đó, hàng dệt - may, ngành có giá trị xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau dầu thô, chỉ còn tăng 4,3%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng bình quân trên dưới 20% của những năm trước.
V.L.