Kinh doanh tiền qua mạng trái phép tại VPĐD Golden Rock TPHCM

999 “nhà đầu tư” mất trắng 10 triệu USD

Sau một thời gian thu thập tài liệu, chứng cứ, ngày 11-1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã quyết định khởi tố vụ án để điều tra về dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Văn phòng đại diện thường trú Công ty Golden Rock International Limited, TPHCM (gọi tắt là VPĐD Golden Rock). Sự thật về cái gọi là kinh doanh tiền, vàng qua mạng đã dần sáng tỏ…
999 “nhà đầu tư” mất trắng 10 triệu USD

Sau một thời gian thu thập tài liệu, chứng cứ, ngày 11-1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã quyết định khởi tố vụ án để điều tra về dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Văn phòng đại diện thường trú Công ty Golden Rock International Limited, TPHCM (gọi tắt là VPĐD Golden Rock). Sự thật về cái gọi là kinh doanh tiền, vàng qua mạng đã dần sáng tỏ…

999 “nhà đầu tư” mất trắng 10 triệu USD ảnh 1

Cơ quan điều tra làm việc với nhân viên, khách hàng của VPĐD Golden Rock.

Ngày 15-4-2005, Công ty Golden Rock International Limited được thành lập tại Hồng Công (Trung Quốc) do Lee Chun Biu làm giám đốc.

Đến ngày 24-8-2005, Văn phòng đại diện thường trú của Công ty Golden Rock International Limited được Sở Thương mại TPHCM cấp phép hoạt động do Stanley Eliot Tan làm trưởng văn phòng.

Theo thông tin của PV Báo SGGP, ngoài trụ sở làm việc tại cao ốc 35 Nguyễn Huệ quận 1, Stanley Eliot Tan còn thuê văn phòng tại cao ốc Thuận Kiều Plaza (Q5) để tổ chức hoạt động kinh doanh tiền tệ do Cheng Kwok Ping Patric (không đăng ký) làm Giám đốc tài chính.

Từ tháng 8-2005, cả hai bắt đầu thực hiện “chiến dịch” huy động tiền, vàng của khách hàng bằng chiêu thức “đánh” trực tiếp vào lòng tham của khách với lãi suất huy động vốn đến 5%/tháng. Đầu tiên VPĐD Golden Rock ra sức tuyển dụng gần 200 nhân viên với mức lương khởi điểm là 150 USD/tháng, cộng với phí tiếp khách và phần trăm lợi nhuận theo doanh số.

Công việc chính của nhân viên là tư vấn, giới thiệu khách hàng kinh doanh tiền tệ qua mạng và mỗi nhân viên đều phải lập cho bằng được được một tài khoản với số tiền ít nhất từ 5.000 đến 10.000 USD.

Thời gian đầu nhiều nhân viên do chưa tìm được khách hàng cũng đã vay mượn để nộp vào VPĐD Golden Rock và chỉ cần đưa vào đây 5.000 USD, sau một tháng tài khoản của họ đã đạt lợi nhuận 20%, tức khoảng 1.000 USD. “Tiếng lành đồn xa”, nhân viên VPĐD Golden Rock ra sức mời chào khách hàng, kể cả người thân, bè bạn “đổ” tiền vào VPĐD Golden Rock để kiếm lời…

Khi đã “dụ” được khách hàng đầu tư, Stanley Eliot Tan yêu cầu khách hàng ký 2 bản hợp đồng để chuyển về Tập đoàn GPMC tại Thụy Sĩ. Sau đó “nhà đầu tư” được người của VPĐD Golden Rock hướng dẫn đi nộp tiền đồng thời được cấp tài khoản, mật khẩu tài khoản để… lên sàn giao dịch.

Với hình thức kinh doanh này, chỉ hơn 1 năm sau, VPĐD Golden Rock đã tuyển dụng gần 200 nhân viên, huy động gần 10 triệu USD của 999 khách hàng tham gia đầu tư.

Ngày 7-11-2006, Stanley Eliot Tan và Cheng Kwok Ping Patric ôm toàn bộ số tiền bỏ trốn. Và cũng từ đây cả ngàn “nhà đầu tư” cùng với nhân viên của VPĐD Golden Rock đều “chết đứng” khi hay tin cái gọi là kinh doanh tiền qua mạng với những khoản lợi nhuận kếch xù mà Stanley Eliot Tan và Cheng Kwok Ping Patri rêu rao đều là bịp bợm, lừa đảo.

Bởi theo kết luận của Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Thương mại TPHCM làm trưởng đoàn thì trang web do Stanley Eliot Tan và Cheng Kwok Ping Patri lập ra chỉ là trang web ảo; những chứng từ, con dấu của Tập đoàn GPMC mà VPĐD Golden Rock sử dụng đều là giả; tài liệu quảng cáo, hợp đồng đều “copy” của công ty nước ngoài khác.

Điều lạ lùng là với chiêu thức kinh doanh ảo-giả của VPĐD Golden Rock lại có thể làm mờ mắt của hàng trăm con người “đổ” tiền cho hai tên bịp bợm quốc tế này ôm gần 10 triệu USD “quất ngựa truy phong”…

ÁI CHÂN - NGUYỄN VINH

Tin cùng chuyên mục