Ai Cập - quân cờ domino thứ hai?

Nửa tháng sau cuộc “Cách mạng hoa nhài” lật đổ Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali xảy ra ở Tunisia, tới lượt Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak bị “tấn công”. Hàng chục ngàn người Ai Cập ngày 25-1 đã tham gia cuộc biểu tình lớn chưa từng có để phản đối “tình trạng nghèo đói, thất nghiệp, tham nhũng, bất công xã hội”, gây sức ép buộc Chính phủ Ai Cập đáp ứng những đòi hỏi về việc làm, dỡ bỏ Luật Tình trạng khẩn cấp và tổ chức các cuộc bầu cử mới.

Biểu tình được sự hậu thuẫn của phong trào Những anh em Hồi giáo, xuất phát ở thủ đô Cairo và sau đó lan ra nhiều địa phương lớn. 4 người thiệt mạng, 40 người bị thương đã được ghi nhận.

Như vậy xem như Ai Cập là quân cờ thứ 2 có nguy cơ đổ sụp trong trò chơi domino. Hồi đó, ngay khi Tổng thống bị phế truất của Tunisia chạy khỏi đất nước, giới quan sát đã hướng sự chú ý vào Ai Cập vì những mâu thuẫn nội bộ nước này.

Thêm một bất lợi nữa cho chính quyền Ai Cập là nếu như ngày trước, người dân Arập khá thiệt thòi trong việc tiếp nhận thông tin thì nay, hàng trăm triệu người Arập có thể nhanh chóng theo dõi và cổ súy cho “Cách mạng hoa nhài” ở Tunisia thông qua các kênh truyền hình vệ tinh hoặc các mạng xã hội như Facebook và Twitter. Các nhà tổ chức biểu tình đang dựa vào các tác động lan tỏa trên Internet của biến cố tại Tunisia để gây ảnh hưởng đến giới trẻ Ai Cập.

Phản ứng trước cuộc “Cách mạng hoa nhài” ở Tunisia, trong khi các quốc gia trong khối Arập đều tỏ thái độ thận trọng và không đưa ra lời bình luận gì thì các quốc gia phương Tây và Mỹ đều hoan nghênh sự thay đổi. Lần này, Ngoại trưởng Mỹ cũng lập tức lên tiếng ủng hộ quyền biểu tình hòa bình của người Ai Cập, đồng thời kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, tránh bạo động.

Báo chí Mỹ cho biết từ nhiều năm nay, các đảng đối lập ở Ai Cập, trong đó có đảng Wafd, Ghad và Mặt trận dân chủ luôn chống đảng cầm quyền gay gắt. Lý do được nêu ra là Tổng thống Mubarak tuổi cao (82 tuổi) và cầm quyền đã quá lâu (29 năm); tình hình xã hội ngày càng bất ổn với đời sống người dân ngày càng đi xuống.

Cũng từ nhiều năm nay, chính quyền Mỹ đã tăng cường tiếp xúc với các bên đối lập ở Ai Cập, nhất là Những anh em Hồi giáo, phong trào rất mạnh ở nước này.

Các cuộc gặp gỡ, phát triển quan hệ diễn ra dồn dập, nhất là dưới thời của Tổng thống Bush. Phong trào đối lập Những người anh em Hồi giáo có quan hệ chặt chẽ với đảng Hồi giáo SDA từng được Mỹ bảo trợ để can thiệp vào Bosnia những năm 1990 và nhóm Hồi giáo ở Tunisia. Cách thức chung sau khi xảy ra các vụ bạo động là giới truyền thông Mỹ nhanh chóng hết lời ca ngợi các phong trào đấu tranh lật đổ chính quyền.

Năm nay, châu Phi có 18 cuộc bầu cử Tổng thống, trong đó Ai Cập sẽ bầu cử vào tháng 10. Trong bối cảnh xung đột giữa người Hồi giáo và Cơ đốc giáo vẫn còn là “truyện dài nhiều tập” thì hậu quả mà những cuộc “cách mạng” kiểu này gây ra sẽ khôn lường.

Giới phân tích cho rằng, tuy Washington hy vọng duy trì ảnh hưởng tốt trong thế giới Arab-Hồi giáo luôn biến động do tình hình Israel-Palestine, hay đối diện với Iran, Syria, nhưng nếu vẫn tiếp tục áp đặt tư tưởng theo kiểu phương Tây ở khu vực Trung-Cận Đông thì rõ ràng Washington đang chơi với lửa

LÊ VÂN

Tin cùng chuyên mục