Nhượng bộ

Sau thời gian dài giằng co căng thẳng, Hy Lạp vừa đưa ra kế hoạch cải cách mới tới Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhằm tránh nguy cơ mất khả năng chi trả, mà theo Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras là sẽ báo hiệu cho “sự bắt đầu của hồi kết” của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone).

Sau thời gian dài giằng co căng thẳng, Hy Lạp vừa đưa ra kế hoạch cải cách mới tới Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhằm tránh nguy cơ mất khả năng chi trả, mà theo Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras là sẽ báo hiệu cho “sự bắt đầu của hồi kết” của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone).

Người phát ngôn Ủy ban châu Âu Margaritis Schinas cho biết bộ ba chủ nợ gồm EU, IMF và ECB đang nghiêm túc đánh giá cụ thể kế hoạch cải cách mới do Hy Lạp đề xuất.

Đàm phán kéo dài suốt 4 tháng qua giữa Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế lâm vào thế bế tắc do các chủ nợ yêu cầu phải có những cải cách rộng lớn theo hướng cắt giảm chi tiêu, thắt lưng buộc bụng, còn Athens từ chối đáp ứng những yêu cầu này vì cho rằng biện pháp mà các chủ nợ đòi hỏi ở Hy Lạp là phi lý. Đài RFI bình luận việc Hy Lạp phản hồi và đưa ra các đề xuất cải cách mới được coi là mang tính nhượng bộ, vì trước đó, trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean - Claude Juncker ngày 4-6 tại Brussels (Bỉ), ông Tsipras đã kiên quyết từ chối một số đề xuất của các chủ nợ quốc tế, khiến tiến trình đàm phán rơi vào bế tắc. Cho đến nay, Athens đã nhượng bộ khá nhiều về kế hoạch thuế và ngân sách so với lời hứa lúc tranh cử của ông Tsipras nhưng các chủ nợ vẫn cho là chưa đủ. Cuộc thương lượng tại Brussels vấp phải các trở ngại về thể thức cải cách lương hưu, tăng thuế giá trị gia tăng đánh vào điện…

Cuối tháng 6 sẽ là “thời hạn chót” để Athens và các chủ nợ đạt được thỏa thuận, khi Hy Lạp đang rất cần khoản tiền 7,2 tỷ EUR (hơn 8 tỷ USD) còn lại trong gói cứu trợ để có thể trả 1,6 tỷ EUR cho IMF vào ngày 30-6 tới. Vì vậy, trong đề xuất mới đưa ra Hy Lạp cũng đòi lại gói cứu trợ trị giá 10,9 tỷ EUR dành cho các ngân hàng của nước này, khoản tiền mà Bộ trưởng Tài chính các nước châu Âu đã buộc chính phủ mới ở Hy Lạp trả lại cho Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) hồi tháng 2 vừa qua.

Nếu đàm phán thất bại và Hy Lạp vỡ nợ thì có thể dẫn đến một loạt sự cố khiến nước này buộc phải rời khỏi eurozone. Bất đồng lớn nhất giữa Hy Lạp và các chủ nợ là những mục tiêu ngân sách trong tương lai, vấn đề cải cách kinh tế Hy Lạp và nguồn thu từ thuế cho ngân sách. Nhật báo Wall Street Journal cho biết Ủy ban châu Âu (EC) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), hai trong số các chủ nợ của Hy Lạp, đang cân nhắc kéo dài chương trình cứu trợ dành cho Hy Lạp cho đến tháng 3-2016, khi chương trình cứu trợ đồng hành của IMF kết thúc. Việc kéo dài thêm 9 tháng sẽ giúp Athens lấp đầy lỗ hổng tài chính hiện đang khiến “xứ sở của các vị thần” đứng bên bờ vực vỡ nợ. Tuy nhiên, điều này vẫn không giải quyết được những bất đồng giữa Hy Lạp và các chủ nợ về những điều kiện đi kèm với việc tiếp tục hỗ trợ tài chính cho Athens.

VIỆT ANH

Tin cùng chuyên mục