Mặt trái viện trợ vũ khí

Bất chấp thỏa thuận tháng 11-2013 giữa Nga và Mỹ về tiêu hủy kho vũ khí hóa học tại Syria, Washington vẫn đang đi  các bước nhằm siết chặt vòng vây với Chính phủ Syria của Tổng thống Bashar Al-Assad.

Bất chấp thỏa thuận tháng 11-2013 giữa Nga và Mỹ về tiêu hủy kho vũ khí hóa học tại Syria, Washington vẫn đang đi  các bước nhằm siết chặt vòng vây với Chính phủ Syria của Tổng thống Bashar Al-Assad.

Mới đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã dành thời gian còn lại trong chặng cuối chuyến thăm châu Âu để tới Saudi Arabia tìm tiếng nói chung về Syria. Saudi Arabia rất nóng lòng trước viện trợ nhỏ giọt của Mỹ và phương Tây cho lực lượng đối lập ở Syria. Nhưng Mỹ có lý do để ngần ngại viện trợ vũ khí cho lực lượng đối lập khi mà trong số này có nhiều thành phần của mạng lưới khủng bố al-Qaeda. Bài học về vũ khí của Mỹ viện trợ cho Taliban chống quân đội Liên Xô ở Afghanistan vẫn còn đó. Taliban đã dùng vũ khí của Mỹ chống lại Mỹ cho tới tận ngày nay.

Ngay tại Mỹ, sức ép về vấn đề Syria cũng đã nóng lên khi Giám đốc tình báo quốc gia James R.Clapper nói trước Quốc hội rằng Chính phủ của ông Assad đã vững mạnh thêm sau khi tránh được một cuộc tấn công quân sự nhờ thỏa thuận Nga - Mỹ về giải giáp vũ khí hóa học ở Syria. Robert S.Ford, phái viên của Mỹ tại Syria vừa nghỉ hưu cho rằng ít nhất Chính phủ của ông Assad có thể tồn tại trung hạn.

Thêm vào đó, việc Nga sáp nhập Crimea càng thôi thúc Mỹ cần có hành động kịp thời hơn chứ không để Nga làm chủ tình thế ở đó. Về mặt công khai, Mỹ vẫn chưa công bố khả năng viện trợ tên lửa vác vai tấn công máy bay (manpad) cho lực lượng đối lập Syria. Mỹ và cả Israel lo ngại loại vũ khí này khi rơi vào tay lực lượng khủng bố có thể dùng để bắn hạ máy bay dân sự, nhất là máy bay của Israel. Trong khi Saudi Arabia rất mong đợi Mỹ cung cấp manpad và các tên lửa hành trình chống xe tăng cho lực lượng đối lập Syria trong bối cảnh phe đối lập đang co cụm trước lực lượng của Tổng thống Assad.

Theo Los Angeles Times, trả lời các phóng viên trên chuyên cơ Air Force One trên đường tháp tùng Tổng thống Obama tới Saudi Arabia, Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes cho biết chuyện vũ khí hiện đại rơi vào tay khủng bố ở Syria vẫn là mối quan tâm lớn của Mỹ. Tuy nhiên, sau đó một quan chức Mỹ giấu tên cho biết vẫn có thể có sự linh hoạt khi mà Mỹ và các nước đồng minh ở vùng Vịnh đang phối hợp tốt hơn để các loại vũ khí này “đến nơi cần đến”. Thêm vũ khí vào Syria đồng nghĩa với việc sẽ có leo thang xung đột tại đây và số người chết sẽ không dừng lại ở con số hơn 140.000 người hiện nay. Trước mắt, theo AP ngày 29-3, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang cân nhắc kế hoạch chuyển các hệ thống phòng không vác vai cho lực lượng nổi dậy ở Syria. Nếu diễn ra, đây sẽ là sự thay đổi trong chiến lược của Mỹ, vốn vẫn hạn chế viện trợ vũ khí sát thương.

Theo các nhà phân tích, có lẽ chuyện vũ khí hiện đại đến tay lực lượng đối lập Syria chỉ còn là vấn đề thời gian. Tổng thống Obama sẽ không muốn tiếp tục bị quy kết là “nhu nhược” trước các vấn đề quốc tế và càng không muốn mất đồng minh ở vùng Vịnh trong khi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng chuẩn bị bắt đầu. Vấn đề là cái giá phải trả khi các loại vũ khí đó rơi vào tay khủng bố. Hậu quả sẽ không nhỏ mặc dù có thể nó không xảy ra tức thì.

Thụy Vũ

Tin cùng chuyên mục