Trái luật pháp quốc tế

Sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng bảo vệ quy định đánh bắt cá ở biển Đông của chính quyền tỉnh Hải Nam, gọi đó là hành động bảo về nguồn tài nguyên đánh bắt, nhiều chuyên gia trên thế giới cho rằng việc làm của Trung Quốc đi ngược lại luật pháp quốc tế.

Sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng bảo vệ quy định đánh bắt cá ở biển Đông của chính quyền tỉnh Hải Nam, gọi đó là hành động bảo về nguồn tài nguyên đánh bắt, nhiều chuyên gia trên thế giới cho rằng việc làm của Trung Quốc đi ngược lại luật pháp quốc tế.

Theo tờ The Diplomat, theo quy định của chính quyền tỉnh Hải Nam, phạm vi quản lý biển Đông của tỉnh này sẽ là 2 triệu km2, hơn một nửa diện tích của vùng biển này. Nếu quy định này được thực hiện, Trung Quốc đương nhiên sẽ kiểm soát việc đánh cá trong toàn bộ khu vực biển Đông và điều này đi ngược lại Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS).

Trong khi đó, ông John Tkacik, cựu chuyên gia về Trung Quốc của Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng động thái của Trung Quốc làm dấy lên những căng thẳng mới trong khu vực “không có gì là bất ngờ”. Chuyên gia này chỉ rõ rằng quyết định của tỉnh Hải Nam nằm trong chiến lược từng bước siết chặt quyền kiểm soát của Trung Quốc trên vùng biển Đông, mà bước trước đây chính là việc công khai hóa tấm bản đồ hình lưỡi bò, “đường 9 đoạn” rất mơ hồ về mặt pháp lý. Biện pháp cấp tỉnh vừa được ban hành, theo ông Tkacik, có thể là một quả bóng nhằm thăm dò phản ứng của khu vực và quốc tế. Ông Tkacik khẳng định đây rõ ràng là một hành động “xem thường UNCLOS của Bắc Kinh”.

Trước đó, Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia kỳ cựu về biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia cũng đã đưa ra nhận định như ông Tkacik khi cho rằng quyết định của chính quyền tỉnh Hải Nam có thể được coi là một hành động leo thang quan trọng của Trung Quốc trong việc áp đặt quyền tài phán của họ trên các vùng mà họ đòi chủ quyền của họ ở biển Đông. Quy định đó có mục tiêu là hợp pháp hóa chặn bắt, bắn phá, tịch thu tài sản, bắt nộp phạt mà Trung Quốc đã tiến hành từ trước đây đối với ngư dân nhiều nước. Theo Giáo sư Thayer, chỗ yếu trong các quy định mới của Trung Quốc chính là tính chất pháp lý. Nếu Trung Quốc thực hiện công việc mà họ gọi là thực thi luật pháp trong vùng hải phận quốc tế ở biển Đông thì các hành vi đó sẽ bị đồng hóa với hoạt động cướp biển do một nhà nước tiến hành.

Trong khi đó, một bài viết trên mạng thông tin Inquirer của Philippines đã có sự so sánh khá thú vị về hành xử của Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế. Bài viết có đoạn: “Mới đây thôi, Trung Quốc yêu cầu LHQ phản đối việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến thăm đền thờ Yasukuni gây nhiều tranh cãi. Nhưng trong tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông, Trung Quốc đi ngược lại với điều luật được quốc tế và LHQ quy định. Đối với Philippines, Trung Quốc cũng phớt lờ việc giải quyết thông qua trọng tài quốc tế”.

Có thể nói, những diễn biến mới tại biển Đông cũng như trước đó Trung Quốc công bố vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông đang đặt ra thách thức tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Điều này đã được thể hiện rõ trong hội thảo do Viện Nghiên cứu Stratcore Group của Ấn Độ với chủ đề “Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Trung Quốc, những thách thức hàng hải mới đối với châu Á-Thái Bình Dương và cấu trúc an ninh biển Đông”.

Chủ tọa cuộc hội thảo nêu rõ Trung Quốc thiết lập ADIZ trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư sẽ ảnh hưởng đến sự cân bằng chiến lược tại châu Á về lâu dài. Các diễn giả cũng cho rằng việc giải quyết tranh chấp chủ quyền tại biển Đông đòi hỏi các bên liên quan phải tuân thủ UNCLOS; thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và hướng tới Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC)...

VĂN ĐỖ

Tin cùng chuyên mục