Năm mới, lo nhưng không buồn!

Trong năm 2010, những chấn động làm rung chuyển thế giới bắt nguồn từ những nơi ít ngờ nhất như động đất ở Haiti, tro bụi từ núi lửa phun trào ở Iceland, vụ trang web WikiLeaks tiết lộ các điện tín ngoại giao quốc tế trên các trang nhất báo chí khắp thế giới... Những cuộc khủng hoảng trải dài từ Đông sang Tây: nói đến Mỹ, Hy Lạp hay Ireland, người ta nghĩ tới dòng người thất nghiệp, những vụ biểu tình chính trị và nỗi thất vọng chung.

Cứ vài tháng, một cuộc khủng hoảng mới lại xuất hiện và đe dọa làm trật bánh nền kinh tế toàn cầu, những người bi quan lo âu các cuộc khủng hoảng khác sẽ lại xuất hiện. Nhắc tới Haiti, Pakistan người ta không thể không nhói lòng vì những thiệt hại lớn cả về người lẫn của. Hơn bao giờ hết, lịch sử trở thành một trải nghiệm được chia sẻ trên toàn cầu, từ trận động đất kinh hoàng ở Haiti hồi đầu năm 2010 tới sự vui sướng của tất cả mọi người khắp thế giới hồi tháng 10 sau khi các thợ mỏ Chile được giải cứu thành công sau hơn 60 ngày mắc kẹt sâu trong lòng đất.

Bước vào năm mới 2011, nhiều nỗi lo vẫn còn đó. Những căng thẳng về tỷ giá giữa đồng USD và nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc, tình trạng bấp bênh của đồng euro, các biện pháp đối phó của Nhật Bản và Mỹ, cho thấy hố ngăn cách ngày càng nới rộng giữa các nền kinh tế phát triển và các nước mới nổi có tốc độ tăng trưởng nhanh.

Phân tích về triển vọng kinh tế thế giới trong năm tới, nhà kinh tế Joseph Stiglitz - giải Nobel Kinh tế năm 2001 - cho rằng, nền kinh tế thế giới xuất hiện 2 tốc độ, một là do các thị trường mới nổi như Ấn Độ, Trung Quốc và các nền kinh tế Đông Nam Á tiếp tục tăng trưởng vững chắc; trong khi đó, châu Âu và Mỹ vẫn đương đầu với tình trạng trì trệ của nền kinh tế, cũng tương tự như ở Nhật Bản, với tỷ lệ thất nghiệp cao và kéo dài. Theo ông Stiglitz, thế giới hai tốc độ hiện nay đang đối mặt với những nguy cơ bất thường. Trong khi năng lực sản xuất ở châu Á chưa đủ để gánh thêm tỷ lệ tăng trưởng cho các nước khác trên thế giới, điều đó làm tăng giá nguyên liệu.

Năm 2011 được dự báo là năm các nhà lãnh đạo thế giới sẽ phải làm quen với một môi trường chính trị quốc tế mới. Nhiều dự đoán của các chuyên gia chính trị quốc tế cho thấy năm 2011 sẽ gia tăng sự cạnh tranh giữa các nước. Mỹ và Trung Quốc sẽ đối đầu căng thẳng hơn tại các diễn đàn quốc tế lớn như LHQ, các cuộc thương lượng toàn cầu về biến đổi khí hậu hay tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 tổ chức trong năm 2011. Căng thẳng trong quan hệ Trung-Mỹ vào năm tới sẽ ảnh hưởng trực tiếp và khiến việc giải quyết các vấn đề quốc tế lớn có thể lâm vào bế tắc. Căng thẳng quốc tế cũng có thể tăng thêm giữa các nước giàu, nhất là trong nội bộ EU.

Tuy nhiên, cũng có không ít những dự báo cho rằng năm 2011 sẽ là năm tươi sáng hơn khi nền kinh tế Mỹ có thể được cải thiện. Thật mạo hiểm khi cố đưa ra dự đoán cụ thể như vậy, nhưng phần lớn các chuyên gia tin rằng kinh tế Mỹ năm 2011 sẽ tăng trưởng ở mức 2%-3%, thậm chí còn tăng cao hơn theo một số người dự báo. Nếu điều này thành sự thực, kinh tế Mỹ sẽ hỗ trợ nhiều nước trên thế giới tăng trưởng vì Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, châu Âu phải tốn nhiều thời gian và trải qua nhiều cuộc khủng hoảng để đi tới nhận thức rằng họ sẽ phải ra tay hỗ trợ các nước cùng khối như Hy Lạp, Ireland và có thể cả Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha nữa. Song họ sẽ tăng trưởng với tốc độ khá, vì vậy, nền kinh tế toàn cầu sẽ khởi sắc hơn. Căng thẳng từ bán đảo Triều Tiên có thể dịu lại khi Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak kêu gọi đối thoại với CHDCND Triều Tiên, một động thái được đánh giá làm giảm nhẹ lập trường cứng rắn của ông đối với Triều Tiên.

Việt Anh

Tin cùng chuyên mục