Sóng ngầm

Cuộc “cách mạng hoa nhài” diễn ra tại Tunisia đã buộc Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali phải xin tị nạn tại Saudi Arabia, chấm dứt 23 năm cầm quyền tại nước này. Ông Ben Ali tháo chạy, bỏ lại sau lưng cuộc sống ngày càng cơ cực của người dân Tunisia và tham nhũng tràn lan. Đây cũng chính là lý do đã dẫn đến nhiều vụ tự thiêu, biểu tình và nổi loạn làm rối ren đất nước. Trong khi đó, tài sản của “ông vua” Ben Ali, 74 tuổi, ước tính lên đến 5 tỷ EUR.

Tunisia là một quốc gia Hồi giáo, nằm ven bờ biển Địa Trung Hải, giáp ranh với Algeria, Libya và có nhiều điểm tương đồng với các nước Arab khác. Do đó, sự kiện tại Tunisia đã gây chấn động mạnh tới các nước trong khu vực. Chính vì vậy, Liên đoàn các nước Arab (AL) đã có cuộc họp thượng đỉnh về kinh tế tại khu nghỉ mát Sharm el Sheik của Ai Cập. Theo Tổng thư ký khối này, ông Amr Moussa, AL không chỉ đánh giá tình hình tại Tunisia mà còn cả một khu vực từ Morocco đến vịnh Persic.

Trong diễn văn khai mạc, ông Moussa nói: “Cuộc cách mạng ở Tunisia không xa lắm so với chúng ta. Công dân các nước Arab đang ở trong tình trạng thất vọng và giận dữ khó lường”. Ngoại trưởng Kuwait Salem al Sabah cho rằng giờ đây người dân Arab đang tự hỏi chính phủ có đánh giá được mức độ trầm trọng của những gì dân chúng đang chịu đựng trước điều kiện sống, y tế, giáo dục và tương lai của họ? Đây là kỳ họp thượng đỉnh về kinh tế thứ nhì của AL kể từ năm 2009 ở Kuwait.

Cũng như lần trước, khối Arab chưa cho thấy được sức mạnh thống nhất cần có của một khối liên kết. Theo phát biểu của Giáo sư khoa học chính trị Shafeeq Ghabra tại Đại học Kuwait trên tờ New York Times, AL có đưa ra một số kết quả nhưng nó không đủ mạnh để giải tỏa những nỗi tuyệt vọng của người dân nhiều nước Arab.

Ngay tại các nước Ai Cập, Algeria và Mauritania, trong những ngày qua, đã có ba trường hợp tự thiêu khiến người ta không khỏi so sánh các nước này với Tunisia. Nhiều nhà lãnh đạo Arab thừa nhận rằng mối đe dọa lớn nhất đối với khả năng cầm quyền của họ nằm ở vấn đề phát triển kinh tế, trong đó có vấn đề tạo việc làm. Vẫn theo ông Ghabra, thể chế của khối Arab từ nay sẽ vấp phải làn sóng phản đối dữ dội vì những gì xảy ra tại Tunisia cho thấy lần đầu tiên trong nhiều thập niên qua, người dân khối Arab đã phá bỏ bức tường sợ hãi để đấu tranh.

Các nhà lãnh đạo Arab giờ đây nhận ra rằng không có cách nào khác là phải ưu tiên thúc đẩy hợp tác về kinh tế và xã hội, trong đó nhấn mạnh đến nhu cầu cơ bản của người dân. Một chương trình 2 tỷ USD được công bố nhằm giúp các nước nghèo nhất trong khối tập trung tạo việc làm cho dân chúng, nhất là ở bộ phận thanh niên.

Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak cho rằng “ưu tiên hợp tác kinh tế và phát triển không những vì sự tiến bộ của người dân mà là yêu cầu cơ bản vì an ninh quốc gia của các nước trong AL”. “Cuộc cách mạng hoa nhài” là tín hiệu cho thấy những cơn sóng ngầm đang âm ỉ sẽ có thể bùng phát bất cứ lúc nào, dẫn đến những thay đổi mang tính bước ngoặt, tạo điều kiện cho nhân dân được hưởng nhiều quyền lợi hơn cả về vật chất và tinh thần

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục