Bước đi thận trọng
Hội thảo do UBND TPHCM cùng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đồng tổ chức nhằm mục tiêu “Xây dựng hệ sinh thái ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TPHCM giai đoạn 2019-2025”. Theo ban tổ chức, qua hội thảo sẽ đúc kết và đưa ra những quyết sách để hoàn thiện Chương trình phát triển AI của thành phố. Chương trình hội thảo gồm các nội dung chính: Các mô hình nghiên cứu, ứng dụng AI của thế giới, đề xuất các cam kết hỗ trợ cho TPHCM; Khai thác ứng dụng AI cho TPHCM trong lĩnh vực y tế, giáo dục, vận tải… Từ đó, các chuyên gia quốc tế sẽ đưa ra những khuyến cáo cho TPHCM khi xây dựng Chương trình phát triển AI.
Để xây dựng chương trình AI cho thành phố, từ tháng 3-2019, Sở TT-TT và Sở KH-CN TPHCM đã phối hợp tổ chức hội thảo “Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TPHCM giai đoạn 2019-2025”, qua đó xác định thực trạng ban đầu cho chương trình AI của thành phố. Theo các chuyên gia, TPHCM có điều kiện hình thành Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng AI bởi có nguồn lực kinh tế, có thị trường tại chỗ. Vấn đề đặt ra là thành phố cần xây dựng cơ sở dữ liệu về chuyên gia, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực AI; hình thành Ban Xây dựng và điều hành chương trình hợp tác, nghiên cứu ứng dụng AI.
Đến nay, TPHCM đã thống kê được 30 chương trình AI của các viện, trường đang phát triển, đã xây dựng cơ sở dữ liệu các chuyên gia, đơn vị nghiên cứu ứng dụng AI tại thành phố. Đồng thời, Ban Xây dựng và điều hành chương trình hợp tác, nghiên cứu ứng dụng AI cũng sắp được hình thành… Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, cho biết qua từng bước đi thận trọng, TPHCM đã xác định hướng đi rõ ràng cho chương trình AI. AI của TPHCM sẽ phục vụ con người, cụ thể là phục vụ người dân và gắn liền với lợi ích của doanh nghiệp, phục vụ công tác quản lý của cơ quan nhà nước…
Không thể không có AI
Theo các chuyên gia công nghệ, ứng dụng AI vào cuộc sống và quản lý hành chính, cũng như bắt kịp xu thế công nghệ trong tương lai được xem là một trong những chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM. Vì vậy, trong hội thảo nói trên, các ý kiến đề xuất, kiến nghị, các giải pháp công nghệ, cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển hệ sinh thái AI là hết sức quan trọng. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phát triển với tốc độ nhanh, cuộc chạy đua AI của những tập đoàn công nghệ, xu hướng đầu tư AI đang trở thành mối quan tâm của nhiều quốc gia. Từ đó dẫn tới sự thay đổi đáng kinh ngạc của nền kinh tế toàn cầu, có thể làm thay đổi cách thức con người sống, làm việc và điều hành xã hội. Các tập đoàn công nghệ đánh giá, phần đóng góp của AI cho kinh tế - xã hội toàn cầu được dự báo sẽ lên tới 15.700 tỷ USD vào năm 2030. “Riêng tại TPHCM, việc ứng dụng công nghệ AI vào sản xuất và đời sống, cũng như quản lý hành chính, luôn được chính quyền thành phố đánh giá là yếu tố quan trọng để xây dựng TPHCM phát triển nhanh, bền vững, sớm trở thành đô thị thông minh bậc nhất cả nước. Việc xây dựng hệ sinh thái ứng dụng AI cũng là tiền đề để thực hiện thành công đề án Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2025”, ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, cho biết.
Theo PGS-TS Lâm Quang Vinh, Trưởng ban KH-CN thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, để đưa AI vào ứng dụng trong đời sống, TPHCM cần xác định những phương hướng chương trình AI, mời các diễn giả là các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đang công tác tại các đơn vị như Đại học Quốc gia TPHCM, Viện John von Neumann, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Bách khoa... và các nhà nghiên cứu đến từ nhiều viện, trường, hiệp hội, các doanh nghiệp, các nhóm khởi nghiệp trong lĩnh vực AI để lắng nghe tất cả các ý kiến của họ. Qua đó đúc kết các phương hướng cho chương trình AI phù hợp, hiệu quả. “Chúng ta cần phát huy nguồn lực của thành phố hơn 10 triệu dân và AI phải phục vụ đời sống thực tiễn”, PGS-TS Lâm Quang Vinh nhấn mạnh.
Sở TT-TT, Sở KH-CN sẽ phối hợp Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức lớp tập huấn giới thiệu, cập nhật, bổ sung thông tin, kiến thức, nâng cao nhận thức về AI cũng như khả năng, lĩnh vực ứng dụng AI trong nghiên cứu, quản lý và sản xuất. Nội dung tập huấn bao gồm: Giới thiệu tổng quan về AI - ứng dụng, nguy cơ và thách thức; Giới thiệu về ứng dụng AI với dữ liệu hình ảnh trong các lĩnh vực giám sát an ninh, giám sát giao thông, chẩn đoán hình ảnh y khoa, theo dõi sông hồ qua dữ liệu vệ tinh; Giới thiệu ứng dụng AI với dữ liệu văn bản trong lĩnh vực phân tích thông tin mạng xã hội; Giới thiệu ứng dụng AI trong chuyển đổi số. |