Ám ảnh trại chăn nuôi

Chăn nuôi theo quy mô lớn là điều khuyến khích, nhưng việc nuôi heo của các nông hộ ở Đồng Nai đã khiến môi trường xung quanh, nhất là ở các khu dân cư bị ô nhiễm nghiêm trọng, dư luận bức xúc.

Chăn nuôi theo quy mô lớn là điều khuyến khích, nhưng việc nuôi heo của các nông hộ ở Đồng Nai đã khiến môi trường xung quanh, nhất là ở các khu dân cư bị ô nhiễm nghiêm trọng, dư luận bức xúc.

Khu vực ấp 6, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) trước đây có không khí trong lành, dòng suối nhỏ đổ ra suối Sông Lạnh (đoạn qua xã Sông Trầu) còn sạch, nhưng nay nước đã đục ngầu, mùi hôi thối bốc lên bay vào khu dân cư đông đúc. Có hiện tượng này là do một số hộ gia đình trong vùng tổ chức nuôi đàn heo quy mô lớn. Nhẩm tính sơ sơ, cả ấp 6 đang có cả ngàn con heo thịt được chăn nuôi sát con suối nhỏ chảy ra suối Sông Lạnh. Hầu hết các trại nuôi được xây dựng hết sức giản đơn, theo kiểu “hồ lắng”. Tức mỗi chủ trại cho đào một cái ao chứa phân, rồi xây hệ thống mương dọc chuồng trại để mỗi khi tắm heo thì phân theo dòng nước chảy xuống ao. Ao phân bốc mùi nồng nặc, bề mặt đen kịt, phân heo lâu ngày sùi bọt khí; rồi khi ao bị đầy thì phân tràn bờ, trôi ra ngoài lênh láng cả vùng. Đó là chưa kể các chủ trại heo có “sáng kiến” lắp đặt những ống cống thông ra suối; thừa đêm hôm, mưa lụt “tuồn” phân heo chưa qua xử lý ra dòng suối.

Ở vùng chuyên canh rau, hoa Phúc Nhạc, xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất (Đồng Nai), tình hình cũng bi đát không kém. Vùng đất này vốn nổi tiếng với nghề trồng hoa và rau củ, cung ứng cho cả vùng khi chuẩn bị đến Tết Nguyên đán. Theo ghi nhận, từ năm 2005 đến nay, nông dân trong vùng liên tục thất thu. Dễ hiểu, vì các trại heo lẫn lộn trong vùng thường xuyên xả thải trực tiếp ra kênh mương tưới tiêu, khiến rau củ, hoa lá tại các nhà vườn bị hư hại nặng.

Nhưng đáng nói hơn cả là các trại nuôi heo đã và đang “lọt thỏm” trong nội thị TP Biên Hòa (tỉnh lỵ của Đồng Nai). Tại phường Trảng Dài, ước tính có khoảng 200 hộ chăn nuôi, đàn heo lên cả chục ngàn con. Dọc theo dòng suối Săn Máu, người đi đường phải bịt mũi vì quá hôi thối. Phần lớn các hộ nuôi heo ở đây cho phân heo chưa qua xử lý đi thẳng xuống dòng suối đang chảy, tạo thành “bãi tràn” giữa dòng nước đục. Suối Săn Máu xuôi dòng để ra sông Đồng Nai. Vậy ai dám chắc dòng sông rộng lớn này không bị nhiễm độc, với nhung nhúc ký sinh trùng!

Nhiều hộ dân ở TP Biên Hòa bức xúc, dù mang tiếng sống ở đô thị nhưng gần chục năm nay, bà con vô cùng khổ sở vì “sống chung” với ô nhiễm. Những trại heo ngang nhiên xả phân, nội tạng ra cống công cộng, gây mùi hôi cả vào mùa nắng lẫn mùa mưa. Thanh niên ở các tổ dân phố phải lội nước mưa lẫn với phân heo để ra cống vớt lòng heo, các phế thải từ heo để khơi thông dòng chảy. Tại nhiều buổi tiếp xúc cử tri ở các huyện và TP Biên Hòa, vấn đề ô nhiễm môi trường do chăn nuôi heo đều được người dân địa phương “báo cáo” với đại biểu HĐND tỉnh. Rồi thì các chủ trại chăn nuôi gây ô nhiễm bị xử phạt hành chính, nhưng vẫn tái phạm thường xuyên, như biểu hiện của sự “lờn thuốc”. Trong khi đó, việc kiểm tra, xử lý hành vi xả thải hiện nay của các cơ quan chức năng tỉnh tiến hành kiểu “được chăng hay chớ”.

Trong giai đoạn hội nhập, việc hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh, đặc biệt đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm là điều rất cần thiết ở nước ta. Để hạn chế tối đa mức độ gây ô nhiễm từ chất thải, như đã nêu ở Đồng Nai thì việc chăn nuôi gia súc phải được quy hoạch phù hợp theo vùng. Đặc biệt, những khu vực có sử dụng nguồn nước ngầm, hoặc nguồn nước sông hồ cung cấp cho các nhà máy nước sinh hoạt thì công tác quy hoạch chăn nuôi càng phải chặt chẽ hơn. Khi xây dựng trang trại chăn nuôi cần phải đủ xa khu vực nội thành, nội thị; đặc biệt phải được đánh giá tác động môi trường trước khi khởi công.

ĐỨC THANH

Tin cùng chuyên mục