Sau rất nhiều tranh cãi gay gắt, cuối cùng thì Nhà máy Kẽm điện phân Thái Nguyên (KCN Sông Công) cũng phải chấp nhận bồi thường cho người dân hơn 100 triệu đồng vì gây sự cố môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Câu chuyện dù đang tới hồi kết, nhưng cả hai bên đều bày tỏ ấm ức, cho là mình chịu nhiều thiệt hại nhất.
Người dân ấm ức, vì chẳng bao giờ mong muốn được bồi thường như thế này nữa. Bởi hàng tháng trời phải hít khí SO2, H2SO4, lúa hỏng, cây chết, người ốm, hậu quả không biết thế nào. Gần 4 tháng nhà máy kẽm điện phân sản xuất thử nghiệm cũng là thời gian những người nông dân phải mệt mỏi tự đấu tranh bảo vệ môi trường sống của mình. Đã có những lúc họ thực sự nổi giận trước phản ứng chậm chạp của các cơ quan quản lý, sự thiếu trách nhiệm của doanh nghiệp và nếu thiếu đi một chút kiềm chế, chưa biết sự việc sẽ đi đến đâu!
Đại diện nhà máy kẽm điện phân, đáng ngạc nhiên, cũng bày tỏ ấm ức về chuyện này. Bởi theo họ, sự cố xảy ra trong quá trình sản xuất thử nghiệm là không mong muốn và nếu khu công nghiệp được giải phóng mặt bằng đầy đủ, thì đã không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Họ cũng phàn nàn trên báo chí rằng việc quan trắc môi trường của Sở Tài nguyên – Môi trường đã làm chậm tiến độ sản xuất chính thức của nhà máy. Dù chính sở này đã bị người dân phản ứng gay gắt khi bị cho rằng đã nương nhẹ với doanh nghiệp.
Khu công nghiệp Sông Công được kỳ vọng đóng góp quan trọng cho các chương trình kế hoạch phát triển công nghiệp của cả tỉnh. Nhưng có lẽ do khó khăn về thu hút đầu tư, nên mọi loại hình công nghiệp từ cơ khí, luyện kim, hóa chất,... đều được chấp nhận đầu tư tại đây.
Một khu công nghiệp như vậy nằm ngay trong lòng một thị xã rất trẻ chắc chắn sẽ không tránh khỏi những sự cố tương tự. Và những thiệt hại trong tương lai khi phát triển lâu dài chắc rằng sẽ không phải chỉ có như ở sự cố vừa rồi.
PHAN THU