
Thủ đô Amsterdam của Hà Lan hiện đang đẩy mạnh triển khai một loạt các dự án môi trường đầy tham vọng như cung cấp xe hơi điện, các tấm thu năng lượng mặt trời và tuabin sức gió sử dụng cho mỗi hộ gia đình v.v… Một khi những dự án trên được hoàn tất, Amsterdam sẽ trở thành một thành phố thân thiện môi trường nhất trên thế giới…
Dự án nối tiếp dự án…
Trên các đường phố của Amsterdam, người dân và cả du khách có thể dễ dàng nhận thấy một loạt những thay đổi lớn. Đầu tiên là 1.200 hộ gia đình đã được lắp đặt một hệ thống tiết kiệm năng lượng của hãng IBM và Cisco nhằm giảm bớt đáng kể chi phí sử dụng điện.
Một số hộ lại được sự hỗ trợ tài chính từ các ngân hàng ING và Rabobank của Hà Lan để mua nhiều sản phẩm khác, từ những bóng đèn tiết kiệm năng lượng cho tới những tấm ngăn trần siêu hiệu suất. Còn tại Utrechtsestraat – đại lộ mua bán chính tại trung tâm thủ đô Hà Lan – các nhà chức trách đã cho lắp đặt một loạt các tấm năng lượng mặt trời tại những điểm chờ xe buýt nhằm biến con đường này thành “Climate Street” chuyên sử dụng các công nghệ sạch.

Amsterdam trong một tương lai không xa sẽ trở thành một thành phố thông minh và thân thiện môi trường nhất trên thế giới.
Những dự án trên chỉ là những bước đầu tiên trong nỗ lực biến đổi cơ sở hạ tầng của Amsterdam theo những tiêu chí thân thiện môi trường hơn. Trước mắt đã có một vài dự án khác đã được lên kế hoạch chuẩn bị triển khai trong thời gian sớm nhất.
Đầu tiên là kế hoạch triển khai 300 ổ cắm điện khắp thành phố để các công dân có thể dễ dàng sạc bình cho xe ô tô điện, tiếp đó các tòa nhà cổ từ thế kỷ 17 được trang bị các tấm thu năng lượng mặt trời.
Đáng chú ý nhất là dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng cho phép các hộ gia đình có thể bán lại năng lượng điện họ sản xuất được từ các tuabin gió cỡ nhỏ cho mạng điện của thành phố.
Amsterdam đang được đánh giá là ngọn cờ đầu trong phong trào “năng lượng xanh”, trong đó nhiều chính phủ trên khắp thế giới đã đầu tư tổng cộng hàng tỷ đô la để xây dựng những “thành phố thông minh” với hàng loạt dự án về năng lượng tái sinh cùng với mục tiêu giảm bớt lượng khí thải carbon dioxide. Với những bước đầu tư quy mô dự kiến sẽ hoàn tất giai đoạn đầu tiên vào năm 2012, Amsterdam đang thu hút được sự chú ý đặc biệt của các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu với tư cách một kiểu mẫu cần nghiên cứu và học tập.
Hiệu quả cho từng hộ gia đình
Theo chính quyền thành phố, các công ty tư nhân đang dự tính sẽ đầu tư tổng cộng 1,1 tỷ euro (1,5 tỷ USD) cho các chương trình thành phố thông minh của Amsterdam trong vòng 3 năm tới. Đầu tiên là số tiền 300 triệu euro của các hãng Philips và Nuon chi phí cho một loạt các công nghệ sử dụng năng lượng hiệu quả.
Nhưng đáng chú ý nhất là khoản đầu tư 300 triệu euro (420 triệu USD) của hãng điều hành mạng lưới điện Alliander vào công nghệ “mạng điện thông minh”, trong đó có triển khai các thiết bị cảm biến trên mạng giúp giám sát mức độ sử dụng điện một cách hợp lý nhất. Công ty này còn có kế hoạch sẽ chi 100 triệu euro mỗi năm từ nay tới 2016 để nâng cấp toàn bộ mạng lưới điện của thành phố trở thành “mạng điện thông minh”.
Như đã nhắc tới ở trên, các quan chức chịu trách nhiệm quy hoạch Amsterdam còn có tham vọng về một dự án gọi là “nhà máy điện ảo”, thực chất là các biện pháp nâng cấp cơ sở hạ tầng cho phép từng hộ gia đình có thể bán lại số năng lượng sản xuất dư thừa – được sản xuất từ các tấm thu năng lượng mặt trời, tuabin gió, hệ thống điện sinh học v.v… - cho chính quyền thành phố. Kế hoạch này theo dự kiến một khi triển khai sẽ bổ sung thêm tới 200 megawatt cho nguồn điện của Amsterdam, tương đương với lượng điện sản xuất được của một nhà máy điện cỡ lớn chạy bằng sức gió.
Chính quyền Amsterdam cũng đang bàn bạc và đàm phán với nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất châu Âu và cả một hãng phần mềm để hợp tác phát triển một công nghệ cho phép mọi người có thể điều khiển việc sử dụng điện tại nhà của mình từ xa. Công nghệ này sẽ giúp khách hàng có thể dễ dàng tắt bật các thiết bị điện trong nhà ngay cả khi họ đang đi ngoài đường.
Những kế hoạch đầy tham vọng của chính quyền thành phố Amsterdam được công luận cũng như các nhà chuyên môn đánh giá rất cao, dù nhược điểm nổi bật của chúng vào thời điểm này vẫn là đòi hỏi một số tiền đầu tư tương đối lớn.
Theo một số đánh giá ước tính, cứ mỗi hộ gia đình tại thành phố này phải cần một khoảng đầu tư trung bình 438 USD trong vòng 15 năm chỉ riêng cho mục tiêu xây dựng mạng điện thông minh. Chưa kể những chi phí bổ sung khác, chẳng hạn như khoản đầu tư 280 triệu USD để giúp các ngôi nhà trong thành phố sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, sẽ là những gánh nặng tài chính thực sự cho các khách hàng, đặc biệt vào giai đoạn khủng hoảng kinh tế như hiện nay.
Tuy nhiên với mục tiêu biến Amsterdam thành một “thành phố thông minh”, các quan chức tại đây hy vọng sẽ thúc đẩy được kinh tế phát triển để nhanh chóng thu hồi vốn đầu tư của cả chính quyền cũng như giới tư nhân, đồng thời đến năm 2025 sẽ giảm được tới 40% lượng khí thải chung của toàn thành phố.
Như Quỳnh
(SGGP 12G)