So với cách đây 5 năm, hiện nay kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh An Giang đã tăng gấp 4 lần, đạt hơn 1,2 tỷ USD/năm. Với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 21%, kinh tế biên mậu được xem là mũi nhọn trong định hướng phát triển của An Giang, nơi có gần 100km tiếp giáp với nước bạn Campuchia.
Những lợi thế hàng đầu
An Giang được xem là địa phương đứng đầu về giá trị hàng hóa qua lại các cửa khẩu biên giới, chiếm đến 1/3 giá trị trao đổi ngoại thương giữa Việt Nam-Campuchia và trên 50% giá trị xuất nhập khẩu biên mậu của các tỉnh biên giới. Trong đó, gần 70% lượng hàng hóa của các doanh nghiệp ở khu vực ĐBSCL, miền Đông Nam bộ và TPHCM đều đi qua các cửa khẩu của An Giang trước khi xuất sang Campuchia.
Trong 5 năm qua, doanh số kinh doanh của 26 chợ biên giới trên địa bàn tỉnh đều đạt mức tăng trưởng từ 10 - 30% mỗi năm. Trong đó, ấn tượng nhất là Khu Thương mại Tịnh Biên với hoạt động bán hàng miễn thuế. Nhờ vị trí nằm cạnh cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, mỗi năm, hệ thống siêu thị miễn thuế tại đây thu hút trên 2 triệu lượt khách đến tham quan, mua sắm với doanh thu hơn 1.300 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 600 lao động địa phương, chưa kể các dịch vụ kéo theo.
Thông qua việc phối hợp tổ chức các kỳ hội chợ đường biên, phía Campuchia đã tích cực tham gia hội chợ với kết quả năm sau luôn cao hơn năm trước, từ 25 gian hàng năm 2007 đã tăng lên gần 100 gian hàng vào năm 2011. Bên cạnh đó, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh An Giang còn chủ động tăng cường hợp tác với Hiệp hội doanh nghiệp của các tỉnh Kandal, Takeo và thủ đô Phnompenh (Vương quốc Campuchia) để liên kết hợp tác xúc tiến thương mại, đầu tư.
Giữ vị trí giao thương quan trọng
Chương trình phát triển kinh tế biên giới được xem là 1 trong 13 chương trình trọng điểm của tỉnh An Giang. Thời gian qua, địa phương này đã tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật tại các khu vực cửa khẩu với tổng vốn đầu tư khoảng 129 tỷ đồng. Trong đó, khu vực cửa khẩu Tịnh Biên được đầu tư trước khoảng 77 tỷ đồng và thực hiện chính sách bán hàng miễn thuế 500.000 đồng/người/ngày cho khách tham quan du lịch.
Khu vực cửa khẩu quốc gia Vĩnh Xương được đầu tư khoảng 42 tỷ đồng, đưa vào sử dụng các công trình như: Cầu bắc qua kênh Bảy Xã, Tỉnh lộ 952 nối dài, Trạm Kiểm dịch Y tế Vĩnh Xương... Dự kiến đến cuối năm 2011, công trình Khu tái định cư Vĩnh Xương (rộng 7,85ha) sẽ hoàn thành và đưa vào phục vụ tái định cư cho người dân khu vực cửa khẩu Vĩnh Xương.
Còn ở khu vực cửa khẩu Khánh Bình, đơn vị tư vấn đang hoàn chỉnh Đồ án quy hoạch chung thị trấn Long Bình để kêu gọi đầu tư. Đồng thời, tỉnh đã hoàn thành xây dựng công trình Trạm Kiểm soát liên hợp cửa khẩu Vĩnh Hội Đông với tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỷ đồng, giúp việc kiểm soát và lưu thông hàng hóa qua cửa khẩu quốc gia này được nhanh chóng, khoa học hơn. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của An Giang đang hoàn chỉnh Đồ án quy hoạch chung khu kinh tế cửa khẩu An Giang với diện tích gần 26,6 ha để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Khi kinh tế biên mậu phát triển đã kéo theo nhiều hoạt động dịch vụ ra đời, góp phần tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm cho người dân vùng biên giới. Đồng thời, nó còn giúp giảm mạnh hoạt động buôn lậu và từng bước đẩy lùi hàng hóa nước thứ ba xâm nhập, tạo tuyến phòng thủ vững chắc cho thị trường nội địa Việt Nam. Hiện tại, các nhà đầu tư đã đăng ký vốn hơn 1.600 tỷ đồng vào các khu vực kinh tế biên mậu của An Giang.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, các cửa khẩu trên địa bàn An Giang giữ vị trí quan trọng trong việc giao thương giữa các tỉnh ĐBSCL với Vương quốc Campuchia. Đây còn là cửa ngõ để hàng hóa trong nước tiếp cận với thị trường các nước ASEAN. Với tốc độ tăng trưởng nhanh và chính sách ưu đãi đầu tư đối với các dự án phát triển kinh tế biên giới, An Giang vẫn tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.
NGÔ ĐẶNG