Nhắc đến An Giang, nông dân ĐBSCL nghĩ ngay đến chính sách “tam nông” mà tỉnh này đã bắt tay thực hiện từ năm 1985. Vùng Tứ giác Long Xuyên chính là dấu mốc thắng lợi quan trọng nhất từ bước đột phá “tam nông” của An Giang: Gần 100.000 ha được khai hoang phục hóa và đầu tư sản xuất. Tứ giác Long Xuyên từ con số 0 về năng suất lúa dần phất lên và đến nay đạt khoảng 9 - 10 tấn/ha, đưa An Giang vươn lên đứng vị trí số 1 cả nước về sản xuất lương thực.
Xây dựng hạ tầng từ... lòng dân
10 năm trước, cũng như bao vùng đất nghèo khó ở ĐBSCL, cơ sở hạ tầng ở An Giang bị tàn phá nặng nề sau trận lũ lịch sử. Lãnh đạo tỉnh kêu gọi người dân quyết tâm xây dựng lại xóm làng. Ở huyện Thoại Sơn - một huyện vùng sâu của tỉnh, nước lúc nào cũng ngập trắng đồng, hầu hết các tuyến đường giao thông vào trung tâm xã đều là đường đất, một số ít được rải cát, sình lầy, trơn trượt…
Không cam chịu, UBND huyện tổ chức họp dân, thống nhất xây dựng 300 cống hở, 500 cống tròn để điều tiết thủy lợi, tăng cường tuyến đê bao kết hợp giao thông nông thôn. Nhân dân đồng lòng góp 60% vốn, 40% còn lại huyện trích từ thuế nông nghiệp. Đùng một cái, thuế nông nghiệp được bãi bỏ, thế là 150 tỷ đồng “lỡ ứng” từ thuế trở thành món nợ. Nhân dân lại phải họp, đồng lòng, quyết tâm thực hiện các công trình và chấp nhận “thắt lưng buộc bụng” để… trả nợ cho huyện. Từ năm 2002, nông dân Thoại Sơn ung dung làm lúa vụ 3 ngay trong vùng đất bị xem là “rốn” lũ. Từ đây, Thoại Sơn bắt đầu tăng tốc phát triển. Hiện tại, xe ô tô có thể vào được tất cả các trung tâm xã, thị trấn của huyện. Ngay cả những xã vùng sâu như Vĩnh Phú, An Bình, Tây Phú, Mỹ Phú Đông… ban đêm cũng sáng ánh đèn.
Tương tự, Phú Tân được xem là một trong những vùng khó khăn của An Giang. Với vị trí cù lao, thường xuyên chịu nhiều tổn thất do thiên tai, cả huyện không chịu khoanh tay ngồi nhìn. Vậy là bà con lại cùng nhau vận động, đồng lòng vượt khó. Đến nay, Phú Tân đã hoàn chỉnh đê bao kiểm soát lũ cho toàn bộ diện tích sản xuất vụ 3. Song song với xây dựng hạ tầng nông thôn, Phú Tân đã đầu tư 29 cụm, tuyến dân cư vượt lũ, bố trí 5.061 nền cơ bản và 2.108 nền linh hoạt, giúp đồng bào nghèo, khó khăn có chỗ ở ổn định.
Theo ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, phát huy chính sách tam nông, An Giang đã thực hiện khá tốt các dự án và kế hoạch định canh, định cư; khuyến nông, khuyến lâm; phát triển sản xuất ngành nghề; chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thành lập mới và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hợp tác xã; xây dựng thương hiệu lúa, gạo An Giang theo tiêu chuẩn Global GAP. Từ đó, nông nghiệp, nông thôn, nông dân An Giang đang từng bước đổi mới.
Xã hội hóa để nâng cao chất lượng nông sản
An Giang là một trong những tỉnh sản xuất lúa lớn ở vùng ĐBSCL, do vậy, khâu giống là một trong những yếu tố góp phần tăng năng suất và sản lượng lúa của tỉnh trong những năm qua. Vào những năm 1999 - 2000, nông dân An Giang chỉ biết đến cấp giống xác nhận để sản xuất dưới hình thức các điểm trình diễn với quy mô nhỏ. Nhờ được chuyển giao chương trình huấn luyện “Kỹ năng chọn – tạo giống lúa cộng đồng” của Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, năm 2004, ngành nông nghiệp An Giang đã tìm được giải pháp tài chính: “1: 1: 1” (vốn của ngành nông nghiệp, UBND huyện và doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo, nông dược). Các chương trình - dự án để nhân rộng, huấn luyện kỹ năng chọn - tạo giống lúa và quá trình xã hội hóa giống lúa của An Giang đã bắt đầu phát triển, được nông dân tích cực hưởng ứng và mang lại hiệu quả thiết thực.
Đến nay, An Giang đã có 13.160 nông dân được huấn luyện, tập huấn về sản xuất lúa giống; thành lập 221 tổ sản xuất lúa giống (mỗi xã có ít nhất 1 tổ) với 3.429 nông dân tham gia sản xuất và cung cấp lúa giống cho nhu cầu tại địa phương với giá cả hợp lý, góp phần giải quyết nguồn giống tại chỗ cho nông dân. Ngoài hoạt động nhân giống, một số nông dân đam mê nghiên cứu, lai - chọn ra giống lúa mới tại cộng đồng bằng cách chọn giống từ nguồn sẵn có (phục tráng giống), tự lai tạo hoặc chọn lọc từ các nguồn vật liệu còn phân ly (thế hệ F2 - F5) do viện, trường cung cấp. Từ năm 2001 đến nay đã có 38 dòng/giống lúa được nông dân lai – chọn, trong đó có một số giống đã được gửi xin công nhận giống quốc gia.
Hiện An Giang cũng dẫn đầu về áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa, với các chương trình “3 giảm, 3 tăng”, tưới tiết kiệm nước, sạ hàng… Hầu hết diện tích lúa của tỉnh được thu hoạch bằng cơ giới, giúp nông dân hạn chế thất thoát. Không dừng lại ở đó, một số nơi trong tỉnh đã bắt đầu tính chuyện cho người có diện tích đất sản xuất lớn thuê những mảnh ruộng nhỏ kế bên để tạo ô ruộng lớn, để cơ giới hóa và áp dụng khoa học kỹ thuật vào ruộng được.
Ông Đoàn Minh Triết, Phó Chủ tịch huyện Thoại Sơn, cho biết: “Người có diện tích đất sản xuất lớn sẽ có điều kiện đưa khoa học kỹ thuật canh tác vào đồng ruộng. Trình độ, kinh nghiệm sản xuất chắc chắn sẽ cao hơn người ít đất. Thuê đất, người ta thuê luôn cả chủ đất, thế là ngoài tiền cho thuê đất, chủ đất vẫn làm bằng ấy công việc hàng ngày như những nông dân khác mà vẫn có tiền công, con cái họ thì bung ra đi làm ở các nhà máy. Thu nhập tăng thấy rõ mà đời sống lại ổn định không sợ mất mùa đến nỗi phải bán đất”. Đây được xem là một “ý tưởng” liên kết mới, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa lớn gắn với các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp ở An Giang trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
TRẦN MINH TRƯỜNG