Nằm giữa lòng sông Trà Khúc, cứ hễ mực nước báo động 1 là xem như bị chia cắt. Một năm vài ba lần bị cô lập như ốc đảo là chuyện thường. Hai năm nay, Quảng Ngãi không xảy ra lũ lớn, dù vậy người dân vẫn không lơ là với lũ. Đợt lũ lần này dù đã chủ động dọn dẹp, kê cao đồ đạc, nâng cao chuồng trại chăn nuôi để bảo vệ gia súc, gia cầm… nhưng các hộ dân ở thôn Ân Phú xã Tịnh An (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) vẫn trở tay không kịp khi mà nước lũ ầm ào, đột ngột đổ về và dâng lên nhanh đến chóng mặt.
Theo chân ông Bùi Tỏi - Trưởng thôn Ân Phú đi trên những con đường làng chỗ nước lũ vừa kịp rút, bùn, phù sa đục ngầu, đỏ quạch và nhão nhẹt, nơi nước vẫn còn sâu đến nửa bắp chân. Khuôn mặt ông Tỏi nhàu nhĩ đúng là vừa trải qua cơn lũ kinh hoàng bảo cả thôn gần 400 nhà dân đều bị nước lũ nhấn chìm lên tới nóc, lương thực, thực phẩm đều bị nước ngâm hư hại, nguy cơ đói đang hiển hiện trước mắt họ. Ông Tỏi bảo mới sáng 15-11, ông lội từ đầu làng, nước mới đến đầu gối đi nhắc nhở bà con chuẩn bị đối phó với lũ. Đến trưa, từ cuối làng ông quay về thì nước đã ngang bụng và phải chống ghe về. “Những tưởng cũng đến đó là cùng, vì mấy năm trước đâu có lũ, nên cứ kê đồ đạc nhích lên từng bậc. Ai dè, gần về chiều tối, nước lũ càng dâng nhanh. Ở thôn này, các nhà cao tầng đếm trên đầu ngón tay nên nhà tránh lũ ở giữa thôn là đích nhắm của bà con” – ông Tỏi nói thêm. “Vậy nhưng, cũng cứ nghĩ là nước sẽ không lên cao nữa, ai cũng chờ. Chỉ đến khi những ngôi nhà cấp 4 ngập gần tới nóc thì màn đêm bắt đầu buông xuống. Điện bị cúp, dầu thắp sáng, đèn cầy trôi theo lũ, cả thôn tối om nhưng lại trắng màu nước. Những chiếc đèn pin còn lại soi loáng loáng trên mặt nước, hàng trăm người dân quay cuồng giữa lũ tìm đến nhà tránh lũ” - ông Đặng Thứ (54 tuổi) kinh hoàng nhìn dòng sông Trà vẫn đang cuộn xoáy đục ngầu màu phù sa. 81 tuổi, khóe mắt đã hằn in vết chân chim, cả cuộc đời gắn bó với ốc đảo này, không có mùa lũ nào là bà Lê Thị Thôi không trải qua, kể cả những cơn đỉnh lũ lịch sử năm 1999. Vậy nhưng, bà Thôi vẫn không tin rằng có một cơn lũ kinh hoàng vừa mới diễn ra. Khuôn mặt thẫn thờ, nhợt nhạt vì cả hai ngày đêm chạy lũ, bà Thôi bảo thôi đừng hỏi nữa. Vậy nhưng, bà lại cứ rưng rưng khi đi nhặt nhạnh lại những đồ đạc còn sót lại trong nhà và ôm thùng mì tôm vừa được tiếp tế từ lực lượng cứu trợ.
Còn ông Phạm Vinh, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh cũng còn ngỡ ngàng với cơn lũ: “Nước lũ lên quá nhanh, nhân dân vùng lũ chuẩn bị không kịp. Tối qua, các xã Tịnh Giang, Tịnh Đông, Tịnh Bắc, Tịnh Minh, Tịnh An, Tịnh Long bị cô lập. Riêng ốc đảo Ân Phú mực nước 8,7 m, người dân lo sợ phải trèo lên nóc nhà. Do nước lên nhanh và chảy mạnh nên lực lượng chức năng của huyện không thể tiếp cận để cứu hộ, cứu nạn”. Ông Vinh ngừng lát rồi nói chậm lại như nghẹn: “Nghe anh em báo trên địa bàn huyện đã có một người bị mất tích, còn thiệt hại về tài sản rất lớn, huyện vẫn đang tiếp tục thống kê. Chính quyền địa phương đang nỗ lực dùng các phương tiện canô để tiếp cận các khu vực bị cô lập để tiếp tế lương thực, nước uống cho người dân”.
Hà Minh