Ra đời từ thế kỷ 17, chiếc áo dài đã trở thành trang phục truyền thống của dân tộc, là di sản văn hóa phi vật thể của người Việt Nam và trở thành niềm tự hào của bao thế hệ người dân. Không chỉ để mặc, áo dài còn chứa đựng tâm hồn, tính cách con người Việt. Cùng với chuyên đề triển lãm “Áo dài phụ nữ Việt Nam đi qua khói lửa chiến tranh”, Hội Di sản văn hóa TPHCM phối hợp cùng Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tổ chức tọa đàm, giao lưu chủ đề “Áo dài trong phong trào đấu tranh chính trị”, một lần nữa khẳng định và tôn vinh giá trị chiếc áo dài truyền thống của người Việt.
Áo dài trong thời khói lửa
Một bó truyền đơn vài tờ báo/ Gọn gàng trong cặp nữ sinh/ Như cánh chim xanh mang ánh nắng/ Em bay đi, bay khắp đô thành… Nói về hình ảnh chiếc áo dài Việt Nam trong thời khói lửa chiến tranh, bài thơ Áo trắng của nhà thơ, liệt sĩ Lê Anh Xuân có lẽ đã phác họa nên bức tranh sống động nhất. Quả thật, với phụ nữ Việt Nam, từ chị nông dân, công nhân, giới trí thức đến đông đảo sinh viên trong phong trào đấu tranh tại Sài Gòn, hình ảnh chiếc áo dài mãi là ký ức đẹp không thể phai mờ.
Đầu tháng 2-1961, trên đường đi giao truyền đơn về, bà Nguyễn Thị Châu bị bắt, trên người mặc áo dài trắng. Bà bị tra tấn, đánh đập dã man vì không chào cờ, không khai báo. Trong 3 ngày, dù áo dài bị rách và bê bết máu, bà vẫn nhất quyết không thay quần áo nhằm tố cáo “những người quốc gia” vô cớ bắt học sinh, sinh viên. Bị nhốt trong căn hầm tối sau những trận đòn chết đi sống lại, bà vẫn không hé răng, dùng kẹp tóc viết lên tường 4 câu thơ như lời nhắn gởi đến người chồng chưa cưới lúc bấy giờ là tử tù Lê Hồng Tư: Áo trắng em chưa vướng bụi đời/ Chưa từng mơ tưởng chuyện xa xôi/ Nhưng nay gặp cảnh đời ngang trái/ Áo trắng em nguyền trắng mãi thôi. Cũng vậy, bà Trần Thị Lan là một trong những người hoạt động tích cực trong phong trào đấu tranh chính trị của học sinh, sinh viên Sài Gòn. Khi tham gia biểu tình, bà thường mặc áo dài như một hình thức ngụy trang, trà trộn vào trường học vận động học sinh, sinh viên biểu tình, bãi khóa. Bị cảnh sát tấn công, các nữ sinh buộc tà áo dài lại, đựng đá xanh làm vũ khí chống lại cảnh sát. Cũng với chiếc áo dài trắng nữ sinh, bà đã hoàn thành xuất sắc khi được giao nhiệm vụ rải truyền đơn và thơ chúc tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường phố Sài Gòn…
Với bà Trịnh Thu Nga, một cán bộ nội tuyến, tình báo, cựu tù chính trị thì chiếc áo dài chính là vũ khí, là phương tiện hoạt động, sức mạnh tinh thần giúp bà vượt qua bao hoàn cảnh ngàn cân treo sợi tóc. Hoạt động nội thành từ năm 1956 với vai trò thư ký tốc ký của nghị trường, bà mặc bộ áo dài chế bản lưng rộng và nhét gọn gàng khẩu súng Tiệp Khắc. “Thật sự khi mặc áo dài, tôi rất tự tin trong hoạt động, giao tiếp, bọn lính không thể ngờ được”, bà Nga chia sẻ. Thoạt nhìn, ít ai ngờ người phụ nữ vóc người bé nhỏ, nhanh nhẹn, mặc áo dài khá đài các ấy đã vận chuyển trót lọt hàng chục loại vũ khí vào nội thành để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.
Tự hào di sản văn hóa Việt
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, chiếc áo dài luôn là nét đẹp tâm hồn, gắn bó thủy chung với con người, trong khói lửa chiến tranh, trong lao động sản xuất, trong cuộc sống thường ngày và trở thành nguồn cảm hứng bất tận, là hình ảnh đi vào thơ, vào nhạc của rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ.
Ở TPHCM, ngoài học sinh, sinh viên, chúng ta có thể thấy áo dài qua đồng phục nữ trong các ngành hàng không, ngân hàng, du lịch, bưu điện, bảo tàng… kể cả nữ công chức một số cơ quan hành chính. Áo dài xuất hiện trên sân khấu biểu diễn ca nhạc, trong các lễ hội lớn. “Tôi thực sự vui khi bắt gặp hình ảnh các bạn trẻ mặc áo dài đi chơi xuân, đi dạo trên đường hoa Nguyễn Huệ. Điều quan trọng là các bạn biết yêu quý, tự hào, trân trọng và tha thiết gìn giữ tà áo dài truyền thống của người Việt, biết phát huy giá trị của chiếc áo dài một cách đúng mực”, bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TPHCM, bày tỏ. Còn nhà thiết kế Sĩ Hoàng chia sẻ: “Chiếc áo dài không chỉ thể hiện văn hóa mặc, văn hóa giao tiếp của người Việt mà còn là hình ảnh thiêng liêng đã đi cùng lịch sử dân tộc. Trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, ít ai ngờ tà áo dài có vẻ mỏng manh, yếu ớt ấy lại trở thành một chiếc “áo giáp”, làm nên sức mạnh của những người phụ nữ Việt Nam”.
MINH AN