
PHÓNG VIÊN: Câu chuyện của anh gắn liền với áo dài giống như là định mệnh?
NTK NGUYỄN VIỆT HÙNG: Từ khi bước chân vào lĩnh vực thời trang, tôi luôn đặt cho mình sứ mệnh là yêu thương, phụng sự, lan tỏa giá trị của áo dài. Tôi đã đến hàng chục đất nước khác nhau và đó cũng là hành trình mình mang áo dài, hình ảnh Việt đậm đà bản sắc đến bạn bè thế giới. Tôi gắn bó với áo dài bởi đó là truyền thống gia đình, vì nhớ thương hình ảnh của mẹ luôn gắn liền với chiếc áo này. Tôi không thể tưởng tượng được cảnh một ngày nào đó mình rời xa áo dài, bởi đó đã là máu thịt, là tình yêu của cuộc đời. Yêu áo dài quá nên tôi ít khi ngơi nghỉ. Tôi không thấy mệt mà càng làm càng cảm thấy có nhiều điều thú vị, hấp dẫn đến tận cùng từ tà áo quê hương.
Vừa qua, anh đã mang hàng trăm bộ áo dài gửi tặng các cô giáo vùng sâu vùng xa ở các tỉnh Tây Nguyên. Anh gửi gắm gì qua “Hành trình áo dài” này?
Tôi làm dự án này 16 năm rồi, mỗi năm khoảng 5.000-10.000 bộ áo dài. Tôi muốn chia sẻ những bộ áo dài đẹp, chất lượng cao đến các cô giáo. Tôi chỉ có mong muốn chân thành là để các cô giáo khắp mọi miền cảm nhận luôn có những yêu thương được gửi trao đến họ. Tôi luôn chọn các cô giáo vùng sâu vùng xa, vì đó là những người vất vả nhiều hơn, hy sinh nhiều hơn, dẫu đối mặt nhiều thiếu thốn nhưng chưa một lời thở than. Làm nghề giáo vất vả lắm, tôi hiểu, đồng cảm và muốn dành cho họ sự trân trọng đặc biệt.
Anh vừa ra mắt 2 bộ sưu tập Thương nhớ ngũ thân, Đêm làng sen. Cảm hứng đặc biệt để anh sáng tạo 2 bộ sưu tập là gì?
Bộ sưu tập Thương nhớ ngũ thân có gần 40 mẫu thiết kế, được lấy cảm hứng từ áo dài ngũ thân Huế. Tôi đưa yếu tố thời trang, kỹ thuật cắt may hiện đại giúp tạo dáng áo ôm, tôn thêm đường nét vóc dáng người phụ nữ; hướng đến “trẻ hóa” thiết kế ngũ thân vì bản thân tôi mong chiếc áo này sẽ được giới trẻ đón nhận nhiều hơn. Ưu điểm của áo ngũ thân chính là che khuyết điểm của những người thiếu tự tin vóc dáng. Nhiều bạn trẻ ngày nay không thích mặc trang phục rộng lùm xùm, không tôn vóc dáng, bởi họ không thấy mình trong đó. Tôi nghĩ, cách tân áo ngũ thân để thiết kế tân thời hơn, phù hợp với thị hiếu nhiều người hơn. Ngoài áp dụng kỹ thuật cắt may mới, tôi còn phục dựng chất liệu độc quyền từ dệt đến nhuộm, việc thêu hoa văn đặc trưng trong kiến trúc, mỹ thuật… tạo nên chất liệu mới đẹp hơn, không đụng hàng.
Hoa sen là một loài hoa đặc trưng của Huế, được nhiều người nhắc đến khi nói về cố đô. Từ cảm hứng này, tôi thực hiện bộ sưu tập Đêm làng sen. Trên nền chất liệu nhung, tôi muốn tái hiện một đêm trăng lấp lánh đầy vì sao, được chuyển tải qua 21 mẫu thiết kế. Đây cũng là lần đầu mình vẽ sen trên chất liệu nhung kim tuyến sau khi thực hiện hàng chục ngàn chiếc áo dài về hoa sen. Tôi và ê kíp dùng nghệ thuật vẽ tả thực sen. Nhờ đội ngũ nghệ nhân lành nghề nên mỗi thiết kế như một tác phẩm nghệ thuật chuyển tải được hình ảnh sen tỏa ngát hương trong màn đêm đầy ánh sao, có chiều sâu thăm thẳm.
Theo anh việc cách tân áo dài cần chú ý những gì?
Áo dài gắn liền hình ảnh người Việt Nam từ rất lâu, chứa đựng tinh thần của con người, quê hương, đất nước. Không phải bây giờ mà nhiều năm qua, tôi nghĩ luôn cần sự sáng tạo, đổi mới phù hợp nhu cầu thời hiện đại. Cách tân phải có sự độc đáo, cần biết cách tận dụng và thử nghiệm các chất liệu để thấy sự đa dạng của áo dài. Quan trọng là sự cách tân, biến tấu phải phù hợp, không quá đà, đi xa những chuẩn mực, thuần phong mỹ tục của nước ta.
Vừa qua, có một nhóm bạn trẻ diễu hành trong trang phục cổ truyền Việt Nam tại Huế, nhưng khá nhiều ý kiến cho rằng một bộ phận mặc trang phục không phù hợp. Người trẻ có ý thức tìm về giá trị xưa, nhưng theo anh làm sao để hành trình này thực sự đi vào chiều sâu?
Việc các bạn trẻ quan tâm, yêu các giá trị văn hóa di sản nước nhà, đặc biệt là áo dài, các trang phục cổ và nỗ lực tổ chức các dự án, điều đó theo tôi là rất đáng trân trọng. Tại các lễ hội ở TPHCM như Lễ hội Áo dài TPHCM, Ngày hội Tóc xanh, Vạt áo…, các bạn có những buổi diễu hành hoành tráng với hàng ngàn người, khơi dậy tình yêu với áo dài, các thể thức trang phục truyền thống, cổ phục... Câu chuyện trên cũng thể hiện tình yêu của các bạn trẻ với di sản. Nhưng có lẽ, do nóng vội nên mới xảy ra tình trạng mặc sai trang phục như đã bị phản ánh. Tôi nghĩ, quan trọng là cần có cơ sở dữ liệu chung, dễ tìm kiếm, để có thể hỗ trợ, giúp người trẻ soi chiếu, không mắc sai lầm nữa.
Cách anh giữ bản sắc như thế nào?
Áo dài nói riêng và các thể thức trang phục cổ nói chung là một phần bản sắc Việt. Để yêu, giữ vững và lan tỏa bản sắc là hành trình không dễ dàng. Với bản thân tôi, đó là nỗ lực tạo nên các thiết kế, bộ sưu tập và đặc biệt giáo dục cho người trẻ. Tôi thường chia sẻ việc giữ gìn, phát triển bản sắc Việt vào các bài giảng cho sinh viên ở các lớp mình tham gia giảng dạy. Tôi làm các bộ sưu tập, các dự án không đơn thuần giải trí hay kinh doanh mà luôn hướng đến giá trị lớn lao đằng sau chiếc áo. Tôi nghiên cứu văn hóa, lịch sử rất kỹ để khi sáng tạo các thiết kế mới, mình thực sự mang đến làn gió mới mà làn gió đó luôn đậm đà chất Việt.