Di sản Văn hóa thế giới: Từ vinh danh UNESCO đến chiến lược phát triển vùng

Cuối tuần qua, Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa thế giới. Đây không chỉ là niềm tự hào văn hóa, mà còn là dấu mốc cho thấy khả năng hiện thực hóa một mô hình di sản liên vùng tại Việt Nam. Làm sao để nắm bắt cơ hội, quảng bá và phát huy hiệu quả giá trị di sản mang tính liên kết không gian và văn hóa là bài toán cần lời giải.

Cơ hội và giá trị đặc biệt

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đã chính thức được ghi danh là Di sản Văn hóa thế giới thứ 9 của Việt Nam. Đây cũng là Di sản thế giới liên tỉnh thứ hai của cả nước, sau vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà.

Quần thể di sản này không chỉ nổi bật về mặt kiến trúc, cảnh quan mà còn gắn bó sâu sắc với sự hình thành và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm - dòng Thiền mang đậm bản sắc dân tộc do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập. Sự giao thoa hài hòa giữa Nhà nước, tôn giáo và nhân dân trong việc kiến tạo và bảo tồn di sản này chính là lý do để UNESCO vinh danh, khẳng định tầm vóc văn hóa đặc biệt của Việt Nam.

O6a.jpg
Chùa Đồng thuộc Quần thể di tích danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc

Theo PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, việc UNESCO vinh danh quần thể này không chỉ là niềm tự hào, mà còn là lời nhắc nhở về trách nhiệm bảo tồn và phát huy di sản một cách toàn diện. Không thể chỉ dừng lại ở việc trùng tu hay gìn giữ cảnh quan, mà cần một tầm nhìn chiến lược đa ngành, coi di sản như một “trường học sống”, nơi văn hóa, tôn giáo và lịch sử giao thoa, trở thành động lực cho phát triển bền vững.

Trong khi đó, các chuyên gia du lịch thì cho rằng, cần xây dựng một “hành lang di sản” vùng Đông Bắc - Kinh Bắc, nơi khách tham quan vừa được chiêm nghiệm, vừa được học hỏi. Về lâu dài, điều quan trọng là đào tạo đội ngũ làm văn hóa, du lịch, tôn giáo, những người “gìn giữ kho báu” và kể chuyện di sản một cách sống động.

“Danh hiệu của UNESCO mới chỉ là bước khởi đầu, Việt Nam cần biến di sản này thành động lực sống, thành trung tâm văn hóa Phật giáo của châu Á, sánh vai với Kyoto (Nhật Bản), Lumbini (Nepal) hay Bodh Gaya (Ấn Độ)”, PGS-TS Bùi Hoài Sơn nhận định.

Quảng bá và phát huy giá trị

Việc ghi danh di sản không chỉ là niềm vinh dự, mà còn đi kèm trách nhiệm lớn. Khi Quảng Ninh, Bắc Ninh và Hải Phòng được UNESCO công nhận cụm di sản Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc, các địa phương vừa có cơ hội quảng bá hình ảnh quốc gia, vừa đối mặt thách thức: làm sao phát huy giá trị di sản mà vẫn giữ được tính nguyên bản, phát triển du lịch bền vững mà không biến di sản thành nơi thương mại hóa.

O1a.jpeg
Vườn tháp Yên Tử (Quảng Ninh)

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, nhấn mạnh: “Khi đã trở thành thương hiệu toàn cầu, cần xây dựng sản phẩm tương xứng từ tour hành hương, thiền định đến du lịch sinh thái, tất cả phải quy hoạch theo không gian liên tỉnh”.

Bài học từ Di sản Thiên nhiên thế giới liên tỉnh đầu tiên vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà cho thấy vai trò sống còn của cơ chế phối hợp. Trước đây, việc kết nối giữa Quảng Ninh và Hải Phòng gặp nhiều vướng mắc do thiếu quy hoạch đồng bộ. Sau khi được UNESCO công nhận (tháng 9-2023), cơ hội phát triển chung đã rộng mở.

Ông Hà Phạm, CEO một doanh nghiệp du lịch, nhận định: “Cát Bà trở thành phần mở rộng của vịnh Hạ Long, giúp mở ra không gian phát triển, nơi các địa phương không còn cạnh tranh mà liên kết để cùng hưởng lợi”.

Việc kết nối hai vùng di sản không chỉ giúp tăng lượng khách mà còn góp phần phát triển kinh tế bền vững. Tuy nhiên, các vấn đề như chia sẻ lợi ích, bảo tồn tài nguyên và quản lý thống nhất vẫn là nút thắt cần tháo gỡ. Hiện tại, vịnh Hạ Long đã triển khai 11 tuyến tham quan, trong đó có 3 tuyến kết nối với vịnh Lan Hạ. Tuy nhiên về lâu dài, cần có quy hoạch tổng thể chung cho cả hai vịnh, xác định rõ khu vực bảo tồn và phát triển, đồng thời xây dựng các sản phẩm du lịch liên kết mang lại trải nghiệm đa dạng và chất lượng.

PGS-TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, cho biết: “Bên cạnh việc phối hợp truyền thông, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu chung, ứng dụng công nghệ số trong hướng dẫn, quảng bá quốc tế, thì điều quan trọng nhất vẫn là làm sao để di sản gắn với cộng đồng. Người dân, nghệ nhân, tu sĩ phải trở thành chủ thể thụ hưởng và tham gia vào bảo tồn. Nếu cộng đồng không thấy mình là chủ thể của di sản, thì không thể có sự bền vững”.

Tin cùng chuyên mục