Áo lụa Hà Đông không được như lời khen

Áo lụa Hà Đông không được như lời khen

Chủ ý của tác giả là Áo lụa Hà Đông, với quyết tâm gửi gắm nhiều tham vọng cao xa cho một bộ phim “thật sự nghệ thuật”, chỉ được thoảng qua ở đôi lời thoại của nhân vật, còn phần thể hiện chủ yếu trong phim lại là tuyên truyền giá trị tinh thần của chiếc áo dài Việt Nam qua cuộc đời chị Dần, đã tạo nên sự lệch pha lớn giữa lực tâm và lực.

Chính vì thế, nửa đầu bộ phim dài lê thê là thừa, không phục vụ gì đáng kể cho phần sau, xảy ra ở Hội An, là cốt lõi thật của phim. Nếu chỉnh vài lời thoại rồi đổi tên phim thành Áo lụa Hà Nam hay Áo đũi Hải Dương, người xem cũng không ai thắc mắc.

Một tác phẩm điện ảnh có thể trình bày câu chuyện hàng thế kỷ trong một giờ, có thể kéo dài một tích tắc ra mười phút, hay lướt mười năm trong vài giây. Nhấn đúng chỗ cần nhấn và lướt đúng chỗ cần lướt, vẫn tạo ra sự hài hòa và sức truyền cảm đồng đều của bộ phim, là cái tài và cái tầm của đạo diễn.

Trong Áo lụa Hà Đông, nhiều chỗ không cần lại nhấn, nhiều chỗ cần nhấn lại lướt, do tác giả quá tham lam, muốn nhồi nhét tất cả gánh nặng ý nghĩa trên chiếc áo dài Việt Nam qua ba thế hệ và lịch sử Việt Nam, hai miền Nam Bắc, với hai chục năm chiến tranh, loạn lạc (ước khoảng 1950-1970), vào thân phận một chị Dần, nên đã mất tự chủ về phương hướng, liều lượng, khiến phim trở nên gượng ép, dài lê thê mà vẫn thiếu; chưa kể nhiều chỗ sai, nhiều chi tiết, ý tưởng vay mượn khá lộ liễu của các phim nước ngoài từng chiếu ở Việt Nam.

Áo lụa Hà Đông không được như lời khen ảnh 1

Chị Dần (trái) trong phim “Áo lụa Hà Đông”.

Ở mặt bằng chung, xem phim của các đạo diễn Việt kiều như Hồ Quang Minh, Trần Anh Hùng, Nguyễn Võ Nghiêm Minh, về nghệ thuật hay nội dung còn có những bàn cãi trái ngược (là thường tình), nhưng việc chọn diễn viên “đậm Việt” và cấu trúc tác phẩm (tính đồng bộ và nhất quán trong tư tưởng và nghệ thuật), luôn được đồng nghiệp và người xem trong nước nhất trí đánh giá cao. Riêng Áo lụa Hà Đông là một ngoại lệ đáng kinh ngạc.

Lấy tinh thần tác phẩm là văn hóa Việt truyền thống, gốc bối cảnh là nông thôn Việt, và câu chuyện bắt đầu từ làng quê đồng bằng Bắc bộ trước 1954, thì nhân vật Việt, dù cá biệt, cũng phải mang đặc tính tương ứng hoặc đồng thời với hoàn cảnh.

Một chị Dần xinh đẹp, nhưng quê mùa, thân phận nhỏ nhoi, nghèo khổ, ở đợ cho địa chủ, v.v… chắc chắn không phải là Trương Ngọc Ánh cao lớn, vai ngang, miệng rộng, mắt to hơi xếch, lông mày cánh cung, gần với chuẩn người đẹp của các cuộc thi người mẫu và hoa hậu toàn cầu, khiến trang điểm, trang phục cách nào cũng chỉ na ná một chị Dần gốc gác thị dân.

Việc chọn sai diễn viên này đã góp phần làm hỏng cấu trúc tác phẩm. Phải thừa nhận, về hành động, Ánh đã hoàn thành khá tốt phần lớn các tình huống kịch tính cao, ít nhiều gây xúc động cho người xem, nhưng hầu hết phần diễn tả nội tâm, tâm trạng qua gương mặt, cô đã không tạo được truyền cảm, bởi những trường hợp này, vẻ đẹp tân thời và tên tuổi người mẫu không phải là phép màu biến Ánh thành chị Dần.

Áo lụa Hà Đông dành nhiều thời lượng, tạo trục chính xuyên suốt phim, từ chuyện chị Dần cùng anh Gù yêu nhau, trốn khỏi nhà địa chủ, nên vợ nên chồng, nhưng không thể làm lễ cưới (1954), vì vậy không có dịp để Dần mặc chiếc áo dài lụa Hà Đông của mẹ anh Gù để lại như ao ước.

Từ đó, năm này qua năm khác, vợ chồng Gù di cư vào Hội An, lần lượt có tới bốn mặt con, vẫn nghèo khổ, vẫn chiến tranh loạn lạc (đến khoảng 1970), ao ước và quyết tâm vào một dịp nào đó sẽ làm cho được một lễ cưới, để Dần mặc chiếc áo dài “gia truyền”, vẫn theo đuổi họ. Ước mơ của nhân vật cũng là ý tưởng của tác giả thật lãng mạn, cao cả và đầy tính nhân văn.

Nhưng khi cố thúc đẩy ước mơ đó thành sự thật, bằng cảnh anh Gù mù chữ, mỗi ngày, tràn trề hy vọng bóc từng tờ lịch chờ đến ngày làm lễ cưới, cảnh chị Dần nhiều lần bồi hồi, chan chứa trong những phút tưởng tượng ra đám cưới, mình làm cô dâu, Gù làm chú rể, rất chi rình rang truyền thống Việt, thì lại thành phim… Tây.

Ở Việt Nam, sang thế kỷ 21, tại đô thị hiện đại nhất nước như Sài Gòn hay Hà Nội, phụ nữ có con mới làm lễ cưới vẫn là chuyện “bất thường”, đừng nói chị Dần thời xa xưa, đã bốn con, cơm không đủ ăn, áo chưa đủ mặc, còn “truyền thống văn hóa” thì chính tác giả còn muốn bảo tồn hơn cả nhân vật từ tên phim Áo lụa Hà Đông.

Việc mượn hình ảnh chiếc áo lụa Hà Đông “năm mươi năm vẫn còn tốt”, đôn thành biểu tượng truyền thống văn hóa dân tộc, và truyền thống đó được kế thừa từ đời này sang đời khác, bất kể nghèo đói hay chiến tranh kéo dài, là thiện ý rất đáng trân trọng của tác giả. Mẹ anh Gù để lại chiếc áo cho nàng dâu là chị Dần, rồi Dần nhường chiếc áo cho hai con gái … Rất đẹp.

Nhưng đến tình cảnh, con chị đang đứng giữa lớp học, đọc bài văn ca ngợi tấm áo dài và đức hy sinh cao cả của mẹ, bị chết tức tưởi vì bom, người mẹ (chị Dần) nỡ cởi chiếc áo dài trên người con, truyền cho đứa em mặc tiếp đi học, không biết nên nói thế nào? Vô tình, vô tâm với người chết - người chết đó lại là đứa con thân yêu cũng từng đau đáu ước mơ áo dài - chắc chắn không có ở cả phim… Tây.

Có thể dẫn chứng ra rất nhiều tình tiết và cấu trúc thể hiện sự thiếu vốn của tác giả trong Áo lụa Hà Đông, nhưng đây không phải mục đích bài viết. Với thực trạng không mấy sáng sủa của điện ảnh Việt Nam nhiều năm qua, nếu hãng phim không thật sự tâm huyết sẽ không mạnh dạn bỏ ra hàng triệu đô-la làm một bộ phim đầy tính mạo hiểm.

Những non yếu và sơ sót của đạo diễn kiêm tác giả kịch bản thể hiện trong phim cũng không thể phủ nhận ông là người có quyết tâm rất cao trong việc làm một bộ phim tử tế, với thiện chí đóng góp xứng đáng cho điện ảnh nước nhà. Cũng cần phải khẳng định và trân trọng những thành công thật sự của bộ phim ở phần quay phim, âm nhạc, ánh sáng.

Tôi viết bài này từ cảm thụ cá nhân của một người xem, với ý muốn cảnh tỉnh những ngộ nhận, một trong những căn bệnh trầm kha đã góp phần kéo lùi sự tiến bộ của điện ảnh Việt Nam nhiều chục năm qua. Đã đành chúng ta đang rất cần kéo khán giả đến rạp, cần làm phim có lãi; đã đành chúng ta đang “xã hội hóa” nhằm mở rộng, thu hút nhiều lực lượng tham gia sản xuất phim để có một nền điện ảnh chủ động, đa dạng, phong phú, nên cần rộng lượng trong việc khen chê, kèm theo sự lẫn lộn đôi chút giữa việc giới thiệu nghiêm túc một bộ phim để khuyến khích với sự tâng bốc để lợi dụng quảng cáo thương mại, nhưng hiện tượng “nổ” quá mức dành cho những bộ phim tầm tầm, thậm chí yếu kém, đã đến lúc phải được chú ý điều chỉnh, nếu muốn điện ảnh Việt Nam sống và phát triển bằng những giá trị thật.

TRÚC ANH

Tin cùng chuyên mục