Văn học thiếu nhi - “Mỏ vàng” cho phim hoạt hình

Giống như điện ảnh, phim hoạt hình cũng đang đứng trước một “mỏ vàng” đầy tiềm năng - đó chính là những tác phẩm văn học do các tác giả trong nước sáng tác. Bên cạnh những tác phẩm đã được khẳng định qua thời gian, gần đây, sự nở rộ các cuộc thi cũng đã mang đến nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi đáng chú ý.

Một hướng đi cần thiết

Mùa hè năm nay, thị trường rạp phim trong nước liên tiếp chứng kiến sự xuất hiện của hàng loạt phim hoạt hình mang thương hiệu Việt như: Dế Mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm Lầy Lội, Trạng Quỳnh nhí: Truyền thuyết Kim Ngưu và mới đây là Wolfoo và cuộc đua tam giới.

Đây có lẽ là một tín hiệu đáng mừng cho thấy sự “trỗi dậy” của phim hoạt hình Việt; đồng thời cũng cho thấy tiềm năng của thể loại này trước một “mỏ vàng” không nhỏ. Những tác phẩm văn học mà Dế Mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm Lầy Lội (được cải biên từ tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài) là một ví dụ.

Trên thế giới không hiếm những bộ phim hoạt hình được cải biên từ tác phẩm văn học. Có thể kể đến Hoàng tử bé, Chuyến tàu đêm trên dải ngân hà, Pipi tất dài, Anne tóc đỏ, Peter Pan, Heidi, Charlie và nhà máy sôcôla, Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ…

Ở trong nước, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là tác giả có nhiều tác phẩm được cải biên thành phim. Tuy nhiên, một “mỏ vàng” khác, được xem là chất liệu rất tốt cho các bộ phim hoạt hình, là những tác phẩm thuộc thể loại đồng thoại của ông như: Tôi là Bêtô, Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng, Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ, Chúc một ngày tốt lành, Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng…, thì cho đến nay hầu như vẫn đang nằm im trên giấy!

Q6A.jpg
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tại chương trình ra mắt tác phẩm Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng

TS Đào Lê Na, giảng viên Khoa Văn học (Trường Đại học KHXH-NV, ĐHQG TPHCM), cho rằng, việc cải biên văn học thiếu nhi thành phim hoạt hình là một hướng đi cần thiết và giàu tiềm năng vì Việt Nam có kho tàng văn học thiếu nhi vô cùng phong phú, từ truyện dân gian, truyền thuyết, truyện ngụ ngôn, cổ tích cho đến văn học hiện đại… Đây là nguồn chất liệu quý giá để phát triển các bộ phim hoạt hình mang bản sắc văn hóa Việt, đồng thời chạm đến thế giới nội tâm phong phú của trẻ em.

Tuy vậy, cũng theo TS Đào Lê Na, một trở ngại không nhỏ mang tính thị trường, là việc phim hoạt hình Việt - kể cả những phim cải biên từ văn học - vẫn gặp nhiều khó khăn khi ra rạp.

“Doanh số hầu hết các phim hoạt hình Việt thời gian qua còn thấp, cho thấy khán giả trong nước vẫn chưa có thói quen ra rạp để xem hoạt hình Việt. Đây là một rào cản lớn khiến các nhà sản xuất phải dè dặt khi lựa chọn cải biên một tác phẩm văn học thiếu nhi thành phim điện ảnh, thay vì sản phẩm truyền hình hay YouTube”, TS Đào Lê Na cho biết.

Đầu tư từ gốc

Nhìn nhận tiềm năng từ những tác phẩm văn học đối với phim hoạt hình, biên kịch Phạm Đình Hải, tác giả kịch bản phim hoạt hình Trạng Quỳnh nhí: Truyền thuyết Kim Ngưu, cho rằng, điều quan trọng nhất chính là sự đầu tư từ gốc - ở đây chính là tác phẩm văn học.

Theo anh, tác phẩm văn học vốn không quá phụ thuộc vào tiền bạc, lại cho phép tác giả thoải mái sáng tạo thế giới của riêng mình, và khi có một tác phẩm tốt, có thể tính đến việc thực hiện truyện tranh. Khi tiểu thuyết hay truyện tranh nổi tiếng, có sự lan tỏa nhất định, sẽ là tiền đề hiệu quả để thực hiện phim hoạt hình.

“Làm phim là một công việc rất tốn kém. Vậy nên, chúng ta cần có những bước đi phù hợp để hạn chế rủi ro. Khi tác phẩm gốc đã có độ nhận diện nhất định, mới tính đến đầu tư làm phim hoạt hình chiếu rạp. Ngoài ra, các nhà văn cũng cần chấp nhận để ngỏ khả năng cải biên cho tác phẩm của mình khi chuyển sang dạng điện ảnh”, biên kịch Phạm Đình Hải nói thêm.

Còn theo TS Đào Lê Na, chúng ta có thể học hỏi nhiều điều từ những phim hoạt hình quốc tế được cải biên từ văn học. Trước tiên, đó là cách các đạo diễn quốc tế luôn xác định phim của mình là một tác phẩm mới, độc lập, có cá tính thẩm mỹ riêng, chứ không đơn thuần chỉ là tác phẩm minh họa văn học. Họ không sợ phải “viết lại”, thậm chí “diễn giải lại” văn bản gốc theo tinh thần đương đại. Chính điều này khiến các phim hoạt hình như Hoàng tử bé hay Totto-chan vừa giữ được tinh thần nhân văn của nguyên tác, vừa chạm đến những cảm thức rất mới của khán giả ngày hôm nay.

“Khi trẻ em và phụ huynh thấy phim hoạt hình chuyển thể từ văn học thiếu nhi Việt có chất lượng thực sự và mang lại trải nghiệm khác biệt, họ sẽ sẵn sàng đến rạp. Và chính khi ấy, văn học thiếu nhi của chúng ta sẽ có một đời sống mới - sinh động, đẹp đẽ và rộng mở - trong thế giới của hoạt hình”, TS Đào Lê Na chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục