Ảo vọng đổi đời

Tôi có người chị họ làm việc cho một cơ sở may ở TPHCM với mức lương tháng hơn 5 triệu đồng, cuộc sống cũng tạm ổn. Năm 2011, chị được một người quen rủ sang nước Nga làm cho một cơ sở may gia công do người Việt làm chủ với mức lương rất cao.

Tôi có người chị họ làm việc cho một cơ sở may ở TPHCM với mức lương tháng hơn 5 triệu đồng, cuộc sống cũng tạm ổn. Năm 2011, chị được một người quen rủ sang nước Nga làm cho một cơ sở may gia công do người Việt làm chủ với mức lương rất cao.

Với đồng lương trong nước chỉ đủ sống chứ không dư dả gì, nghe được đi xuất khẩu lao động với mức lương cao mà không tốn kém nhiều chi phí (thực chất là đi xuất khẩu lao động “chui”), chị đồng ý sang Nga làm việc, đơn giản chỉ nghĩ là để kiếm một số tiền vốn kha khá.

Nhưng rồi qua nhiều năm làm việc, chị gặp tình cảnh rất bi đát. Hầu hết thời gian ở Nga, chị phải làm việc bất kể giờ giấc, vậy mà tiền công nhận được rất ít ỏi, thậm chí có nhiều tháng còn bị nợ lương. Vì vậy mà sau bao nhiêu năm làm việc cật lực, không có thời gian nghỉ ngơi, chị vẫn chẳng dành dụm được bao nhiêu. Tằn tiện chi tiêu, gần cả năm trời chị mới có thể gửi vài triệu đồng về quê cho mẹ. Nhiều lúc nhớ nhà, nhớ quê, chị muốn bỏ về, nhưng không thể về được vì bị chủ cơ sở ràng buộc hợp đồng lao động và... nợ lương.

Thấy tình cảnh của chị, tôi thật ái ngại khi biết trong thời gian gần đây, có nhiều người lao động Việt Nam cũng muốn đi xuất khẩu lao động “chui” để có thể “đổi đời”. Thực tế, có nhiều người đi xuất khẩu lao động bằng con đường hợp pháp và đã thành công, có thể giúp đỡ người thân, cha mẹ ở quê nhà sau nhiều năm làm việc tích góp. Nhưng hiện nay, nhiều người đi lao động ở nước ngoài không phải bằng con đường hợp pháp (thông qua những đơn vị, tổ chức có tư cách pháp nhân, được nhà nước cấp phép làm dịch vụ xuất khẩu lao động), mà theo con đường lao động “chui” theo giới thiệu, môi giới của người quen biết hoặc do dịch vụ tổ chức đưa lao động Việt Nam sang làm việc ở nước ngoài bất hợp pháp. 

Đã có nhiều người ra nước ngoài lao động bất hợp pháp phải trắng tay trở về, có người mang những căn bệnh mãn tính, thậm chí có người bị tai nạn lao động tử vong tại đất khách quê người. Đương nhiên những trường hợp này sẽ không được hưởng các chế độ bồi thường hay phúc lợi của nước sở tại nơi mình đang làm việc. Hậu quả là “tiền mất tật mang”! Do vậy, không nên đi lao động nước ngoài bằng con đường bất hợp pháp, vì đó là việc làm liều lĩnh, sẽ phải sống và làm việc cơ cực và cuối cùng phải hối tiếc như trường hợp chị họ của tôi.

NGUYỄN ĐƯỚC (Quận 5, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục