Hình ảnh các thí sinh bước ra từ phòng thi môn Toán với hai hàng nước mắt, những tiếng thở dài tiếc nuối, những ánh nhìn mệt mỏi, dư âm kỳ thi có lẽ sẽ còn đọng lại rất lâu trong lòng các sĩ tử.
Mới đây, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, trường THCS duy nhất trên địa bàn TPHCM tổ chức bài thi khảo sát tiếng Anh, lấy kết quả xét tuyển đầu vào lớp 6. Nhìn vào con số 4.163 hồ sơ đăng ký dự khảo sát so với tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 6 của trường này là 525 học sinh, tỷ lệ chọi lên đến 1/8, nhiều người đã lắc đầu ngao ngán. Từ áp lực cạnh tranh khủng khiếp này, tuổi 11 “ăn chưa no, lo chưa tới” của học sinh phải sớm làm quen với việc chạy show học thêm mỗi tối, luyện giải đề mẫu, cố hoàn thành mục tiêu “phải đậu” mà ba mẹ đã kỳ vọng, tin tưởng.
Theo một lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM, bài khảo sát năng lực sẽ gồm 2 phần trắc nghiệm và tự luận. Đề khảo sát không nhằm kiểm tra một lượng kiến thức cụ thể nào trong chương trình tiểu học mà đòi hỏi thí sinh biết vận dụng các kiến thức đã học để xử lý tình huống, trong đó phạm vi câu hỏi gồm đầy đủ các lĩnh vực như: toán học, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Những người tổ chức cho rằng, việc chuyển đổi từ hình thức thi tuyển trước đây sang khảo sát năng lực bằng tiếng Anh làm căn cứ xét tuyển đầu vào sẽ kéo giảm tình trạng học thêm, luyện thi tồn tại từ nhiều năm trước. Song trên thực tế, việc “luyện gà chọi” không hề giảm ở các trung tâm luyện thi. Nhiều gia đình đã tìm thầy cho con luyện thi từ cuối năm lớp 4 với mong muốn con chắc suất học lớp 6 tại trường này.
Gần đây, một số trường tiểu học tư thục có số lượng học sinh đăng ký đầu vào vượt quá chỉ tiêu tuyển sinh cũng chọn hình thức tổ chức bài khảo sát năng lực để xét tuyển thí sinh. Cụ thể, học sinh sẽ trải qua hai phần khảo sát gồm bài kiểm tra năng lực toán và ngôn ngữ, phần thi hỏi - đáp trực tiếp để đánh giá năng lực giao tiếp của các em. Dù đề khảo sát chỉ xoay quanh một số câu hỏi đơn giản về tư duy logic, ghép tranh, nhìn hình đoán tên sự vật…, nhưng trên nhiều trang mạng xã hội, phụ huynh đã nháo nhào tìm đề mẫu của các năm trước cho con luyện. Nhiều thí sinh, vốn là những học sinh vừa xong bậc mầm non, chưa định nghĩa được “thi cử là gì” đã bị đẩy vào cuộc cạnh tranh với nhiều áp lực.
Nguyện vọng cho con được học trường tốt là mong muốn chính đáng của tất cả phụ huynh, nhưng cách mà người lớn chúng ta đang phân loại, tổ chức và đặt các em vào những cuộc đua không có hồi kết đang làm mất đi quyền được lựa chọn và sở thích học tập của các em. Biết đến bao giờ học sinh mới hết áp lực học hành, thi cử?