Bản tin lúc 9 giờ sáng của cơ quan dự báo Việt Nam cho biết, áp thấp nhiệt đới đã vượt qua đảo Luzon (Philippines) và đi vào Biển Đông.
Sáng mai, tâm bão (hoặc áp thấp nhiệt đới) cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 470km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới là từ kinh tuyến 115 trở ra và từ vĩ tuyến 15,5 đến 20.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Sáng 14-6, bão cách Hồng Kông (Trung Quốc) khoảng 170km về phía Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.
Cảnh báo: Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa) đều có nguy cơ rủi ro cao.
Thiên tai xuất hiện ở nhiều nơi
Theo báo cáo sáng nay 12-6 của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, ngoài 3 nạn nhân thiệt mạng và 20 người bị thương do vụ lốc xoáy làm sập xưởng gỗ ở xã Trung Mỹ (Bình Xuyên – Vĩnh Phúc) vào chiều 11-6, đến nay các địa phương còn ghi nhận như sau: Tại TP Cần Thơ có 1 người bị thiệt mạng (theo báo cáo cũ là bị thương). Tại địa bàn huyện Tánh Linh (Bình Thuận) xảy ra mưa lớn cục bộ làm ngập 30 căn nhà và 185ha lúa mới sạ. Tại TP Thái Nguyên và huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) cũng có dông lốc làm 1 người bị thương, 5 nhà bị tốc mái.
Đến nay, sự cố vỡ đập Bara ở huyện Đô Lương (Nghệ An) đã hoàn thành công tác khắc phục.
Ban chỉ đạo Trung ương đề nghị các địa phương đã được gửi công văn cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới đang có khả năng mạnh lên thành bão, để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Các tỉnh Bắc bộ và Trung bộ theo dõi chặt chẽ tình hình nắng nóng, mưa lớn, dông, lốc, sét, mưa đá, thông tin kịp thời đến người dân và cộng đồng để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, ứng phó phù hợp.
Các địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định đời sống.
ĐBSCL: Mưa về có nước nhiều hơn
Theo báo cáo của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam và Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), hiện nay, lưu vực sông Mê Kông đang ở thời kỳ cuối mùa khô năm 2020. Hai yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến diễn biến nguồn nước, xâm nhập mặn ở ĐBSCL là lượng nước trữ trong Biển Hồ (Tonle Sap) và dòng chảy đến Kratie (đầu châu thổ Mê Kông).
Theo khảo sát thì mực nước nhánh vào hồ Tonle Sap tại Prek Kdam vào ngày 10-6 ở cao trình 0,98m. Dung tích hồ còn khoảng 1,021 tỷ m3. Nhưng Biển Hồ ở giai đoạn tích nước, nên đóng góp lưu lượng điều tiết hàng ngày không đáng kể xuống hạ lưu.
Rất may trong tuần, từ ngày 5-6 đến 11-6, ĐBSCL có xuất hiện mưa vừa đến mưa to tại hầu khắp các tỉnh với tổng lượng mưa một số trạm điển hình như sau: Long An (Tân Trụ 85,2mm), Bến Tre (Hương Mỹ 51,4mm, Giồng Trôm 90,8mm), Kiên Giang (Vĩnh Điền 91,0mm, Gò Quao 87,8mm), Sóc Trăng (Long Phú 65,2mm), Cà Mau (Đầm Dơi 156mm), Tiền Giang (Cái Bè 99mm), An Giang (Thới Sơn 12,2mm), Bạc Liêu (Giá Rai 126,8mm), Đồng Tháp (Sa Đéc 76,4mm), Cần Thơ (Ô Môn 71,8mm), Trà Vinh (Trà Cú 36,4mm), Hậu Giang (Châu Thành A 76mm)…
Vì vậy, theo đánh giá thì đến nay, dòng chảy về đồng bằng sông Cửu Long đã có xu thế tăng, kết hợp mùa mưa đến, trong tuần xuất hiện mưa lớn hầu khắp nên tương đối thuận lợi về nguồn nước tưới, mặn nền có xu hướng giảm dần từ tháng 6. Các địa phương vận hành hệ thống công trình hợp lý, kiểm soát mặn ở các hệ thống thủy lợi, các cửa lấy nước, đảm bảo tích trữ nước và bảo vệ nguồn nước phục vụ sản xuất.