Thời gian gần đây, trên địa bàn TPHCM liên tục xảy ra nhiều trường hợp học sinh bị hành hung, bắt cóc đã tạo nên tâm lý bất an cho phụ huynh. Vấn đề an ninh trường học chưa bao giờ được dư luận quan tâm nhiều đến thế. Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Công tác học sinh - sinh viên thuộc Sở GD-ĐT TPHCM xung quanh công tác này.
- Phóng viên: Sau sự việc một học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Kỳ Đồng (quận 3) bị kẻ lạ mặt trà trộn vào trường bắt cóc ngay tại nhà vệ sinh, Sở GD-ĐT TPHCM đã có chỉ đạo các trường rút kinh nghiệm và tăng cường công tác quản lý như thế nào, thưa ông?
>> Ông TRẦN KHẮC HUY: Vụ việc bắt cóc ở Trường Tiểu học Kỳ Đồng vừa qua còn nhiều điểm nghi vấn, hiện đang được cơ quan công an điều tra làm rõ. Tuy nhiên, trong vai trò quản lý, Sở GD-ĐT TPHCM đã tiến hành nhắc nhở, rút kinh nghiệm trong toàn ngành. Theo quy định hiện nay của ngành giáo dục, đối với bậc mầm non và tiểu học, do đặc thù lứa tuổi các cháu còn rất nhỏ phải có sự đưa đón của phụ huynh. Trừ một số trường hợp nhà quá gần trường, học sinh có thể tự đi bộ, còn lại đa số đều có sự giao nhận trực tiếp giữa nhân viên bảo mẫu và phụ huynh. Hiện nay một số trường tổ chức giao nhận trẻ ngay tại lớp học, cũng có trường cho học sinh di chuyển xuống sân trường theo hình thức tập trung theo lớp, dưới sự giám sát của giáo viên chủ nhiệm. Khi phụ huynh đến đón, bảo mẫu sẽ đọc tên và trả trẻ cho từng phụ huynh để đảm bảo công tác an toàn cho trẻ. Nhiều năm qua, sở luôn chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm chỉnh công tác an ninh trường học, tuy nhiên vẫn còn đây đó một vài trường hợp hiệu trưởng chưa quán xuyến, nhắc nhở giáo viên và nhân viên bảo mẫu thắt chặt công tác an toàn. Sau vụ việc đáng tiếc vừa nêu, toàn ngành sẽ siết chặt hơn nữa công tác quản lý, đảm bảo tuyệt đối sự an toàn trong quá trình giao nhận trẻ, tăng cường công tác bảo vệ, đặc biệt vào giờ tan trường.
- Như vậy, một trong những vấn đề đặt ra để đảm bảo an ninh, trật tự tại trường học là tăng cường công tác bảo vệ. Cụ thể TPHCM sẽ thực hiện những biện pháp gì, thưa ông?
Bắt đầu từ tháng 4, Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp với phòng nghiệp vụ, Công an TPHCM tổ chức các lớp tập huấn cho tất cả bảo vệ các trường học trên địa bàn TP. Mỗi đợt tập huấn kéo dài khoảng một tuần, thực hiện cuốn chiếu từ đây đến hết tháng 8. Hiện nay chúng tôi đang gấp rút làm việc với Công an TPHCM về nội dung của lớp tập huấn, xoay quanh việc trang bị kiến thức cho bảo vệ như xác định trách nhiệm của mình đến đâu, được trang bị các loại công cụ hỗ trợ gì, phương pháp xác định kẻ gian, phối hợp, ứng phó trong tình huống nguy hiểm, khẩn cấp như thế nào, tiến đến yêu cầu chuyên nghiệp hóa hoạt động của lực lượng này. Sau các lớp tập huấn, Sở GD-ĐT sẽ ban hành văn bản quy định cụ thể các loại công cụ hỗ trợ được phép mang vào trường học, cũng như quy định đồng phục thống nhất cho lực lượng bảo vệ trong toàn ngành. Dự kiến văn bản sẽ có hiệu lực thi hành từ đầu năm học 2014 - 2015. Trong đó, việc ban hành các quy định phải dựa trên cơ sở cân bằng giữa hai yếu tố an ninh, trật tự tại trường học nhưng vẫn không làm mất đi hình ảnh gần gũi, thân thiện của lực lượng này. Hiện nay do hạn chế về mặt ngân sách, các trường chỉ có biên chế từ 2-4 bảo vệ, tùy thuộc vào tính chất, quy mô tổ chức của từng trường. Một vài nơi có địa bàn rộng lớn, phức tạp, bốn mặt giáp mặt tiền đường, hiệu trưởng phải chủ động hợp đồng thêm nhân viên bảo vệ, đặc biệt tăng cường vào giờ tan tầm để đảm bảo an toàn cho học sinh. Do đó, để thay thế cho sự thiếu hụt này, nhiều nơi đã gắn thêm camera quan sát ở khu vực hành lang và những góc khuất trong khuôn viên trường học nhằm tăng khả năng giám sát học sinh.
- Ngoài việc đề cao vai trò của lực lượng bảo vệ, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ có thêm những biện pháp gì để nâng cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ bảo mẫu và giáo viên chủ nhiệm - hai trong số những đối tượng chịu trách nhiệm trực tiếp đối với sự an toàn của học sinh?
Hiện nay ở nhiều trường tiểu học chưa quy định rõ vai trò, trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm trong vấn đề giao trả trẻ mà thường khoán trắng cho nhân viên bảo mẫu. Do đó với riêng lực lượng này, trách nhiệm là quá nặng nề trong khi thu nhập không nhiều, không nằm trong biên chế của nhà trường. Do đó, để đảm bảo công tác an toàn cho học sinh, Sở GD-ĐT đã và đang thực hiện đồng bộ ba nhiệm vụ: Thứ nhất, nâng cao vai trò, trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm trong việc giao trả học sinh. Cụ thể là yêu cầu các giáo viên phải ở lại lớp, chia sẻ trách nhiệm giao trả đến học sinh cuối cùng với nhân viên bảo mẫu. Khi có sự cố xảy ra, giáo viên phải là người chịu trách nhiệm chính trong phạm vi lớp học do mình quản lý. Thứ hai, nhằm nâng cao ý thức của đội ngũ bảo mẫu trong vấn đề an ninh, trật tự trường học, vào định kỳ các cuộc họp giao ban hàng tháng và hàng quý, chúng tôi luôn nhắc nhở hiệu trưởng các trường thường xuyên tổ chức họp với đội ngũ bảo mẫu, tuyên dương những cá nhân làm tốt, nhắc nhở những ai còn vi phạm, lồng ghép các nội dung tăng cường cảnh giác vào giờ ra về. Thứ ba, việc giáo dục ý thức, kỹ năng sống cho học sinh cũng hết sức quan trọng. Ở nhiều bộ môn trong chương trình học hiện nay đã tích hợp đầy đủ các nội dung này, tuy nhiên trong thời gian sắp tới, sở sẽ tăng cường hơn nữa các buổi sinh hoạt ngoại khóa, phối hợp với các tổ chức Đoàn, Đội đưa vào chủ điểm sinh hoạt hàng tháng các nội dung nhận biết kẻ xấu, giao tiếp với người lạ, cách tự bảo vệ bản thân...
- Xin cảm ơn ông!
THU TÂM