Bà Hứa Thị Phấn tiếp tục bị xét xử vì gây thiệt hại 1.338 tỷ đồng

Ngày 15-11, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử bị cáo Hứa Thị Phấn và đồng phạm trong vụ án Ngân hàng Đại Tín (giai đoạn 2). Phiên tòa lần này có hàng trăm người liên quan được triệu tập, trong khi đó, bà Phấn tiếp tục vắng mặt.
Các bị cáo tại tòa
Trong vụ án này, bà Hứa Thị Phấn (72 tuổi, nguyên cố vấn cấp cao HĐQT Ngân hàng Đại Tín, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư phát triển Phú Mỹ) và cùng 5 bị cáo khác bị truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Đó là các bị cáo: Bùi Thị Kim Loan (kế toán Công ty TNHH Phú Mỹ, Phó giám đốc Công ty TNHH đầu tư địa ốc Phúc Nguyễn); Lâm Kim Dũng (nguyên Giám đốc Công ty TNHH địa ốc Lam Giang); Huỳnh Thị Xuân Dung (nguyên Giám đốc Công ty địa ốc Phúc Nguyễn); Lâm Hứa Quỳnh Trinh (nguyên thủ quỹ kiêm thủ kho Ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam chi nhánh Lam Giang, nguyên phó phụ trách Phòng ngân quỹ Ngân hàng Đại Tín chi nhánh Sài Gòn) và Phạm Hồng Hảo (nguyên nhân viên Ngân hàng Đại Tín).

Phiên toà lần này do thẩm phán Phạm Lương Toản, Chánh toà hình sự TAND TPHCM làm chủ tọa, dự kiến kéo dài đến ngày 25-11.

Theo cáo trạng, Hứa Thị Phấn là người nắm giữ 84,92% vốn điều lệ Ngân hàng Đại Tín, nắm quyền chi phối, điều hành mọi hoạt động của ngân hàng.

Với mục đích chiếm đoạt tiền của ngân hàng, nữ đại gia này đã thâu tóm và chỉ đạo toàn bộ HĐQT, ban điều hành, cán bộ, nhân viên Ngân hàng Đại Tín… làm các thủ tục để ngân hàng đầu tư trực tiếp 1.037 tỷ đồng trái pháp luật vào 4 dự án bất động sản do 3 công ty của mình làm chủ đầu tư, sau đó rút tiền mặt để chiếm đoạt.

Cơ quan chức năng xác định Ngân hàng Đại Tín bị thiệt hại hơn 900 tỉ đồng.

Đến nay, các dự án trên không được triển khai, đã bị cơ quan có thẩm quyền chấm dứt đầu tư do chủ đầu tư không thực hiện dự án.

Ngoài ra, Hứa Thị Phấn còn có hành vi trực tiếp chỉ đạo Bùi Thị Kim Loan (kế toán Công ty TNHH Phú Mỹ) và một số con, cháu, nhân viên dưới quyền là Huỳnh Thị Xuân Dung, Lâm Hứa Quỳnh Trinh và Phạm Hồng Hảo thực hiện việc mua và nâng khống giá trị 4 bất động sản ở TPHCM và Khánh Hòa.

Sau đó, bị can Phấn dùng ảnh hưởng của mình, chỉ đạo HĐQT và ban điều hành Ngân hàng Đại Tín mua 4 bất động sản trên để chiếm đoạt hơn 437 tỷ đồng của Ngân hàng Đại Tín.

Tổng số tiền bà Hứa Thị Phấn chiếm đoạt của Ngân hàng Đại Tín là hơn 1.338 tỷ đồng.

Để phục vụ việc xét xử, tòa án đã triệu tập 91 cá nhân, gồm một loạt các bị can như Phạm Công Danh (Chủ tịch tập đoàn Thiên Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng Xây Dựng - VNCB); Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Xây Dựng - VNCB); Hoàng Văn Toàn (nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín)...

Các tổ chức có liên quan cũng được triệu tập như Ngân hàng Nhà nước, Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh, Công ty TNHH Phú Mỹ, Công ty TNHH Thẩm định giá Năm Thành Viên, Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn Hồng Đức, Công ty cổ phần Địa ốc Lam Giang, Công ty TNHH Đầu tư địa ốc Phúc Nguyễn và Công ty cổ phần Phú Mỹ...

Trong giai đoạn 1, bà Phấn vắng mặt tại phiên toà và được xét xử vắng mặt do phải nhập viện điều trị từ ngày 6-3-2017, trong tình trạng tăng huyết áp độ 3/4 và tiểu đường tuýp II. Từ đó đến nay, cơ quan điều tra đã nhiều lần đến bệnh viện để tiến hành hỏi cung nhưng bị can khó tiếp xúc, gọi hỏi không trả lời. 

Ngày 4-5-2018, bà Hứa Thị Phấn bị TAND Cấp cao tại TP Hà Nội xử phạt 17 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Sau đó, ngày 2-11-2018, bà Phấn bị TAND Cấp cao tại TPHCM xử phạt 20 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và 20 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp hình phạt là 30 năm tù.

Hiện bà Phấn đang bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú kể từ ngày 25-8-2018.

Tin cùng chuyên mục