
Không riêng vì Vũ Xuân Thiều, một phi công đã là “Phan Đình Giót” trong trận “Điện Biên Phủ trên không”, là con trai của mẹ mà qua đấy đã bộc lộ rõ phẩm chất cao quý ở mẹ. Còn vì nhiều vẻ đẹp khác nữa để tôi đã tự nhủ từ lâu “Hãy viết về mẹ Vũ Thị Vượng”. Tuy nhiên, để hiểu được sâu sắc về mẹ và có sự rung động đó trong tôi trước hết lại chính từ Vũ Xuân Thiều - đồng đội cùng trong quân chủng Không quân của tôi.
Thiều là con thứ bảy của mẹ. “Nó hiếu thảo chăm ngoan, học giỏi, nhưng cũng rất “cương định”, có cá tính rõ lắm. Đã định làm gì là quyết làm bằng được. Vào bộ đội được tuyển chọn đi học đào tạo phi công, Thiều cũng quyết chí luyện rèn thành phi công giỏi nên đã được chọn vào Phi đội đánh đêm - một phi đội chỉ có hơn chục người được chọn trong số các phi công giỏi của toàn quân chủng.

Mẹ Vũ Thị Vượng trong dịp dự Hội nghị các Bà mẹ Việt Nam ưu tú năm 1981.
Cũng lại với “cá tính” mà chính là ý chí gang thép như thế, trong trận “Điện Biên Phủ trên không”, tuy đã qua nhiều đêm bay lên phải “tay không” trở về, Thiều vẫn không nản chí. Chỉ suy ngẫm sâu hơn về mưu trí để đến đêm 28 anh đã quả cảm, khôn khéo vượt qua được hàng rào dày đặc tiêm kích hộ vệ, tiếp cận được B.52 - đối thủ chính của phi đội mình.
Có được thời cơ hiếm hoi mà Thiều hiểu còn do từ có được yếu tố bí mật, bất ngờ bởi cấp trên và cả tập thể đồng đội đã dày công nghiên cứu và trải qua bao gian nan để tạo nên đó, anh đã bình tĩnh xạ kích, phóng trúng cả hai quả tên lửa vào chiếc “pháo đài bay” B.52 trước mặt. Nhưng kết quả đã không đạt được đúng như ý chí của Thiều.
Chiếc B.52 chỉ bị thương vì cùng lúc đó, nó đã thả tên lửa nhử mồi ra làm giảm hiệu lực hai trái tên lửa của anh. Chiếc MIC chỉ có hai trái đạn. Vũ khí tiến công địch của Thiều đã hết. Với quyết tâm phải tiêu diệt bằng được tên “đại hung thần” nguy hiểm không để nó còn có thể mang 30 tấn bom bay vào ném xuống Hà Nội - thủ đô và cũng là quê hương thân yêu của mình, không chần chừ, Thiều đã liền lấy ngay thân mình cùng chiếc MIC làm trái “tên lửa thứ ba” lao thẳng vào chiếc “pháo đài bay” đó làm nó nổ tung, bùng cháy sáng rực cả một khoảng trời huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La...
Con trai mẹ đã lập chiến công xuất sắc và hy sinh trong tư thế anh hùng lẫm liệt như thế. Dù vậy, dù mẹ đã không hổ thẹn vì con và xung quanh mẹ còn cả một đàn con, mẹ vẫn chết lịm đi khi được biết rõ sự thật: Thiều đã vĩnh viễn không còn từ sân bay trở về mà mỗi lần về đều hớn hở chạy tới ôm chầm lấy mẹ trước tiên.
Nhưng mẹ không chỉ đứt ruột, đau buồn vì đã mất một người con hiếu thảo, tuấn tú, thông minh từ ngày đó. Ngày đó, trong Không quân ta có hai phi công bắn hạ được máy bay chiến lược B.52 Mỹ. Phạm Tuân còn sống liền được tuyên truyền rầm rộ và nhanh chóng được tuyên dương Anh hùng - Còn con trai mẹ đã hy sinh thì chỉ được truy tặng Huân chương Quân công hạng ba.
Ngay tấm bằng Huân chương cũng viết sai tên đệm. Vũ Xuân Thiều đã viết thành Vũ Văn Thiều. Tên tuổi và chiến công lớn của Thiều chỉ được gia đình và đồng đội trong Quân chủng cùng số ít cán bộ, nhân dân địa phương biết đến. Báo chí khi viết về Không quân cũng chỉ đôi lần nhắc đến một đôi dòng, nhưng lại giấu họ tên thực, nói chệch đi là Vũ Xuân, Vũ Thiêm hoặc Vũ T.
“Tại sao lại không công bằng, chỉ đề cao người còn sống mà nhẹ quên người đã hy sinh như vậy? Vì sao lại không công bố công khai, khi rõ ràng chiến công của con trai mẹ đã được nhân dân gần như cả huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La mục kích mà anh Phạm Ngọc Lan - đội trưởng đội bay đêm đã lên đó nghe kể và chứng kiến về kể lại với mẹ?...”.
Mẹ không khỏi tủi lòng, nhưng cũng chỉ tự thầm hỏi mình như thế mà không hề nói với ai điều ấy kể cả cấp trên và các bạn thân của Thiều khi đến thăm mẹ. Bởi với mẹ, mỗi khi những câu hỏi ấy lóe lên, trong lý trí của mẹ đã liền có lời tự giải chỉ lái con tim mà trước hết mẹ đã nói với Thiều khi mẹ thắp hương và nhìn sâu vào gương mặt con trai trên tấm di ảnh của con.
Tôi biết được tâm tư và cách xử thế đó của mẹ hôm tôi bất ngờ được mẹ cho mời đến dự ngày giỗ lần thứ 15 của Thiều. “Hôm nay chỉ có anh chị em và các cháu của em Thiều. Khách mời duy nhất có mình anh. Cả gia đình tôi xin cảm ơn về nghĩa cử của anh và rất mừng là anh đã đến!”.
Mẹ vồn vã và vui vẻ nói với tôi. Tôi đã hiểu ngay được vì sao hôm nay gương mặt mẹ thanh thản vui hơn mọi lần và tôi lại là khách duy nhất trong ngày giỗ của Thiều. Nhưng qua tiến sĩ vật lý Vũ Xuân Quang - con trai thứ hai của mẹ tiếp lời, tôi mới rõ hơn: “Mẹ chúng em và cả gia đình rất bất ngờ và xúc động khi thấy bài viết của anh có in cả chân dung của chú Thiều trên trang một báo Hà Nội Mới. Đây là lần đầu tiên báo chí công khai nói rõ họ tên, quê quán và chiến công của Thiều. Thế nên ngay hôm sau, gia đình em không chỉ được đón đoàn đại biểu của Thành ủy và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đông đảo hơn mọi lần mà liên tiếp sau đó đã được đón nhiều đoàn đại biểu các đoàn thể cùng các cháu học sinh, thiếu nhi của Hà Nội đến thắp hương viếng Thiều và thăm hỏi, động viên gia đình. Do vậy cả nhà, nhất là mẹ em đã được an ủi rất lớn. Vẫn thương nhớ Thiều, nhưng cụ đỡ buồn hẳn đi...”.
Đây cũng là niềm vui lớn đối với tôi khi tôi đề nghị cấp trên cho được nói rõ tên tuổi, quê quán, chiến công của Thiều trong bài viết “Để có bầu trời thanh bình hôm nay” nhân dịp kỷ niệm 15 năm chiến thắng B.52 lần này. Qua đây cũng thấy rõ, lãnh đạo và nhân dân Hà Nội rất giàu lòng tri ân và đã rất tự hào khi biết rõ thành phố “Rồng bay” của mình đã có một người con trai như thế. Càng tự hào và thỏa lòng hơn, khi Thiều được Nhà nước ta tôn vinh xứng đáng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Quân đội, tháng 12 năm 1994.
Như vậy là kể từ ngày Vũ Xuân Thiều “lấy thân mình làm quả tên lửa thứ ba” để diệt một “pháo đài bay” B.52, 22 năm sau, câu hỏi âm thầm trong lòng mẹ Vượng mới được giải tỏa. Nhưng suốt 22 năm ấy, mẹ đã xử thế cũng rất đúng mực, tế nhị như mẹ đã từng biểu lộ qua lời “tâm sự” trước vong linh của Thiều để tới lúc này lòng mẹ không có điều gì phải ân hận.
Mẹ Vượng là như thế đó. Nhưng không chỉ riêng thế. Mẹ đã là một chiến sĩ liên lạc, cơ sở của Đảng từ năm 1945. Đã cùng chồng là ông Vũ Xuân Sắc, đảng viên của Đảng từ năm 1938 rời Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc vừa tham gia kháng chiến vừa cần cù trong nghề thợ may để có thêm thu nhập nuôi dạy các con. Năm 1981, mẹ đã là một trong số 250 người mẹ đi dự Hội nghị các Bà mẹ Việt Nam ưu tú của cả nước.
Cả đến sau khi đã nghỉ hưu rồi, nhưng mẹ vẫn tích cực tham gia công tác ở địa phương và bằng tấm lòng nhân nghĩa, vị tha, mẹ đã giúp cho nhiều gia đình trong khối phố thuận hòa trở lại hạnh phúc… vì vậy Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội đã đề nghị Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba cho mẹ. Cho đến khi mẹ đã ngoài 80 tuổi, căn nhà tầng 2 bình dị ở số 21 phố Đặng Dung của mẹ vẫn còn là cái “thư viện” nhỏ mà mẹ vừa là “thủ thư” vừa là “cô giáo” rất kính yêu của các cháu thiếu nhi sống quanh nhà mẹ...
Mẹ được mọi người kính trọng quý mến chính bởi tấm lòng và nhân cách ấy. Bởi “Mẹ làm một vầng trăng. Cho con soi ngàn dặm. Từ tuổi thơ ngây đến tuổi trưởng thành…” như nhà thơ Hồ Minh đã viết về mẹ. Thế nên mỗi khi nghĩ đến mẹ, đến cả “đàn chim đã vỗ cánh bay đi” của mẹ, tôi lại liên tưởng đến truyền thuyết “chuông vàng dưới Hồ Tây”.
Truyền thuyết ấy lưu lại rằng: Nếu có bà mẹ Việt Nam nào sinh được 10 con trai và cả 10 con đều ngoan ngoãn, hiếu trung, thành đạt thì người mẹ đó sẽ kéo được chiếc chuông vàng ở dưới Hồ Tây và nó sẽ là sở hữu của mình.
Cho đến khi mẹ từ trần hai năm nay, 10 con của mẹ (4 trai, 6 gái) đã có 9 người là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Và, trừ Vũ Xuân Thiều đang học dở đại học đã hy sinh, tất cả các con của mẹ đã qua đại học, trong đó có 4 tiến sĩ và 3 là sĩ quan từ cấp thượng tá, đại tá trong quân đội. Điều đáng quý hơn, từ cùng chung “cái nôi” lớn đến bây giờ thành chín “tổ ấm”, song tất cả các con trai, gái, dâu, rể mẹ đều sống thuận hòa, quan tâm tới nhau từ việc nhỏ. Và, dù là tiến sĩ, sĩ quan cao cấp, tổng giám đốc... họ vẫn lắng nghe lời khuyên nhủ của mẹ.
HÀ BÌNH NHƯỠNG