Ba ngàn dân Tây Đáy với con đường đá lở ở Vắt Ra

Chuyện trò với chúng tôi, ông Hoàng Văn Hạnh, Trưởng Phòng Văn hóa huyện Thanh Liêm (tỉnh Hà Nam) nửa đùa nửa thật bảo: “Bài thơ ấy của bà Hồ Xuân Hương đem lại vinh dự cho chúng tôi, nhưng cũng đang “làm khổ” ít nhất 3.000 người dân xã Thanh Hải của chúng tôi”...
Ba ngàn dân Tây Đáy với con đường đá lở ở Vắt Ra

Chuyện trò với chúng tôi, ông Hoàng Văn Hạnh, Trưởng Phòng Văn hóa huyện Thanh Liêm (tỉnh Hà Nam) nửa đùa nửa thật bảo: “Bài thơ ấy của bà Hồ Xuân Hương đem lại vinh dự cho chúng tôi, nhưng cũng đang “làm khổ” ít nhất 3.000 người dân xã Thanh Hải của chúng tôi”...

“Hai bên là núi, giữa là sông
Kẽm Trống là đây có phải không?
Gió giật sườn non khua lắc cắc
Sóng dồn mặt nước vỗ long bong”

  • Bài thơ và con đường độc đạo
Ba ngàn dân Tây Đáy với con đường đá lở ở Vắt Ra ảnh 1

Núi Bài Thơ - Ảnh: A.P.

Quần thể di tích Kẽm Trống nằm ở xã Thanh Hải, một xã miền núi, vùng giáp ranh giữa huyện Thanh Liêm thuộc tỉnh Hà Nam và huyện Gia Viễn thuộc tỉnh Ninh Bình. Bài thơ trên của nữ sĩ được khắc trên vách núi Bài Thơ, nằm bên kia dòng sông Đáy, đã góp phần quan trọng đưa dãy núi Vắt Ra vào danh sách danh thắng cần được giữ gìn, bảo vệ, mặc dù tảng đá có khắc bài thơ đó nay đã không còn. (Tương truyền, khi Vua Tự Đức đi kinh lý vùng này, do không muốn đi thuyền qua dưới vách núi có bài thơ mà ông cho là không hợp với lễ giáo, nhà vua đã sai đào hẳn một con kênh vòng qua phía khác).

Bên này sông là dãy núi Vắt Ra, xung quanh là đồng lúa. Dưới chân núi nay đã hình thành con đường bộ duy nhất dẫn vào khu kinh tế mới của huyện Thanh Liêm, có tổng dân số trên dưới 3.500 người. Gần đây, Trung ương Đoàn TNCS còn đầu tư xây dựng thí điểm mô hình nuôi trồng thủy sản để chuyển giao lại cho dân làm kinh tế. Nếu mô hình thành công thì chắc chắn số dân sẽ còn tiếp tục tăng lên.

Theo ông Nguyễn Văn San, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nam, cách đây vài năm, vách núi Vắt Ra đã từng có đá lở tại đoạn đường bộ này, đánh chìm một sà lan neo đậu trên sông Đáy, làm 3 người thiệt mạng. Gần đây, do hiện tượng đá lở vẫn tiếp tục xảy ra, xã Thanh Hải đã đề xuất được hạ dải, tháo dỡ khoảng 60.000m3, đá nứt có thể gây nguy hiểm cho các hộ dân khi qua lại con đường dưới chân núi.

Đề nghị này đã được ngành văn hóa - thông tin xem xét, xác định việc hạ dải không gây ảnh hưởng đến di tích và sau đó đã được triển khai. Tuy nhiên, tiến độ công việc rất chậm và sau khi hạ dải được 40.000m3 (khoảng 2/3 khối lượng công việc), nay đã dừng lại. “Theo báo cáo của xã thì con đường vẫn chưa được đảm bảo an toàn, nhất là về mùa mưa, nhưng do không có kinh phí nên chưa làm tiếp được”, ông nói.

  • Nỗi lo lắng của chính quyền xã
Ba ngàn dân Tây Đáy với con đường đá lở ở Vắt Ra ảnh 2

Hoạt động khai thác đá nhộn nhịp ở bên kia sườn dãy Vắt Ra.

Quan sát con đường gập ghềnh uốn lượn dưới chân núi Vắt Ra sau khi công việc hạ dải đã dừng lại, đúng là người ta chưa thể yên tâm. Với kết cấu đá xếp, lại là đá non lẫn đất, nguy cơ sạt lở đá rất lớn, nhất là vào mùa mưa. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Truyện, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, không thấy địa phương có văn bản báo cáo hoặc tham khảo ý kiến sở.

Ông nhận định: “Ở khu vực này thì không thể đặt vấn đề khai thác tận thu rồi, vì nó thuộc phạm vi bảo vệ của di tích, danh thắng. Nhưng hạ dải như thế nào cho an toàn, không ảnh hưởng đến di tích lẽ ra cũng phải có ý kiến của các ngành chuyên môn. Mặt khác, đã làm rồi mà lại để dang dở thì nguy cơ xảy ra sự cố còn lớn hơn”.

Cùng chung nỗi lo lắng này, nhưng Bí thư Đảng ủy xã Thanh Hải Vũ Ngọc Biều thanh minh: “Cái khó bó cái khôn. Lúc đầu chúng tôi hợp đồng với một công ty với dự tính là sẽ bán số đá hạ xuống để bù đắp vào chi phí hạ dải, nhưng thực ra đây là loại đá non, giá trị kinh tế không cao, rất khó bán. Vậy là không còn chi phí để làm tiếp”.

Thoáng chút cân nhắc, ông nói thêm: “Cũng cần nói thêm rằng Kẽm Trống tuy là danh thắng do Hà Nam quản lý, nhưng phía bên kia sườn núi lại thuộc địa phận xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Bên đó, hoạt động khai thác đá với quy mô lớn đang diễn ra khá nhộn nhịp mà chúng tôi không đủ thẩm quyền kiểm soát hay ngăn chặn. Ai cũng biết rất rõ rằng hoạt động khai thác đá quy mô lớn như vậy không chỉ ảnh hưởng đến danh thắng Kẽm Trống mà còn làm tăng nguy cơ sụt lở đá, gây nguy hiểm cho con đường dân sinh mà chúng tôi đang muốn bảo vệ”... Quản lý “vùng giáp ranh” luôn là một vấn đề nan giải đối với mọi địa phương! Chắc chắn, một cuộc thương thảo cấp xã, thậm chí cấp huyện cũng không đủ để giải quyết toàn diện và lâu dài vụ việc này.

  • Khoanh vùng di tích, đâu chỉ đưa bút là xong?!

Một thực tế phải thừa nhận là việc khoanh vùng di tích - đặc biệt là các danh thắng trải dài trên diện rộng, gắn liền với các khu dân cư - vốn không phải là việc dễ dàng gì. Hơn nữa, công tác này nhiều khi không có những tiêu chí thật rõ ràng. Từ kinh nghiệm quản lý cơ sở nhiều năm, ông Vũ Ngọc Biều cho rằng, để cho “an toàn”, cán bộ bảo tồn, bảo tàng thường khoanh vùng bảo vệ rất rộng mà không xét đến mối tương quan với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và những thực tế phát sinh từ đời sống. “Tôi đồng ý là núi Rùa Đuôi, núi Rồng và núi Bài Thơ cần phải được bảo tồn nguyên trạng, nhưng còn đặt vấn đề bảo tồn toàn bộ dãy Vắt Ra thì rất khó và thực ra không cần thiết. Việc có được một con đường an toàn và thuận tiện là một yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển của khu vực Tây Đáy (phía Tây sông Đáy thuộc địa bàn xã)”, ông Biều góp ý thẳng thắn.

Ba ngàn dân Tây Đáy với con đường đá lở ở Vắt Ra ảnh 3

Kết cấu đá xếp không bền vững của dãy Vắt Ra

Vấn đề không mới, song cho đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Và hàng ngày, hàng ngàn người dân vẫn đi qua con đường mà một bên là sông Đáy, một bên là vách đá xếp được hạ dải dở dang!

Quả thực, về lâu về dài, vấn đề đặt ra là có nhất thiết phải gìn giữ nguyên trạng toàn bộ dãy Vắt Ra hay không. Nếu thấy cần thiết, muốn phát triển khu vực này thành một khu du lịch phong cảnh - sinh thái thì việc quan trọng cần làm ngay là phải mở một con đường khác; đồng thời tuyệt đối cấm khai thác đá tại khu vực này, bất kể trên địa bàn Hà Nam hay Ninh Bình. Nếu áp dụng phương án bảo tồn có lựa chọn và giữ lại con đường dân sinh hiện có như đề nghị của lãnh đạo xã thì vẫn cần rà soát lại công việc khai thác đá ở sườn bên kia dãy Vắt Ra, đồng thời hoàn tất công việc hạ dải với sự tham mưu của các ngành chức năng.

Rời khỏi Vắt Ra, chúng tôi chưa thể yên lòng. Bên kia sườn núi, vào buổi trưa vẫn vang lên tiếng mìn phá đá ì ùm, tiếng máy xay đá ràn rạt. Thi thoảng, một viên đá nhỏ lại lăn xuống con đường, làm cho ai đó thắc thỏm giật mình...

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục