Thuốc là một trong những mặt hàng vô cùng quan trọng đối với người dân. TPHCM đã và đang triển khai Chương trình Bình ổn các mặt hàng dược phẩm thiết yếu như thế nào để góp phần ổn định cung - cầu và giá cả thị trường? PV Báo SGGP đã phỏng vấn bà Phạm Khánh Phong Lan (ảnh), Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM để làm rõ nội dung này.
392 mặt hàng, 80 hoạt chất và 21 nhóm điều trị
° PV: Năm 2013 là năm thứ 3 TPHCM triển khai Chương trình Bình ổn các mặt hàng dược phẩm thiếu yếu, bà có nhận xét và đánh giá gì; điểm khác biệt của chương trình năm 2013?
° Bà PHẠM KHÁNH PHONG LAN: Đây đã là năm thứ ba nên chương trình đã đi vào nề nếp, phần nào quen thuộc với người dân nên công tác quảng bá, tuyên truyền cũng thuận lợi hơn. Điểm khác biệt chủ yếu tập trung vào việc tăng số lượng các mặt hàng, các DN và nhà thuốc tham gia bình ổn. Danh mục thuốc trong chương trình bình ổn năm 2013 đã tăng lên 392 mặt hàng với 80 hoạt chất, 21 nhóm điều trị. Bên cạnh việc tăng số lượng, chất lượng thuốc cũng ngày càng hoàn thiện. Về tổ chức thực hiện chương trình bình ổn cũng được cải tiến để ngày càng chuyên nghiệp hơn, từ hình thức logo, bảng giá, đến tăng cường vai trò giám sát và hậu kiểm, đặc biệt là vai trò của các phòng y tế quận huyện trong việc vận động nhà thuốc trên địa bàn tham gia chương trình và kiểm tra giám sát hoạt động bình ổn thuốc.
° Bà có thể khái quát tình hình sau 5 tháng triển khai bình ổn thị trường các mặt hàng dược phẩm năm 2013, đâu là thuận lợi, khó khăn của chương trình? Các DN có gặp trở ngại, vướng mắc gì trong quá trình triển khai thực hiện chương trình không, thưa bà?
° Thuận lợi là chương trình đã đi vào nề nếp nhờ kinh nghiệm các năm trước, đặc biệt luôn được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Thành ủy, UBND TP và sự phối hợp chặt chẽ của các ngành các cấp. Bản thân các DN sản xuất dược và các nhà thuốc đã ý thức được trách nhiệm của mình. Khó khăn của DN cũng không nằm ngoài khó khăn chung của nền kinh tế, nhất là nỗ lực giữ giá trong khi chi phí đầu vào gia tăng (nguyên nhiên liệu, nhân công…). Ngoài ra, một số DN còn gặp nhiều lúng túng khi triển khai, tiếp cận các điểm bán thuốc bình ổn để giới thiệu và đưa kịp thời thuốc bình ổn đến các nhà thuốc tham gia chương trình do có ít nhân lực bán hàng, điểm bán thuốc bình ổn nhiều nhưng nằm rải rác khắp TP, doanh số mua thuốc của các điểm bán thấp. Một số nhà thuốc trên địa bàn dân cư còn chưa chủ động lấy đầy đủ thuốc bình ổn và giới thiệu thuốc bình ổn cho người dân sử dụng. Một số bác sĩ điều trị cũng chưa thực sự quan tâm nhiều đến việc kê đơn thuốc bình ổn trong điều trị.
Tăng cường kê đơn thuốc nội
° Một số ý kiến cho rằng, việc các DN dược tham gia bình ổn mặt hàng dược là để làm hài lòng lãnh đạo TP và sở, ngành chức năng. Quan điểm của bà về ý kiến này như thế nào?
° Tôi nghĩ mỗi DN khi tham gia chương trình sẽ có một số mục tiêu riêng, nhưng trước hết họ đã thấy được trách nhiệm với cộng đồng để chia sẻ, đóng góp, thậm chí còn không nhận nguồn vốn ưu đãi của chương trình. Khi tham gia, các DN phải thực hiện tốt các quy định về kế hoạch sản xuất và dự trữ nguồn hàng; cung ứng kịp thời, đầy đủ thuốc bình ổn cho thị trường và bán đúng giá được phê duyệt; chất lượng thuốc đảm bảo đạt các tiêu chuẩn đã đăng ký, thực hiện định kỳ báo cáo doanh số bán thuốc bình ổn. Đương nhiên khi có nhiều DN tham gia giúp chương trình đạt hiệu quả thì tất cả cộng đồng đều hài lòng, trong đó bao gồm cả các cấp lãnh đạo.
° Sở Y tế đã có những biện pháp nào để triển khai việc đưa các mặt hàng thuốc bình ổn nói riêng, thuốc nội nói chung vào hệ thống các bệnh viện, nhà thuốc nhằm thực hiện tốt cuộc vận động “Người VN ưu tiên dùng hàng VN” và Chương trình “Thuốc Việt cho người Việt”?
Năm 2013, Chương trình Bình ổn các mặt hàng dược phẩm thiết yếu có 13 công ty dược phẩm tham gia, gồm Công ty CPDP 3/2, Công ty Domesco, Công ty Glomed, Công ty Euvipharm, Công ty Liên doanh Stada, Công ty Roussel VN, Công ty CPDP 2/9, Công ty CP Pymepharco, Công ty CPDP Khang Minh, Công ty CPDP Phương Đông, Công ty CP SX TM DP Đông Nam, Công ty CPDP OPV và Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn. |
° Sở Y tế tiếp tục phối hợp cùng các sở ngành xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền quảng bá về Chương trình Bình ổn các mặt hàng dược phẩm thiết yếu 2013. Thông qua hệ thống phòng y tế, tiếp tục vận động các nhà thuốc tham gia chương trình bình ổn, đặc biệt là ở các huyện ngoại thành, vùng sâu, khó khăn. Sở cũng tiếp tục vận động các công ty sản xuất kinh doanh dược tham gia bình ổn, mở rộng các mặt hàng, không chỉ dừng ở 13 công ty với 392 mặt hàng như hiện nay. Ngoài ra sở cũng thường xuyên nhắc nhở, chỉ đạo các bác sĩ điều trị trong việc kê đơn thuốc nội, nhất là các thuốc trong chương trình bình ổn. Công tác kiểm tra giám sát cũng được đẩy mạnh.
° Với vai trò là người chủ công thực hiện, khía cạnh nào của chương trình làm cho bà tâm đắc nhất?
° Mục tiêu chúng tôi đặt ra rất khiêm tốn, thông qua việc giữ ổn định giá bán lẻ trong năm của một số thuốc sản xuất trong nước, góp một phần giảm chi phí và bảo đảm chất lượng thuốc cho những người dân đang phải tự bỏ tiền mua thuốc (đối tượng bảo hiểm y tế thuộc một chương trình khác), như vậy sẽ phần nào chia sẻ những khó khăn mà người dân chúng ta, đặc biệt là người lao động đang phải gánh chịu trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay. Thực tế triển khai đã cho chúng tôi kinh nghiệm về thương thảo giá, về ấn định giá bán lẻ… Điều này rất có ý nghĩa trong việc xây dựng các chính sách điều tiết và quản lý giá thuốc sau này.
THÚY HẢI (thực hiện)