Bà Rịa - Vũng Tàu: Ngư dân đầm ấm, đủ đầy

Những ngày cuối của năm Ất Mùi, ngư dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) vẫn miệt mài, hăng say bên những chiếc ghe đầy ắp hải sản. Giá xăng dầu giảm sâu, thời tiết thuận lợi, cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã giúp ngành khai thác thủy hải sản của địa phương này phát triển một cách ổn định.
Bà Rịa - Vũng Tàu: Ngư dân đầm ấm, đủ đầy

Những ngày cuối của năm Ất Mùi, ngư dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) vẫn miệt mài, hăng say bên những chiếc ghe đầy ắp hải sản. Giá xăng dầu giảm sâu, thời tiết thuận lợi, cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã giúp ngành khai thác thủy hải sản của địa phương này phát triển một cách ổn định.

“Lộc biển” cuối năm

Có mặt tại cảng cá Phước Tỉnh (ấp Tân Phước, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh BR-VT) từ sáng sớm mới thấy cảnh nhộn nhịp của những người làm nghề biển ở đây. Những chiếc ghe, tàu nối đuôi nhau cập bờ như báo hiệu một mùa đánh bắt “trúng quả”. Khi ghe cập cảng, các chị, các mẹ đã chờ sẵn trên bờ xúm lại hỗ trợ cánh đàn ông vận chuyển hàng từ dưới hầm tàu lên bờ. Những tiếng trò chuyện rôm rả, pha thêm vài ba câu chuyện tếu táo đã xua đi không khí mệt mỏi sau chuyến đi biển dài ngày của những ngư dân chăm chỉ, hiền lành và chất phác. Nào mực, nào tôm, cua, ghẹ, cứ thế thoăn thoắt được mọi người chuyền tay nhau nhanh chóng đưa lên bờ. Hàng hải sản rất dễ hư nên được phân loại và bảo quản khác nhau. Đa số bà con ngư dân cho vào túi ni lông rồi mới bỏ vào thùng làm đông lạnh bằng nước đá. Trên bờ, những chiếc xe tải đến “ăn hàng” ra vào cảng như con thoi. Những ngày giáp Tết Nguyên đán, hàng về nhiều nên các tài xế cũng phải làm việc hết công suất.

 Ở đây, nhắc đến những cái tên như Đỗ Tấn Công, Đỗ Ngọc Đức, Nguyễn Văn Mạnh thì mọi người đều nhớ đến, đó là những người làm nghề đánh bắt thủy, hải sản có tiếng trong xã. Nhà nào cũng có hơn chục chiếc ghe, tàu đánh bắt gần xa. Theo ngư dân Đỗ Tấn Công, vào năm 2015, do thời tiết thuận lợi nên những tàu làm nghề cào đi được 6 - 7 chuyến biển trong năm, mỗi chuyến trừ chi phí này kia, mỗi người chia nhau tầm 20 triệu đồng/người. Một phần khác do giá dầu giảm sâu nên chi phí đi biển cũng hạ xuống, mọi người có thêm hộp bánh, tấm áo cho trẻ nhỏ ở nhà. Ông Trần Văn Hoa, cán bộ phụ trách mảng thủy sản của UBND xã Phước Tỉnh, cho biết, cảng cá Phước Tỉnh được hình thành từ năm 1992 và phát triển cho tới nay; hiện xã có 1.250 chiếc tàu, tổng công suất 2.470CV, trong đó có 1.078 chiếc chuyên đánh bắt xa bờ; số còn lại đi ngắn ngày, khai thác gần bờ.

Năm 2015, tình hình đánh bắt thủy hải sản của bà con ngư dân có nhiều khởi sắc, nhà nào cũng vui mừng. Chỉ tính riêng quý 4 - 2015, sản lượng thủy, hải sản toàn xã ước đạt 78.000 tấn, trong đó có 30% xuất khẩu đi nước ngoài. “Năm nay được mùa, bà con làm nghề biển phấn khởi lắm. Có lẽ nhà nhà ăn tết lớn lắm đây”, ông Hoa vui vẻ thổ lộ.

Tạm chia tay cảng cá Phước Tỉnh, chúng tôi đến huyện Xuyên Mộc. Nơi đây có một số gia đình cũng hành nghề đánh bắt thủy, hải sản nhưng khai thác gần bờ. Hải sản của vùng đất Xuyên Mộc nổi tiếng tươi ngon không kém gì những nơi khác trong tỉnh BR-VT. Ngư dân Hoàng Thành (xã Bình Châu) tính nhẩm: Thu nhập từ nghề biển năm 2015 dao động từ 35 - 60 triệu đồng/người. Nhìn chung nghề biển gặp may mắn vì nhiều yếu tố như thời tiết, giá hải sản được giữ ở mức khá... Những người làm nghề biển ở đây chủ yếu là đánh bắt gần bờ, cung cấp hải sản tươi phục vụ trong tỉnh.

Thủy, hải sản được đóng bao đã đông lạnh đưa đi tiêu thụ tại cảng cá Phước Tỉnh

Thuận lợi từ Nghị định 67

Những năm gần đây, do ngư trường thu hẹp nên bà con ngư dân làm nghề lưới trong tỉnh BR-VT phải vươn ra vùng nước sâu, xa bờ để tìm luồng cá mới. Đối với các tổ đánh bắt hải sản ở thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ) thì ngư trường thềm lục địa phía Nam, gần cụm nhà giàn DK1 là ngư trường truyền thống của các tổ, đội. Với thuận lợi là giá dầu giảm từ nửa năm qua, cộng với việc Nghị định 67 ra đời hỗ trợ ngư dân vay vốn ưu đãi đóng mới tàu vỏ thép, thay máy công suất lớn, đã là động lực lớn để ngư dân thị trấn Phước Hải bám biển.

Gặp chúng tôi một ngày giáp tết, ông Huỳnh Hoành Nhung, Tổ trưởng Tổ đánh bắt hải sản Quyết Thắng, thị trấn Phước Hải, cho biết: “Địa phương có hơn 80 tàu hoạt động chủ yếu là nghề lưới vây (riêng trong dòng họ ông Nhung có 5 chiếc). Vươn khơi xa, ngư dân thị trấn có thêm con cá trên tàu, như vậy vợ con ở đất liền được nhờ, thêm niềm vui”.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh BR-VT, năm 2015, tỉnh triển khai chương trình đóng mới tàu vỏ thép có công suất lớn với trang bị đồng bộ về thiết bị hàng hải, thông tin và các thiết bị chuyên ngành, khuyến khích ngư dân khai thác hải sản ở ngư trường xa bờ; giảm dần và tiến tới ổn định sản lượng khai thác hải sản ở vùng gần bờ. Bên cạnh đó, tỉnh cũng khuyến khích phát triển mô hình đồng quản lý nguồn lợi ven bờ nhằm nâng cao khả năng tự phục hồi và tính bền vững của nguồn lợi thủy sản. Nhờ vậy, sản lượng khai thác thủy hải sản trên địa bàn tỉnh đạt 298.170 tấn, tăng 1,1% so với năm 2014. Ngoài các yếu tố thuận lợi như thời tiết, giá dầu giảm, giá thủy hải sản ổn định thì các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã phát huy hiệu quả rất lớn. Trong năm nay, tỉnh chủ trương đẩy mạnh công tác khai thác và đánh bắt thủy hải sản xa bờ, tập trung vào một số sản phẩm chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao.

“Mùa lưới nặng tôm cá” như hiện tại hứa hẹn cái tết cổ truyền của ngư dân nơi đây sẽ đầm ấm, đủ đầy.

ĐỨC TRUNG - NÔNG NGÂN

Tin cùng chuyên mục