Với diện tích hơn 30 triệu km², Bắc Cực kéo dài dọc biên giới các nước Canada, Đan Mạch (thông qua Greenland), Na Uy, Nga và Mỹ (thông qua bờ biển Alaska). Bắc Cực hoang sơ lạnh lẽo ngày nào, giờ đang “nóng” lên, không chỉ ở lớp băng tan chảy mà còn trở thành điểm nóng tranh chấp giữa các nước…
Ngũ quốc phân tranh
Tháng 4-2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama ký sắc lệnh trao cho Bộ chỉ huy phòng thủ không gian Bắc Mỹ (NORAD) và Bộ Tư lệnh Bắc Mỹ trách nhiệm lớn hơn trong việc bảo vệ lãnh thổ Bắc Cực và cực Bắc của Mỹ. Trước đó, năm 2009, Na Uy đã mở rộng vùng hoạt động lên biên giới phía Bắc tại vòng Bắc Cực.
Nga cũng vừa có kế hoạch thiết lập một lữ đoàn vũ trang, được huấn luyện đặc biệt để có thể chiến đấu trong điều kiện băng giá. Đan Mạch thì đề xuất thành lập Bộ chỉ huy Bắc Cực. Còn Canada đang cố gắng khôi phục lại hạm đội tuần tra Bắc Cực, trong đó chi 33 tỷ USD để đóng 28 chiếm hạm trong vòng 30 năm tới. Và gần đây, ngay cả nước xa hơn về phương Nam cũng bắt đầu để mắt đến Bắc Cực. Trung Quốc chế tạo tàu phá băng phi hạt nhân lớn nhất thế giới, tìm đường bước vào cuộc đua nghiên cứu khoa học ở vùng băng giá.
Tháng 9 năm nay là thời điểm lượng băng thấp kỷ lục được ghi nhận ở khu vực cực Bắc. Mũ băng vùng cực hiện đã giảm đến 40% so với năm 1979. Chỉ riêng mùa hè năm 2007, hơn 2,5 triệu km² băng bị tan chảy với tốc độ vượt mức trung bình.
Trong những năm đầu thế kỷ 20, cuộc cạnh tranh ở Bắc Cực còn được xem là cuộc đua về thám hiểm và tầm nhìn. Các tập đoàn lớn và các cường quốc đang tiếp tục cuộc đua để tiếp cận và khai thác nguồn tài nguyên phong phú như quặng sắt, nikel, đồng, paladi, khoáng sản đất hiếm, đặc biệt là dầu và khí đốt. Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ ước tính Bắc Cực chứa 13% lượng dầu chưa được khám phá và 30% nguồn khí đốt của thế giới. Bên cạnh đó, tiềm năng vận tải biển ở vùng biển Bắc Cực cũng đáng nể. Theo ước tính của Nga, khi băng tan, năng suất vận tải biển khu vực có thể tăng từ 111.000 tấn vào năm 2010, lên hơn 1 triệu tấn vào năm 2012.
Tuy nhiên, đây không chỉ là cuộc đua tranh giành tài nguyên. Chi phí để tàu du lịch sinh thái đưa một khách đến ngắm khung cảnh tuyệt đẹp của bờ biển Bắc Cực và nhìn thấy các loài có nguy cơ tuyệt chủng như cá voi trắng hay gấu Bắc Cực lên đến 35.000 USD. Ngoài ra, đây là khu vực tốt nhất để các nước khảo sát nghiên cứu nhiều lĩnh vực khoa học. Đồng thời, vựa cá béo bở ở đây cũng đang chờ ngư dân các nước. Giới quan sát nhận định, thời Chiến tranh lạnh qua đi, thế giới đang bước vào “cuộc chiến lạnh hơn”.
Mỹ chậm hơn Nga
Trong Thế chiến II, Mỹ đã gấp rút xây dựng tuyến đường tiếp tế trên không và trên biển. Đó là chuyện trong quá khứ. Còn hiện tại, cơ sở hạ tầng của Mỹ được xây dựng từ những năm 1950 – 1960 ở Alaska đã cũ kỹ và phần lớn bị bỏ hoang. Dường như ở Bắc Cực, Mỹ đã vấp nhiều khó khăn khi cập nhật chiến lược của họ. Chính sách mạnh mẽ nhất về Bắc Cực của nước này là chỉ thị do Tổng thống George W. Bush ký vào năm 2009. Khi đó, chỉ thị chỉ đề ra một số lợi ích an ninh cấp bách của Mỹ trong khu vực như: hệ thống cảnh báo sớm và phòng thủ tên lửa, chiến lược răn đe và các hoạt động an ninh hàng hải, duy trì tự do hàng hải và ngăn chặn tấn công khủng bố.
Theo các nhà quan sát, chiến lược và chính sách về Bắc Cực của Mỹ cho đến nay vẫn khá nghèo nàn và kém hiệu quả. Lực lượng cảnh sát biển của Mỹ không có căn cứ hay trạm điều hành trên vòng Bắc Cực ở Alaska. Điều đó có nghĩa, bất kỳ hoạt động tìm kiếm, cứu hộ hay triển khai quân sự nào của Mỹ ở Bắc Cực cũng sẽ bị trì hoãn ít nhất 8 giờ tính theo đường hàng không và nhiều ngày tính theo đường hàng hải.
Hiện tại, Mỹ cũng chỉ có một tàu phá băng hạng trung còn hoạt động, gọi là Coast Guard Cutter Healy. Trang bị tối tân nhất của toàn bộ Lực lượng bảo vệ bờ biển của Mỹ cũng chỉ có 2 tàu phá băng hạng nặng là Polar Sea và Polar Star, và cả 2 đều… chưa được vận hành. Tương lai của hạm đội này còn u ám khi mà Hạ - Thượng viện đang tranh cãi về gói tài trợ.
Còn ở Nam Cực, mùa hè vừa qua, Thụy Điển đã thu hồi những tàu phá băng đã cho chính phủ Mỹ thuê. Sự việc này đã khiến Mỹ không thể tiếp cận và tiếp tế cho các trạm khoa học ở vùng Nam Cực. Phó Thống đốc bang Alaska Mead Treadwell buộc phải lên tiếng trước Quốc hội: “Nếu không hành động, nước Mỹ sẽ đặt an ninh quốc gia trên bờ vực và chúng ta sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội ở Bắc Cực để đứng nhìn các nước khác hành động”.
5 năm trước, Nga đã bắn một tên lửa hành trình xuyên qua Bắc Cực trong cuộc tập trận hè. Đến năm 2008, Nga còn đưa các tàu hải quân tuần tra trên vùng biển Bắc Cực, đồng thời tăng cường kho hạt nhân chiến lược ở phía Bắc và hiện đang chế tạo 8 tàu ngầm tên lửa đạn đạo (dự kiến hoàn thành năm 2015). Năm 2010, 2 máy bay ném bom chiến lược của Nga đã bất ngờ thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên Bắc Băng Dương và Đại Tây Dương. Lần đầu tiên, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) buộc phải phái đi nhiều chiến đấu cơ để thăm dò động thái ấy.
Tương lai nóng?
Thế kỷ 21 tại Bắc Cực đã từng được trông đợi sự phối hợp mạnh mẽ giữa các quốc gia giáp vùng biển Bắc Cực hay các quốc gia gần đó như Thụy Điển, Iceland, Phần Lan và cả cư dân bản địa ở Bắc Cực. Đó là lý do Hội đồng Bắc Cực được thành lập năm 1996 nhằm hỗ trợ hợp tác quốc tế trong việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Tuy nhiên, nhiệm vụ của hội đồng này không đề cập đến vấn đề quân sự hay an ninh. Trên thực tế, không chỉ 4 trong 5 quốc gia ven vùng biển Bắc Cực là thành viên của NATO muốn tăng cường sự hiện diện của mình ở Bắc Cực, cường quốc thứ 5 là Nga cũng chung ý muốn.
Một câu thành ngữ của người Inuit ở Bắc Cực nói: “Chỉ khi phá vỡ băng, bạn mới thật sự biết ai là bạn, ai là thù”. 50 năm trước, việc bảo đảm hiện diện và kiểm soát Bắc Cực của Mỹ còn là một mệnh lệnh quốc gia. Còn thế kỷ 21 ở Bắc Cực của Mỹ lại là những thách thức thực tế, khác hẳn với việc ngăn quân phát xít Nhật đổ bộ lên Alaska hay ngăn chặn tên lửa của Liên Xô.
THANH HẢI