Bắc cực – “Cuộc chiến tài nguyên” đang đến gần

Bắc cực – “Cuộc chiến tài nguyên” đang đến gần

Cuộc chiến tranh giành tài nguyên ở Bắc cực dường như ngày càng đến gần hơn khi mà lực lượng vũ trang Canada tuyên bố vừa bắt đầu thành lập một đơn vị gồm 4 nhóm quân dự bị có quân số 480 người với mục đích tiến hành những chiến dịch ở Bắc cực. Mới đây, đại diện cấp cao các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng tỏ ý muốn mở rộng
hoạt động ở Bắc cực.

  • Mỗi quốc gia, một kiểu tranh giành

Cuộc diễn tập đầu tiên của lực lượng vũ trang Canada có thể được tổ chức ngay vào mùa thu năm nay.

Theo kế hoạch của Canada, mỗi năm, đơn vị trên sẽ tổ chức 4 cuộc diễn tập ở Bắc cực để ứng phó với từng tình huống khẩn cấp ở khu vực này sau khi năm ngoái, lần đầu tiên trong 30 năm qua, Canada đã phái các tàu chiến tới Bắc cực.

Đơn vị này là cơ sở cho lực lượng Bắc cực của Canada sẽ được thành lập trong 6 năm tới.

Tàu ngầm Nga đến Bắc cực.

Tàu ngầm Nga đến Bắc cực.

Như vậy là chỉ chưa đầy 2 năm kể từ khi Nga tiến hành thám hiểm Bắc cực và thu thập được chứng cứ địa chất bổ sung để chứng minh biên giới trên thềm lục địa Bắc cực của nước này có thể được mở rộng thêm, đến nay 5 nước Mỹ, Anh, Na Uy, Đan Mạch và Canada cũng đã đưa ra những đòi hỏi chủ quyền tương tự. Thậm chí nhiều nước tưởng như chẳng có liên quan gì đến Bắc cực cũng nhảy vào cuộc đua.

Tháng 8-2007, sau khi Nga lần đầu tiên cắm lá cờ quốc gia bằng Titan ở độ sâu 4.261m tại vùng biển Bắc để khẳng định chủ quyền, Pháp còn chưa có phòng phụ trách các vấn đề Bắc cực. Giờ đây, một bộ phận đảm trách vấn đề này đã được thành lập ở Bộ Ngoại giao Pháp. Mới đây, NATO tuyên bố Bắc cực là “khu vực mang lợi ích chiến lược lâu dài đối với NATO cũng như nằm trong kế hoạch an ninh của các nước trong liên minh”.

Tuy nhiên, mỗi quốc gia “tham chiến” 1 kiểu khác nhau. Nga thì tích cực tham gia các chương trình dân sự nhằm nghiên cứu đại dương, thu thập được chứng cứ địa chất để hoạch định đường biên giới của Nga ở thềm lục địa vùng Bắc cực (chứng minh dãy núi Lomonosov là phần kéo dài của thềm lục địa Siberia).

Canada thì tuyên bố sẽ xây dựng một cảng biển nước sâu trị giá 95 triệu USD tại Nanisivik gần lối vào phía Đông của tuyến đường biển Tây Bắc. Đây sẽ là nơi tiếp nhiên liệu cho các tàu tuần tra quân sự của nước này.

Khác với Canada nhưng giống Nga, Đan Mạch tiến hành các cuộc thăm dò, khảo sát tới Bắc Băng Dương để thu thập các dữ liệu địa chất học. Chuyến thám hiểm kéo dài một tháng của Đan Mạch sẽ nghiên cứu dãy núi Lomonosov mà nhiều nhà khoa học của nước này tin rằng nó là phần kéo dài của Greenland.

Điều đáng ngại là cuộc đua này không chỉ dừng ở những tuyên bố chủ quyền mà đã chuyển sang các động thái có tính quân sự nhằm khẳng định sức nặng cho các tuyên bố chính trị.

Trong lịch sử nghiên cứu Bắc cực thì chuyến đi nghiên cứu của Nga thuộc diện phiêu lưu và táo bạo nhất. Hai tàu ngầm “Mir 1” và “Mir 2” của Nga có nhiệm vụ lặn xuống tới độ sâu 4 km ở Bắc cực để cắm cờ trên mảnh đất ở dưới đáy biển này. Tàu phá băng “Rossiya” và tàu nghiên cứu “Akademik Fjodorow” cũng đã đến Bắc cực.

Đến lượt mình, Canada cũng tuyên bố chi khoảng 3 tỷ USD để mua ít nhất 6 tàu tuần tra cho vùng Bắc Băng Dương, 4 triệu USD nhằm hiện đại hóa một căn cứ ở vịnh Resolute, cho phép huấn luyện các lực lượng quân sự tại Bắc cực.

Trong khi các khoa học gia Đan Mạch đo lòng biển Bắc Greenland, thì Mỹ cũng đã phái các tàu chiến tới Bắc cực nhằm tiến hành cuộc thám hiểm khu vực này (bắt đầu từ ngoài khơi Na Uy) - tập trung vào dãy Gakkel (trong lòng Bắc cực). Mỹ cũng tuyên bố tương tự khi nói rằng vùng đáy Bắc cực là liên kết với thềm lục địa Mỹ tại Alaska.

Cuộc thám hiểm này của Mỹ đã được báo chí Nga diễn dịch là cuộc chạy đua giữa Washington và Moscow trong tham vọng giành nguồn tài nguyên mặc dù Viện Hải dương Woods Hole của Mỹ tuyên bố rằng cuộc nghiên cứu khoa học của họ chỉ nhằm “tìm mạch thủy nhiệt và đời sống sinh vật mới”.

  • Nguồn tài nguyên vô tận

Cơ quan Thăm dò địa chất Mỹ (USGS) cho biết, Bắc cực chiếm khoảng 22% các nguồn tài nguyên chưa được khai thác của thế giới, trong đó khí đốt chiếm 30% và dầu mỏ chiếm 13%.

Kho báu này hoàn toàn có thể giúp giảm những lo ngại về an ninh năng lượng của thế giới trong tương lai. Chỉ riêng trữ lượng dầu tại vịnh Đông Greenland đã có thể tương đương 31,4 tỷ thùng, hầu hết ở dạng khí thiên nhiên (tương đương với 4 năm tiêu thụ dầu hỏa tại Mỹ).

Cũng có những ước đoán cho rằng ở đây có khoảng 10 tỷ tấn dầu mỏ và khí đốt nằm trong vùng đất rộng 1,2 triệu km² bao quanh Bắc cực.

Thế nhưng, tham vọng tiếp cận các nguồn tài nguyên ở vùng Bắc cực cũng như rút ngắn hành trình qua Bắc Băng Dương chỉ mở ra khi xuất hiện cảnh báo rằng, do khí hậu Trái đất ngày càng ấm lên, đến mùa hè 2015, lớp bề mặt băng ở vùng biển Bắc cực có thể sẽ biến mất.

Tại cuộc đàm phán mới đây với Ngoại trưởng Đan Mạch Per Stig Moller, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố vùng Bắc cực phải trở thành khu vực hợp tác quốc tế hiệu quả chứ không phải đối đầu.

Khu vực này hiện tại không được xem là một phần lãnh thổ của quốc gia đơn lẻ nào và thay vào đó, nó được kiểm soát bởi một loạt hiệp định quốc tế phức tạp.

Hiện thời, theo luật quốc tế, 5 nước quanh Bắc cực - Nga, Mỹ, Canada, Na Uy và Đan Mạch - chỉ có quyền khai thác về mặt kinh tế trong khu vực 200 hải lý ngoài khơi nước mình. Không nước nào được quyền tuyên bố sở hữu Bắc cực và 5 nước trên có thời hạn 10 năm để chứng minh phần diện tích Bắc cực nằm ngoài phạm vi 200 hải lý là của mình.

Đã có những đề nghị như của Nghị viện châu Âu cho rằng Bắc cực nên là một vùng không thuộc chủ quyền quốc gia nào mà được quản lý dưới hình thức đa phương, tương tự như Công ước Washington ký năm 1959 đưa ra các quy chế với Nam cực.

Thế nhưng, khó ai có thể nghĩ rằng với các lợi ích khổng lồ đang ngày càng hấp dẫn, các cường quốc tiếp giáp với Bắc cực sẽ chấp nhận chia sẻ với những đối thủ ngoài khu vực.


HẠNH CHI
(Tổng hợp từ Reuters, NY Times)

Tin cùng chuyên mục