Khép lại vụ mùa năm 2010 là một năm thắng lợi lớn của ngành nông nghiệp Việt Nam. Nhưng đối với diêm dân tại các tỉnh miền Trung nói riêng và cả nước nói chung, thực tế ngược lại, họ khánh kiệt sau một mùa muối thất bát. Sang vụ mới, muối vẫn đắng...
Mới vào vụ đã... buồn
Ở xã Trí Hải, huyện Ninh Hải, nơi được coi là “thủ phủ muối” của tỉnh Ninh Thuận. Thời tiết đang nắng gắt là điều kiện thuận lợi cho các diêm dân ra đồng làm muối, nhưng khổ thay, trên những cánh đồng muối ấy lại thưa thớt diêm dân.
Chị Lê Thị Hải, một diêm dân cho biết: Hiện giá muối chỉ có 300 đồng/kg; ruộng muối nhà nào đẹp (có độ trắng cao) cũng chỉ bán được giá 350 đồng/kg, với giá này, chỉ sản xuất cầm chừng chứ chẳng có lãi. Nếu vào chính vụ, lượng muối sản xuất nhiều, diêm dân đang lo giá muối sẽ thê thảm hơn.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, vụ năm trước giá muối đã quá thấp, diêm dân lại không bán được. Do đó, vào vụ mới, chẳng ai còn hào hứng với chuyện sản xuất muối và chẳng có tiền tái đầu tư. Nhiều diêm dân đã bỏ xứ đi làm thuê cho các lò hấp cá, làm công theo thời vụ... hy vọng kiếm cơm qua ngày.
Theo ông Lê Minh An, Chủ tịch UBND phường Ninh Diêm, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), hiện toàn phường tồn khoảng 1.000 tấn muối, chưa vào vụ mà giá chưa tới 400 đồng/kg, bà con sợ vào vụ giá tiếp tục rớt xuống sẽ lỗ nặng. Năm 2010, xã không bán được tấn muối nào theo chương trình mua muối tạm trữ của Chính phủ, đời sống bà con diêm dân hiện đang rất khó khăn.
Khó bám trụ với nghề
Cũng như diêm dân ở các vùng muối tại miền Trung, vụ muối mới đã bắt đầu, nhưng toàn thị xã Ninh Hòa tồn đọng trên 3.000 tấn từ năm cũ. Khoảng 600 hộ dân sản xuất muối đang lâm vào cảnh làm cũng không có lãi để trang trải cuộc sống. Nếu sản xuất để nông dân có lãi, tính ra trung bình mỗi ký muối phải đạt giá từ 800 - 900 đồng. Do đó, diêm dân đang rất lúng túng vì muối cũ bán chưa hết, muối mới sản xuất lo bán không ai mua, chỉ còn biết trông chờ vào chính sách bình ổn giá của Nhà nước và sự tạo điều kiện cho vay vốn từ các ngân hàng.
Theo UBND thị xã Ninh Hòa: Đa số diêm dân Ninh Hòa còn sản xuất muối theo phương pháp thủ công nên chất lượng muối thấp, bán ít chạy và thường bị ép giá. Nhưng, nếu sản xuất muối theo công nghệ phủ bạt để nâng cao chất lượng muối thì diêm dân gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư. Trong các kênh vay vốn, diêm dân cũng là đối tượng ít được ưu tiên vay vốn vì các ngân hàng không muốn “mạo hiểm” đồng vốn của họ.
Mặt khác, sản xuất muối theo công nghệ phủ bạt đòi hỏi ruộng muối phải có diện tích rộng lớn. Đây cũng là một cái khó cho diêm dân, khiến họ cứ rơi vào vòng luẩn quẩn, chưa thể ứng dụng sản xuất muối theo các phương pháp mới.
Cứ đà này, khi hạt muối làm ra không bán được, hoặc bán với giá rẻ mạt, người làm muối lại rơi vào cảnh khốn đốn và phần lớn phải bỏ xứ, tha phương lên Tây Nguyên hoặc vào Nam làm thuê kiếm sống.
VĂN NGỌC