Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ cần động lực mới để phát triển

Nhiệm vụ và yêu cầu đặt ra của Ban Chỉ đạo khi thực hiện tổng kết là tham mưu, đề xuất được với Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết mới nhằm định hướng phát triển cho vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ trong thời gian tới, phù hợp với bối cảnh tình hình mới và yêu cầu, đòi hỏi mới trong phát triển của vùng và cả nước.

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW phát biểu tại hội thảo
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW phát biểu tại hội thảo
Đó là nhấn mạnh của đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW tại hội thảo “Phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Cũng theo đồng chí Trần Tuấn Anh, vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ là 1 trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước; gồm có 14 tỉnh, thành phố từ tỉnh Thanh Hóa đến tỉnh Bình Thuận, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước với thềm lục địa rộng lớn, 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; có điều kiện giao thông thuận lợi nhất trong các vùng của cả nước với đường sắt Bắc - Nam dài hơn 700km, nhiều cảng biển, cảng hàng không quốc tế lớn và hành lang kinh tế Đông - Tây gắn kết với Lào, Campuchia, Đông Bắc Thái Lan, Myanmar; là khu vực có điều kiện mở rộng giao lưu kinh tế, gần đường hàng hải quốc tế, cửa ngõ của các tỉnh Tây Nguyên.

Sau hơn 18 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW, vùng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Kinh tế vùng tăng trưởng 7,3%/năm trong giai đoạn 2005-2020, cao hơn trung bình cả nước; quy mô kinh tế vùng được mở rộng, đạt trên 1,1 triệu tỷ đồng vào năm 2020, chiếm 14,53%GDP cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 56,91 triệu đồng/người/năm…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế của vùng. Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ vẫn phát triển dưới mức trung bình cả nước; một số lợi thế về địa kinh tế và kinh tế biển chưa được khai thác và phát huy hiệu quả. Mặc dù chiếm trên chiếm 28% diện tích tự nhiên và chiếm 20,8% dân số cả nước nhưng quy mô kinh tế của vùng có tỷ trọng nhỏ, chiếm 14,53%GDP cả nước; GRDP/người của vùng thấp, chỉ bằng 0,69 lần bình quân của cả nước; tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào đầu tư từ ngân sách nhà nước và vốn FDI; chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng còn chậm, chưa có sự đột phá; quy mô công nghiệp của vùng còn nhỏ và có tốc độ tăng trưởng công nghiệp thấp; tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn còn khá lớn, sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún; phát triển du lịch chủ yếu theo chiều rộng, thiếu sản phẩm du lịch có chất lượng cao; thu ngân sách chưa bền vững, phần lớn các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách…

Trước thực trạng như vậy, nhất là trong bối cảnh tình hình mới, Bộ Chính trị giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì phối hợp với các Bộ ngành và các địa phương triển khai đề án tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ, Duyên hải Trung bộ đến năm 2010 và Kết luận số 25-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW.

Phát biểu tại hội thảo, TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng, cần tập trung vào thách thức lớn nhất của Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ là nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lượng chất lượng cao. Tiếp theo là cần có chính sách phát triển các trụ cột phát triển kinh tế biển; vấn đề liên kết vùng.

Theo TS Trần Du lịch, liên kết vùng tập trung vào 4 vấn đề: các chính sách, phân bố: Tập trung lĩnh vực gì dựa trên toàn vùng; liên kết phát triển giao thông vùng, ngoài đường ven biển, đường cao tốc Bắc - Nam thì đường “xương cá” gắn với vùng Tây Nguyên; hệ thống giáo dục: phải tổ chức hệ thống đào tạo chung; xây dựng hệ thống bảo vệ môi trường chung.

 TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương: Vùng cần cải thiện mạnh mẽ, nhất quán môi trường kinh doanh
Theo TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, vùng cần cải thiện mạnh mẽ, nhất quán môi trường kinh doanh. Chủ tịch tỉnh phải thường xuyên quan tâm, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của cá nhân và lãnh đạo tỉnh; liên tục theo dõi, đánh giá và chỉ đạo thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, chỉ đạo xử lý các vấn đề, tháo bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Trong kế hoạch 5 năm và hàng năm, phải có chỉ tiêu về số lượng doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh; có chương trình chuyên đề về khuyến khích, hỗ trợ thành lập doanh nghiệp trong ngành sản xuất, chế tác chế tạo và phát triển chuỗi cung ứng… Bên cạnh đó là tăng chất lượng doanh nghiệp mới thành lập bằng các chương trình cung cấp dịch vụ hướng dẫn người thành lập doanh nghiệp; thực hiện các chương trình cung cấp dịch vụ hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn, tạm dừng hoạt động…

Theo kế hoạch, dự thảo báo cáo tổng kết sẽ được báo cáo Bộ Chính trị vào giữa tháng 9.

Tin cùng chuyên mục