Vụ án Vang Pao

Bài 1: Âm mưu bại lộ!

Kịch bản khủng bố
Bài 1: Âm mưu bại lộ!

Hãng tin AP cho biết, 11 bị cáo, trong đó có Vang Pao, trong âm mưu lật đổ Chính phủ Lào vào năm 2007 có khả năng không được xét xử cho đến năm 2010 bởi tính phức tạp của vụ việc - theo công tố viên Liên bang Hoa Kỳ. Ngày 23-4-2008, các luật sư đã được triệu đến tòa tại Sacramento (California) lần đầu tiên sau 9 tháng và phiên điều trần tiếp theo dự kiến được tổ chức vào tháng 9-2008. Hiện thời, luật sư bên bị đang xem xét 37.000 trang chứng cứ và băng ghi âm các buổi gặp mặt của nhóm khủng bố Vang Pao. Chuyên gia phóng sự điều tra Tim Weiner - tác giả quyển Legacy of Ashes (viết về CIA; đoạt giải Sách quốc gia Mỹ năm 2007) - đã lật lại hồ sơ Vang Pao trên New York Times Magazine số 11-5-2008…

Kịch bản khủng bố

Bài 1: Âm mưu bại lộ! ảnh 1

Sáng sớm 4-6-2007, nhân viên an ninh Liên bang Hoa Kỳ bất ngờ đập cửa ngôi nhà hai tầng của Vang Pao tại Westminster (California) và giải đương sự đi trước sự sửng sốt của người nhà. Cùng lúc, khoảng 200 nhân viên liên bang khác cũng thực hiện chiến dịch tóm 9 kẻ khác, trong đó cựu trung tá Harrison Jack thuộc lực lượng Cảnh vệ quốc gia California (từng tham chiến tại Việt Nam).

Vụ việc bắt đầu khi nhóm Vang Pao mua súng máy, thuốc nổ, tên lửa đất đối không, hỏa tiễn vác vai và nhiều loại thiết bị quân sự khác nhằm mở chiến dịch quân sự quy mô tấn công Vientiane! Số vũ khí trị giá tổng cộng 9,8 triệu USD với 150.000 USD tạm ứng. Theo kịch bản, nhóm khủng bố sẽ đưa vũ khí vào một địa điểm bí mật tại Thái Lan rồi tuồn qua biên giới Lào vào cuối tháng 6.

Vài thành viên nhóm Vang Pao thậm chí đã mang theo 10.000 USD/người vào Thái Lan để chuẩn bị thanh toán nốt phần còn lại (trong chiến dịch đột kích nhóm Vang Pao, nhân viên an ninh Liên bang Mỹ đã tịch thu 170.000 USD tiền mặt, chứng từ tài chính và 10 bánh thuốc phiện). Kế hoạch khủng bố Lào đã được nhóm Vang Pao lên kịch bản từ ít nhất 6 tháng với chiến dịch do thám bên trong lãnh thổ Lào (cải trang khách du lịch và chụp hình nhiều cơ quan nhà nước Lào).

Trong số mục tiêu tấn công, có dinh hoàng gia và nhiều trụ sở chính phủ tại trung tâm Vientiane, nhằm “phá hủy các cơ sở chính phủ và biến chúng trông như thảm kịch Trung tâm Thương mại thế giới tại New York ngày 11-9-2001”. Loạt cuộc gặp tuyệt mật giữa những kẻ liên quan được thực hiện nhiều tháng tại các nhà hàng thuộc khu vực Sacramento (California) và nhóm khủng bố không hề biết chúng đã bị theo dõi bởi nhân viên chìm ATF (Cơ quan quản lý thuốc nổ-vũ khí-thuốc lá-rượu). Tính nguy hiểm vụ việc còn ở chỗ nhóm Vang Pao thậm chí dự tính thuê các cựu binh đặc nhiệm bộ binh Mỹ (Ranger) và đặc nhiệm hải quân (SEAL) để “bằng mọi giá lật đổ chính phủ cộng sản Vientiane”!

Dính dáng cả thượng nghị sĩ Mỹ

Cụ thể, ngày 7-2-2007, một nhân viên ATF (cải trang làm người môi giới thương vụ vũ khí) đã bí mật ghi âm buổi ăn trưa giữa Vang Pao và 10 đồng bọn tại một nhà hàng Thái Lan ở Sacramento. Kế đó, cả bọn đi bộ ra ngoài xem “hàng mẫu” giấu trong một thùng xe hơi. Ngày 15-2, Harrison Jack điện thoại cho tay nhân viên ATF, nói rằng mọi việc đều suôn sẻ và chỉ chờ ngày gom tiền, rằng nhóm Vang Pao đã đồng ý mua số vũ khí trị giá 9,8 triệu USD.

Theo kế hoạch từng bước, 50.000 USD sẽ được trả vào ngày 4-6 tại Bangkok; thêm 50.000 USD được trả vào ngày 5-6 tại địa điểm gần biên giới Lào để được nhận 125 khẩu AK-47, 20.000 băng đạn và nhiều thùng lựu đạn khói. Tiếp đó, ngày 19-6, 50.000 USD sẽ được trả để được nhận tên lửa vác vai Stinger dùng bắn trực thăng quân đội Lào…

Tình tiết vụ việc càng đáng chú ý khi dính dáng cả Thượng nghị sĩ (cấp tiểu bang) Gary George, người vừa mãn hạn tù đầu năm 2007 với bản án bốn năm tội nhận hối lộ. George từng kiếm phiếu cử tri cộng đồng H’mong - Lào thời còn làm nghị sĩ bang (năm 2003, George đã yêu cầu cấp 3 triệu USD để xây một trung tâm văn hóa H’mong nhưng bị Thống đốc Jim Doyle phủ quyết). Cựu Tùy viên Locha Thao của Gary George chính là một trong 10 kẻ bị bắt vào ngày 4-6.

Vụ bắt Vang Pao xảy ra chỉ 12 ngày sau khi viên chức hạt Madison làm lễ động thổ cho ngôi trường được đặt tên “Trường tiểu học tướng Vang Pao” (dự kiến khánh thành mùa thu 2008), bất chấp loạt ý kiến phản đối trong đó có giáo sư sử học Alfred McCoy, tác giả công trình nghiên cứu công phu về hoạt động buôn ma túy của CIA tại Đông Nam Á thời chiến tranh Việt Nam…

Sinh năm 1931 tại tỉnh Xieng Khouang (Lào), Vang Pao gia nhập hàng ngũ kháng Nhật thời Thế chiến thứ hai; trở thành sĩ quan quân đội Pháp nhưng sau đó theo Mỹ chống cộng khi Pháp đại bại tại Đông Dương. Năm 1961, Vang Pao được CIA “bổ nhiệm” làm thủ lĩnh nhóm phiến quân khoảng 9.000 người. Hai năm sau, đích thân nội các John F. Kennedy chuẩn y kế hoạch thành lập đội quân bí mật 20.000 lính với 14 tiểu đoàn do Vang Pao thống lĩnh.

Chuyên gia đảo chính Edward Landsdale (một trong những gương mặt cộm cán can thiệp sâu vào chính trị Nam Việt Nam trước và trong thời Ngô Đình Diệm) chính là kẻ tổ chức chương trình chống cộng tại Đông Nam Á, trong đó có Lào. Theo lệnh Landsdale, từ đầu thập niên 1960, viên chức CIA James William Bill Lair - làm việc tại Thái Lan - đã bí mật xây dựng lực lượng bán vũ trang huấn luyện người H’mong để đánh phá cộng sản Bắc Việt tại vùng giáp giới. Công tác trên phù hợp với một người như Bill Lair: nói tiếng Thái sõi như tiếng mẹ đẻ, lấy vợ Thái (xuất thân từ một gia đình quyền quý Bangkok) và am hiểu văn hóa địa phương.

Vang Pao trở thành “lính ruột” của Bill Lair, như từng là học trò của tình báo Pháp thập niên 1950. Năm 1964, Vang Pao được phong làm tổng tư lệnh “Quân đội Hoàng gia Lào”, quy tụ hàng ngàn chiến binh H’mong được CIA trả lương 0,10 USD/ngày. Dùng tiền CIA, Vang Pao mua gạo phát cho cộng đồng H’mong để lôi kéo họ .


Bài 2: Quân bài “hết hạn sử dụng”

Phúc cẩm

Tin cùng chuyên mục