
Đầu tiên là nhà quay phim Phạm Hoàng Nam, kế đó là thạc sĩ Trần Khải Hoàng – trưởng phòng kinh doanh xin ra khỏi biên chế. Mới đây thêm việc đạo diễn Lê Hoàng xin nghỉ 2 năm. Và đặc biệt là trường hợp của nữ đạo diễn Việt Linh – một đảng viên, người gắn bó với Hãng phim Giải Phóng từ những ngày chống Mỹ cũng làm đơn xin nghỉ. Hai đạo diễn kỳ cựu nữa là Đào Bá Sơn và Vinh Sơn, họa sĩ Mã Phi Hải cũng đang phân vân. Cán bộ, công nhân viên của Hãng phim Giải Phóng đều cho đây là một hiện tượng bất bình thường, tuy nhiên…
- Lời những người ra đi…
Nghệ sĩ Phạm Hoàng Nam, một nhà quay phim giỏi của Hãng phim Giải Phóng, gắn bó với hãng trên 10 năm, tâm sự: “Tôi đã suy nghĩ suốt 2 năm và viết đơn đến 10 lần. Trong thâm tâm tôi không cho rằng mình thực sự rời khỏi hãng. Tôi nghĩ với các nghệ sĩ khác cũng vậy, dù đi đâu nhưng tình cảm chúng tôi vẫn dành trọn vẹn cho hãng. Tận đáy lòng tôi vẫn luôn cảm thấy áy náy. Tôi không phải là người thấy ngôi nhà chung sắp tan hoang mà lại quay lưng nhưng sự gắng sức của mình chỉ như muối bỏ biển. Là nhân viên, tôi phải chấp hành mệnh lệnh của ban giám đốc, nhưng là một nghệ sĩ tôi không thể làm trái với lương tâm mình. Sự can thiệp thô bạo của ban giám đốc hãng vào các đoàn làm phim khiến người nghệ sĩ cảm thấy mất tự do. Hãng bây giờ thu nhận một loạt người mới vào, nhưng không ai trội hơn những người cũ. Riêng đạo diễn đã hơn 10 người. Vậy mà 1 năm chỉ làm có 1 phim…”.

“Lấy vợ Sài Gòn” là bộ phim được thực hiện từ kinh phí giải ngân của 2 phim trong kế hoạch năm 2004.
Ảnh: HOÀNG CHINH
Đạo diễn Lê Hoàng làm đơn xin nghỉ 2 năm, cho biết: “Thực ra, tôi đệ đơn xin nghỉ 2 năm như vậy cho lịch sự thôi. Tôi cũng xin nói thẳng, nếu hôm nay là ngày kết thúc của 2 năm mà tình hình hãng vẫn vậy, tôi sẽ nghỉ luôn. Đối với tôi quyết định này vừa dễ lại vừa khó. Đối với một nghệ sĩ thì tác phẩm mới là quan trọng, và đi đâu tôi cũng có cơ hội làm phim. Còn khó là về mặt tình cảm. Hãng phim Giải Phóng là nơi tôi đã gắn bó hai chục năm. Tâm trạng chung của mọi người là không tin vào tương lai của hãng, cảm thấy sự vận hành của hãng đang có sự bất ổn. Ngoài chính sách đãi ngộ đối với nghệ sĩ của hãng đầy bất hợp lý, người nghệ sĩ không thấy thỏa đáng với phương hướng nghệ thuật mà hãng đang chọn…”.
Còn đạo diễn Việt Linh hiện đang ở Pháp. Chị trả lời chúng tôi qua e-mail về quyết định xin nghỉ của mình: “Đó là một quyết định khó khăn và đau đớn, bởi tôi là nghệ sĩ duy nhất còn lại của Hãng phim Giải Phóng từ thời chiến khu, đã gắn bó chung thủy với hãng từ năm 1969 đến bây giờ! Tôi quyết định ra đi vì thấy mình vô ích, lạc lõng, xa lạ với đường hướng tương lai của hãng. Tôi chưa biết sẽ đi đâu nhưng đơn giản vì không muốn ăn bám, hưởng thụ những quyền lợi không phải do mình làm ra”.
Việc hàng loạt các nghệ sĩ xin nghỉ, chuyển công tác trở thành nỗi băn khoăn chung của cán bộ công nhân viên Hãng phim Giải phóng. Với trường hợp đạo diễn Việt Linh, cú sốc có vẻ nặng nề hơn. Theo nhà quay phim Phạm Hoàng Nam và đạo diễn Văn Lê thì sự ra đi của Việt Linh là dễ hiểu, vì những cư xử rất bẽ bàng đối với chị - người mang lại không ít thành quả vật chất lẫn tinh thần cho hãng. Còn theo Xưởng trưởng xưởng phim truyện Dương Minh Hoàng: “Phạm Hoàng Nam, Lê Hoàng, Việt Linh… ra đi không chỉ là nỗi buồn, mà là nỗi đau, là mất mát lớn của Hãng phim Giải Phóng. Làm ở đây mấy chục năm, không ai hiểu các anh em đó bằng tôi, có lẽ mọi người chờ hiệu quả của sự đổi mới nhưng tới giờ này vẫn chưa có…”.
Những người ở lại có lẽ số phận cũng không dễ dàng hơn. Ngôi sao phim tài liệu của hãng – đạo diễn Văn Lê đã thốt lên: “Có một điều gì thực sự không ổn đang xảy ra. Cảm giác tan rã? Từ không khí vui vẻ, thân thiện, giờ đây cơ quan như có người bệnh mà bệnh âm ỉ, mãi không khỏi. Tôi rất chán nản, nhưng là người gắn bó lâu năm với hãng, không thể để một hãng phim trưởng thành từ kháng chiến, là tâm huyết của biết bao người ngày càng đi xuống”.
Nhiều người không thể không đặt câu hỏi, ở Hãng phim Giải Phóng, điều gì đang diễn ra?
- Vì sao Hãng phim Giải Phóng không hoàn thành kế hoạch?
Hai năm qua, nhìn bề ngoài Hãng phim Giải Phóng tưởng chừng đang có một sự đổi mới. Chỉ trong vòng 2 năm, 2 bộ phim “Gái nhảy” và “Lọ lem hè phố” đã mang về cho hãng hơn 10 tỷ đồng. “Mê Thảo – Thời vang bóng” đang phát hành rất tốt tại Pháp và chuẩn bị bán cho Mỹ. Những bộ phim khác do các đạo diễn Việt kiều về nước thực hiện như “Thời xa vắng”, “Mùa len trâu” gây tiếng vang không chỉ trong nước mà cả quốc tế. “Mùa len trâu” đoạt 4 giải thưởng quốc tế. “Thời xa vắng” được khán giả trong cả nước đánh giá cao. Thế nhưng, toàn bộ kết quả này trên thực tế đều gối đầu từ vài năm trước.

Hãng phim Giải Phóng tự hào có phần hùn ở Cinebox nhưng phim của hãng cũng không thể vô rạp...
Ảnh: HẠ CHINH
Năm 2004, lần đầu tiên Hãng phim Giải Phóng không hoàn thành kế hoạch. 4 kịch bản được duyệt gồm “Trăng nơi đáy giếng”, “Mối tình đầu của Hồ Xuân Hương”, “Thạch thảo”, “Gió thiên đường” không phim nào được bấm máy. Giám đốc Hãng phim – ông Lê Đức Tiến cho biết: “Hãng đã giải ngân 3 chỉ tiêu phim kế hoạch, huy động vốn làm một phim chiếu Tết”.
Đó cũng là lý do khiến cho đạo diễn Vinh Sơn không thể thực hiện được bộ phim “Trăng nơi đáy giếng” với kinh phí bị cắt xén chỉ còn hơn 1/3, dù đã cố gắng xin thêm vài chục triệu cho đủ chi phí tối thiểu để làm phim nhưng vẫn bị từ chối. Thậm chí đạo diễn còn “được” đề nghị đi... Củ Chi tìm bối cảnh giống Huế để tiết giảm chi phí làm phim!
Với lý do tương tự, đạo diễn Đào Bá Sơn cũng phải trả phim “Mối tình đầu của Hồ Xuân Hương”. Anh cho biết: “Ban giám đốc dự trù kinh phí cho bộ phim “Mối tình đầu của Hồ Xuân Hương” là 500 triệu đồng. Tôi không thể làm được. “Mối tình Hồ Xuân Hương” là phim lịch sử. Trong đó, phải dựng lại bối cảnh lịch sử như nhà cửa, công đường, trường thi, phục trang, đạo cụ… của giai đoạn cuối đời nhà Lê, đầu nhà Nguyễn tại thành Thăng Long và một số làng mạc Bắc bộ. Tôi muốn bộ phim này được sản xuất trên cơ sở trung thành một cách tương đối nhất với lịch sử”.
Ngoài kinh phí, cũng còn một lý do khác. Xưởng phim truyện của hãng bị mất vai trò chủ động từ gần 2 năm nay. Các khâu từ chọn đạo diễn, hạch toán kinh phí, cử chủ nhiệm phim đều do giám đốc quyết định. Kinh phí làm phim không hề được công khai. Ai cũng có thể làm chủ nhiệm trừ những người đang là chủ nhiệm chính thức của hãng. Có lẽ điều này cũng là một trong những lý do khiến cho một số phim không thể quyết toán được. Ở xưởng phim tài liệu, theo thông tin từ các nghệ sĩ, hiện có 3, 4 kịch bản đã được duyệt nhưng không được đưa vào sản xuất. Trong khi đó, giám đốc ép nghệ sĩ làm những bộ phim khác. Tiền nhuận bút của anh em nghệ sĩ thì nợ dài dài.
HÀ GIANG