Vụ thảm sát đẫm máu tại trường đại học Công nghệ Virginia, Mỹ

Bài 1: Nước Mỹ bàng hoàng

Bài 1: Nước Mỹ bàng hoàng

Trong đoạn băng video mà Cho Seung-hui (hung thủ vụ thảm sát kinh hoàng tại Trường Đại học Công nghệ Virginia - Mỹ, ngày 16-4) gửi cho đài truyền hình NBC có đoạn y tự so sánh mình với chúa Jesus. Cho cho biết, khi thực hiện đoạn video này, y muốn cả nước Mỹ sẽ kinh hoàng và đau đớn, lắng nghe và ghi nhớ mãi những lời của y. Có nhiều câu hỏi và bí ẩn được đặt ra sau khi xem xong nội dung của đoạn băng mà kẻ sát nhân để lại.

Đại học Virginia - ngày kinh hoàng

Bài 1: Nước Mỹ bàng hoàng ảnh 1

Hôm 20.04, những vị sư Hàn Quốc gắn tên những nạn nhân vào những chiếc đèn lồng để tưởng nhớ họ trong buổi lễ cầu siêu tại đền Chogye, Seoul. (Ảnh AFP)

Xin được tóm tắt lại vụ việc: hơn 7 giờ sáng ngày 16-4, sau khi cãi nhau với bạn gái và cho rằng cô bạn này có quan hệ với người khác, Cho Seung-hui đã rút súng bắn chết cô và bắn luôn cả một người đàn ông được gọi tới để can ngăn trong một căn phòng thuộc tầng 4 ký túc xá West Ambler Johnston Hall. Sau khi hạ sát hai người, Cho Seung-hui trở về phòng với thái độ hằn học và giận dữ.

Ngay sau đó đội bảo vệ an ninh thuộc trường đại học Virginia cùng cảnh sát đã cho phong tỏa khu vực ký túc xá, ra lệnh cho mọi sinh viên ở yên trong phòng. Nhưng vụ nã đạn thứ hai lại xảy ra ngay 2 giờ sau đó. Mọi hành động phòng thủ của lực lượng cảnh sát và bảo vệ trường dường như quá chậm so với sự tàn sát điên cuồng của kẻ sát nhân. Tên cuồng sát đã đi từ phòng học này đến phòng khác của khu giảng đường Norris Hall và xả súng bắn chết thêm 30 nạn nhân, làm bị thương 14 người khác rồi hắn tự sát.

“Muốn cả nước Mỹ đau đớn”

Bức thư đánh máy dài 8 trang giấy thu được tại phòng của Cho ở ký túc xá cho thấy Cho đã chán ghét và hận thù cuộc sống từ lâu. Theo nguồn tin từ tờ Chicago Tribune, trong thời gian sống tại ký túc xá, Cho từng gây hỏa hoạn, từng có hành động quấy rối và bám đuôi những nữ sinh cùng trường và có lúc bị đưa vào viện tâm thần.

Còn trong đoạn băng mà Cho gửi đến cho đài truyền hình NBC, có nhiều hình ảnh Cho giống như một nhân vật trong phim bạo lực, tay cầm súng chĩa vào ống kính máy quay, hai tay giơ búa lên đe doạ tấn công người khác. Cho luôn miệng chửi rủa, căm phẫn những bạn sinh viên cùng trường. Kẻ sát nhân tự so sánh mình với chúa Jesus. Y nói như đang đổ tội cho ai đó hoặc cho một điều gì đó. Cho cho biết y muốn cả nước Mỹ sẽ kinh hoàng và đau đớn, lắng nghe và ghi nhớ mãi những lời của y.

Khi tiến hành cuộc xả súng điên cuồng này, Cho đã lên kế hoạch rất tỉ mỉ, y khóa trái các cửa phòng học lại để ngăn không cho các nạn nhân có thể thoát ra ngoài. Y bắt những sinh viên phải đứng dàn hàng dọc các bức tường trong lớp và lạnh lùng bắn từng người một theo kiểu xử tử. Y ra tay một cách lạnh lùng và sẵn sàng bắn ngay cả một thầy giáo khi vị này chống cự không cho y vào lớp.

Cho đã hành động như một bản sao của phim hành động bạo lực. Nhiều câu hỏi được đặt ra sau khi xem xong nội dung của đoạn băng mà kẻ sát nhân để lại. Người ta vẫn chưa thể hiểu hết động cơ cuồng sát kinh hoàng của một sinh viên đang ngồi ghế nhà trường.

Hành động theo kiểu Mỹ

Bài 1: Nước Mỹ bàng hoàng ảnh 2

Các nữ sinh trung học  khóc thương tưởng nhớ những nạn nhân trong vụ thảm sát. (Ảnh AP)

Dư luận cho rằng những ảnh hưởng tiêu cực từ những bộ phim hành động bạo lực vô bổ đã khiến nhiều trẻ em ở độ tuổi thanh thiếu niên ở Mỹ không tự chủ được hành vi của mình, từ đó dẫn đến những hậu quả không lường. Bên cạnh đó, lối sống tự do quá trớn, thích hưởng thụ cũng dẫn đến nhiều mặt tiêu cực trong giới trẻ Mỹ.

Vụ thảm sát ở Virginia không phải là vụ thảm sát tại học đường ở Mỹ đầu tiên. Năm 1966 tại trường ĐH Texas, tay súng Charles Whitman đã leo lên tháp đồng thuộc tầng 28 nhả súng làm hơn chục người chết và nhiều người khác bị thương. Thủ phạm sau đó bị cảnh sát bắn hạ. Năm 1999, hai trẻ vị thành niên đã xả súng giết chết 12 bạn học và 1 giáo viên trước khi tự sát tại trường trung học Columbine tại thành phố Littleton, bang Colorado. Thế nhưng chính quyền Mỹ đã rút ra được những bài học gì từ những vụ thảm sát kinh hoàng này.

Theo thống kê của trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh ở Mỹ (CDC), năm 2003, nước Mỹ có hơn 25.000 nam giới tự tử, phần lớn trong số này sử dụng những dụng cụ như súng đạn để tự kết liễu đời mình. Nguyên nhân chính dẫn đến những tình trạng tự sát bằng súng là do cẳng thẳng trong học hành, công việc, lo âu, suy nhược thần kinh và thể chất, chán nản do ảnh hưởng của lối sống tất bật, quay cuồng của guồng máy xã hội Mỹ. Bên cạnh đó là việc lạm dụng các thức uống có cồn, chất gây nghiện phổ thông nên giới trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt tinh thần và tâm lý.

Liệu Mỹ có là “thiên đường tự do” hay không, khi ngay trong lòng nó chứa chất những bất ổn, đầy rẫy những tệ nạn và sự bất an đối với cộng đồng xã hội và giới trẻ nói riêng. 

Cho Seung-hui sinh tại Hàn Quốc trong một gia đình có hai chị em. Cha của y là ông Cho Seong-tae, 61 tuổi, làm nghề giặt ủi. Khi còn ở Hàn Quốc, gia đình Cho sống trong một căn hộ nhỏ tại khu cư xá bình dân thuộc ngoại ô Seoul. Năm 1992, cha của Cho quyết định đưa cả gia đình sang Mỹ để tìm kiếm một cơ hội tốt hơn cho các con.

Cho năm nay 23 tuổi, đang theo học năm cuối khoa Ngữ văn Anh thuộc trường đại học Virginia và ở trọ tại ký túc xá nhà trường. Chị gái của Cho là Sun Kyung Cho, tốt nghiệp khoa kinh tế, đại học Princeton và đang làm việc cho một cơ quan chi nhánh thuộc Bộ ngoại giao Mỹ.

Thầy cô, bạn bè, những người xung quanh và chị gái của Cho đều cho biết tính tình của y rất kỳ quặc, ít nói, lầm lì. Cho thường bám theo các sinh viên nữ một cách không bình thường, điều này làm cho các nữ sinh e ngại và thường tránh gặp Cho. Nhiều lần Cho Seung Hui bí mật chụp ảnh các bạn nữ từ dưới gầm bàn và bị phản ứng gay gắt. Trong trường học, Cho thường hay tỏ thái độ ganh tị và căm ghét những sinh viên gia đình khá giả…

Trả lời phỏng vấn hãng tin AP hôm 20-4, cô Sun-Kyung Cho, chị gái của Cho Seung- Hui nói: "Em trai tôi đã làm cho cả thế giới phải đau đớn. Hiện gia đình chúng tôi đang sống trong ác mộng".

Cô Sun Kyung Cho gửi lời chia buồn sâu sắc và xin lỗi về những hành động đáng ghê tởm mà em trai cô gây ra và nhấn mạnh đó quả là một thảm kịch cho gia đình cô và gia đình các nạn nhân xấu số. Cô nói: “Chúng tôi cầu nguyện cho những nạn nhân và gia đình của họ. Chúng tôi cầu nguyện cho tất cả những người bị thương, cho tất cả những người mà cuộc sống của họ thay đổi mãi mãi vì những gì họ chứng kiến hoặc đã trải qua. Mỗi một nạn nhân đều có biết bao tình yêu, tài năng và sự cống hiến, nhưng cuộc sống của họ đã bị cắt ngang bởi hành động kinh tởm và đáng nguyền rủa của em trai tôi. Gia đình chúng tôi thật nhục nhã và khổ sở bởi việc này. Cho chính là đứa em đã cùng lớn lên với tôi và tôi đã từng yêu thương nó. Nhưng giờ đây tôi cảm thấy như là tôi không biết về con người này”.

Thùy Mai (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục