Việc gì khó có thanh niên
| |
Tốt nghiệp Trường Trung cấp Xây dựng miền Trung với tấm bằng loại ưu, thay vì mơ ước tạo dựng những công trình để đời ở phố thị, chàng trai trẻ Hồ Công Oanh ở bản A Đang, xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, lại về mở lớp dạy nghề thợ nề cho thanh niên bản mình. Trong khi đó, Hồ Trang lại là thanh niên đi đầu trong việc từ bỏ con đường buôn lậu để chuyển sang trồng chuối xuất khẩu, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đội thợ xây A Đang
6 năm về trước, mỗi lần nghỉ hè từ trường về quê, Hồ Công Oanh luôn cảm thấy buồn khi thanh niên Pa Cô quê mình hàng ngày chỉ biết đi bẫy con thú ở rừng Trường Sơn về ăn nhậu. Rồi say xỉn, lời qua tiếng lại dẫn đến ẩu đả… “Làm sao để bạn bè cùng trang lứa có nghề nghiệp vươn lên thoát nghèo cứ loay hoay trong đầu tôi. Tình cờ vào năm 2008, Nhà nước có chương trình 134 triển khai hỗ trợ kinh phí xóa nhà tạm cho 10 hộ dân địa phương. Nhưng tôi nghĩ xưa nay, người Pa Cô chỉ quen vào rừng đốn gỗ mang về đục đẽo, lắp ghép thành nhà sàn chứ có ai biết xây nhà đâu... Giờ rừng đóng cửa, cấm khai thác gỗ nên muốn làm nhà phải có thợ xây”, Hồ Công Danh cho biết ý tưởng thành lập đội thợ xây lóe lên từ đó.
Nghĩ là làm, tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ thuật xây dựng Trường Trung cấp Xây dựng miền Trung có trụ sở tại Đà Nẵng, Oanh lập tức khăn gói quay về bản A Đang, đề xuất với chi đoàn địa phương tập hợp thanh niên để anh dạy nghề xây dựng đã được học. Oanh chia sẻ: “Tại buổi họp chi đoàn thôn A Đang, khi mình đề xuất mở lớp dạy nghề, bất ngờ ai cũng ủng hộ nên lớp học bắt đầu ngay bằng việc triển khai xây dựng căn nhà cấp 4 cho anh Hồ Minh - một đoàn viên tiên phong theo Oanh học nghề và hiện nay đang là thợ cả dẫn dắt đội thợ nề A Đang”.
Hồ Công Oanh (bìa trái) trên công trình mà đội thợ nề A Đang đang trực tiếp xây dựng.
Cùng với hàng chục thanh niên khác làm thợ cho các chủ thầu xây dựng ở một số địa phương lân cận, đội thợ nề A Đang hiện giờ với 20 thành viên đều ở tuổi thanh niên đã trở thành địa chỉ tin cậy đối với đồng bào các dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Hy, Pa Cô, Tà Ôi sinh sống dưới chân dãy núi Trường Sơn thuộc các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.
“Anh em trong đội thợ xây A Đang giờ ai cũng cứng tay nghề nên các công trình xây dựng thiết kế quy mô cầu kỳ đến đâu tụi mình cũng làm được. Nhưng thú thật lúc đầu nếu không có bạn Oanh thì chẳng ai làm được việc gì cả”, Hồ Minh tiếp lời rồi kể tiếp: “Mình từng đi theo mấy cánh thợ xây dưới xuôi lên đây xây dựng một số công trình công cộng. Song khác ngôn ngữ lại không ai tận tình hướng dẫn nên cả mấy năm trời đi theo mà mình chỉ biết đảo hồ, cõng gạch, rửa bay. Trái lại, Oanh người cùng bản, hướng dẫn cho anh em tụi mình bằng tiếng mẹ đẻ từng chi tiết nhỏ trong việc xây dựng ngôi nhà để phù hợp với đặc thù địa hình miền núi lắm đồi, nhiều dốc… nên ai cũng tiếp thu nhanh và tích lũy thêm kinh nghiệm. Cũng nhờ có việc làm ổn định nên sau khi lấy vợ mình đã tích góp và xây dựng được căn nhà kiên cố, sắm được cả xe máy, tivi”.
Ngoài việc nhận xây nhà kiếm thu nhập, đội thợ nề A Đang còn giúp sửa chữa miễn phí nhà cho hàng chục gia đình neo đơn, khó khăn ngay tại bản A Đang. Hồ Công Oanh chia sẻ: “Mừng nhất là lớp thanh niên đi trước dạy nghề cho các bạn trẻ khác. Mới đây thêm 3 học viên ra lò từ đội thợ nề A Đang”. Hiện Hồ Công Oanh đã được bà con các bản tín nhiệm bầu làm Chủ tịch UBMTTQVN xã A Ngo nên chỉ khi nào đội thợ nề A Đang gặp sự cố trong quá trình xây dựng thì anh mới xuất hiện, tìm hướng giải quyết hoặc khắc phục. Từ đó, cánh thợ nề A Đang tự tin đi nhận và xây dựng thêm nhiều ngôi nhà lợp mái ngói đỏ tươi giữa đại ngàn Trường Sơn như ước mơ của Hồ Công Oanh thuở còn ngồi trên ghế nhà trường.
Bỏ buôn lậu sang trồng chuối
Trên đường biên giới Việt - Lào dọc theo sông Sê Pôn có khu vực vốn mang cái tên ám chỉ sự cô lập, đi dễ khó về là Lìa. Chỉ những bản người Pa Kô, Vân Kiều cô độc sinh sống rải rác quanh đó chứ ít ai dám qua lại. Đi vào chốn này, không bỏ mạng vì thổ phỉ cũng chết dần, chết mòn vì sốt rét. Thế nhưng giờ đây, đi trên con đường trải nhựa thẳng tắp qua các thôn bản của huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt mọi người là màu xanh bạt ngàn của những vườn chuối trên các triền đồi. Ít ai biết được rằng, cây chuối đang là nông sản chủ lực của vùng Lìa xuất khẩu ra nước ngoài, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho hàng ngàn đồng bào Pa Cô, Vân Kiều lại bắt đầu từ người thanh niên Pa Cô trong lần vận chuyển hàng lậu bị cơ quan chức năng truy đuổi. Đó là anh Hồ Trang ở xã Tân Long, huyện Hướng Hóa. Trong ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, Hồ Trang phấn khởi nói: “Chuối Tân Long giờ không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn trở thành nông sản xuất khẩu thu ngoại tệ. Nhiều người dân trong xã còn sang tận nước bạn Lào hợp tác để cày xới đất hoang trên đất bạn trồng chuối, cùng nhau làm giàu”.
Từng cầm đầu băng nhóm thanh niên Pa Cô chuyên chở hàng lậu, hàng cấm có tiếng tại khu vực biên giới Việt - Lào, Hồ Trang, nhớ lại: “Trong một lần tập kết hàng lậu từ sông Sê Pôn (biên giới Lào - Việt) đưa vào sâu trong nội địa cho chủ nậu và trong lần bị cơ quan chức năng truy đuổi, mình liền vứt bỏ cả xe lẫn hàng chạy tháo vào rừng thoát thân. Tình cờ phát hiện trong rẫy của vợ chồng người Vân Kiều có những bụi chuối kiểu dáng khá lạ, ăn thử thấy rất ngọt, lại có vị thơm đặc trưng. Tìm hiểu mới hay, đấy là giống chuối mật mốc (vỏ có bụi phấn trắng nhìn như nấm mốc, thịt chuối có vị ngọt như mật). Qua trò chuyện, vợ chồng người Vân Kiều đồng ý cho mình bứng những mầm chuối mang về cuốc đất, trồng thử ngay trong vườn nhà. Vụ đầu thu hoạch 50 buồng chuối đưa về TP Đông Hà bán được một khoản tiền bằng cả mấy tháng đi chở thuê hàng lậu nên mừng như trúng số độc đắc”.
Hồ Trang bên xe chuối mật mốc mới thu hoạch.
Thành công từ vụ chuối đầu tiên, sau hơn 10 năm Hồ Trang giờ đã trồng được 25ha chuối, cho thu nhập mỗi tháng trung bình 60 triệu đồng. Ông Trương Đình Tùng, Chủ tịch UBND xã Tân Long chia sẻ, điều đáng mừng là cây chuối mốc đã trở thành sản phẩm làm giàu chủ lực của các hộ dân địa phương. Hiện 100% người dân trong xã đều trồng chuối. Nay không chỉ ở Tân Long, các xã lân cận cũng bắt đầu mường tượng ra con đường xóa đói giảm nghèo cho người dân từ phát triển cây chuối. Chiến dịch vận động, hỗ trợ người dân trồng chuối được thực hiện trên toàn huyện Hướng Hóa với diện tích gần 2.000ha, gần như toàn bộ đất trống, đồi núi trọc trong vùng đều được lấp đầy cây chuối. Trung bình mỗi ngày, nông dân Hướng Hóa thu từ chuối được 400-500 triệu đồng. Mỗi năm cũng khoảng 150 tỷ đồng.
Ngoài ra, hàng trăm bà con hai xã Thuận, Tân Long còn sang tận biên giới nước bạn Lào thuê rẫy trồng chuối. Nhiều hộ trở thành tỷ phú, triệu phú từ tiền bán chuối như gia đình anh Hồ Trang, Nguyễn Dương Phước, Hồ Hoa, Hồ Thảo... Quan trọng hơn, chính họ đã mang kỹ thuật canh tác cây chuối năng suất cao và hướng dẫn bà con các huyện Mường Noòng và Savannakhẹt nước bạn Lào cùng vươn lên làm giàu từ cây chuối. Cũng từ việc trồng chuối mà những năm gần đây, trên dòng Sê Pôn cũng không còn nạn buôn hàng lậu… Thay vào đó là những chiếc thuyền chở nông dân xuôi ngược qua sông thu hoạch nông sản bên nước bạn Lào với lợi nhuận tiền tỷ một cách chính đáng từ công việc hợp tác trồng chuối ª
Văn Thắng