Bài 1: Theo dấu trà cổ

Trên bản đồ ngành trà thế giới, Việt Nam nằm trong nhóm 5 nước dẫn đầu về nguồn nguyên liệu xuất khẩu trà công nghiệp. Còn nếu nói về những gốc trà cổ thụ tuổi đời trên trăm năm, Việt Nam là quốc gia chiếm giữ số lượng và trữ lượng hàng đầu thế giới. Tìm đến từng vùng trà cổ thụ luôn là câu chuyện đầy thú vị, bởi ngoài khám phá phong vị trà đặc trưng từng vùng miền, đó còn là hành trình tìm về cả một vùng văn hóa.
Bài 1: Theo dấu trà cổ

Trên bản đồ ngành trà thế giới, Việt Nam nằm trong nhóm 5 nước dẫn đầu về nguồn nguyên liệu xuất khẩu trà công nghiệp. Còn nếu nói về những gốc trà cổ thụ tuổi đời trên trăm năm, Việt Nam là quốc gia chiếm giữ số lượng và trữ lượng hàng đầu thế giới. Tìm đến từng vùng trà cổ thụ luôn là câu chuyện đầy thú vị, bởi ngoài khám phá phong vị trà đặc trưng từng vùng miền, đó còn là hành trình tìm về cả một vùng văn hóa.

Báu vật Tây Côn Lĩnh

Tôi chọn tỉnh Hà Giang làm điểm khởi đầu cho hành trình theo dấu những miền trà cổ thụ nằm trong dải trà cổ của Việt Nam trải dài từ Đông Bắc sang Tây Bắc, nơi xưa kia từng lưu giữ những huyền thoại về giống trà shan tuyết quý hiếm, mọc cheo leo, chơi vơi trên những đỉnh núi mù sương mà để hái được chúng, người bản địa phải huấn luyện những chú khỉ tinh khôn để cho ra đời loại hầu trà (trà do khỉ hái). Những thêu dệt nửa thực nửa hư ấy cứ khiến người miền xuôi như tôi tò mò, muốn một lần mục sở thị giống trà huyền thoại ấy.

Tìm gặp ông Ngô Viết Thành, người đam mê và tâm huyết phát triển thương hiệu những vùng trà cổ thụ Hà Giang, được nghe ông chia sẻ những thông tin thú vị về các địa danh gắn với vùng trà cổ: “Ở Hà Giang, tất cả các huyện đều có vùng trà cổ thụ. Đó là Cao Bồ, Bó Đướt, Xín Chải, Ngài Là Thầu, Vị Xuyên, Lũng Vài, Quản Bạ... trải dọc biên giới Việt - Trung trên dãy Tây Côn Lĩnh”.

Bài 1: Theo dấu trà cổ ảnh 1

Người Dao áo dài ở thôn Nhìu Sang, xã Xín Chải, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang bên rừng trà quanh bản. Ảnh: Nguyễn Đình

Theo chân ông Thành, chúng tôi tìm đến vùng trà của người Dao, chỉ cách thành phố Hà Giang chưa đầy 50km. Cung đường ngắn nhưng có đi mới thấy thật không dễ dàng, bên là vách núi cheo leo, bên là vực sâu hun hút. Chúng tôi phải dùng các phương tiện, từ xe U-oát đến xe máy, rồi đi bộ, vượt những con dốc cao ngửa mặt, qua đường mòn quanh co, trơn trượt, đầy nguy hiểm mới đến được vùng trà giữa lưng chừng núi của cộng đồng người Dao áo dài thôn Nhìu Sang, xã Xín Chải, huyện Vị Xuyên, nơi có khoảng 20 nóc nhà quây quần bên rừng trà cổ thụ.

Chúng tôi vào bản và được cụ Càn, người cao tuổi nhất thôn Nhìu Sang, kể về cây trà cổ thụ: “Tôi sinh ra và lớn lên ở Nhìu Sang này, đến nay đã 72 tuổi. Hồi nhỏ có nghe bố mẹ nói ở thôn mình có rừng trà, lớn lên theo bố mẹ lên nương đã thấy cây trà to rồi. Đến năm 14-15 tuổi biết hái trà đem về sao để bán. Chỉ nhớ vậy chứ chẳng biết trà có từ bao giờ và do ai trồng. Sau mỗi vụ trà bố mẹ dạy phải biết chăm sóc cây, gánh phân bón cây để nó ra búp to cho mình hái. Phải giữ cây trà sống tốt để còn dành lại cho con cháu đời sau”.

Rời Xín Chải, chúng tôi đi tiếp sâu vào dãy Tây Côn Lĩnh để đến Ngài Là Thầu thuộc xã Lao Chải, huyện Vị Xuyên, một bản nhỏ của người Mông sát biên giới Việt - Trung. Theo kinh nghiệm của những người làm trà, vùng trà của người Mông bao giờ cũng là vùng ngon nhất, bởi họ thường chọn địa bàn cư trú là đỉnh núi cao, quanh năm sương mù, độ ẩm lớn, rất phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của giống trà shan cổ thụ.

Bỏ lại những vất vả của cung đường núi lên vùng trà cổ thụ để sống cùng người bản địa trong mùa hái trà đầu xuân, khi ấy mới thấm thía hết nỗi vất vả nhọc nhằn để có được những búp trà ngon mà từ bao đời qua, người Dao, Mông ở Hà Giang đã nâng niu, gìn giữ, bảo tồn như một vốn quý của bản làng, của dân tộc. Việc thu hái trà của người bản địa toàn bằng thủ công, năng suất không cao, bởi thế báu vật này vẫn còn xa lắm với miền xuôi.

Rừng trà cổ trên đỉnh Fansipan

Trong hành trình đi tìm các vùng trà cổ thụ, có thông tin trên đường lên đỉnh Fansipan, tỉnh Lào Cai, là một rừng trà nguyên sinh, thân to đến hai ba người ôm, cao hơn 40m. Nếu rừng trà cổ thụ này có thực, có thể khẳng định ngay rằng đây chính là những cây trà lớn nhất thế giới.

Được sự hỗ trợ của cán bộ vườn quốc gia Hoàng Liên, tôi khăn gói hành trang và thực phẩm cho một chuyến đi rừng với mong muốn đến tận rừng trà cổ. Dù đã từng tham gia các hành trình lên đỉnh Fansipan, nhưng chưa lần nào tôi mang cảm xúc khác lạ như chuyến đi này.

Khởi hành từ sáng sớm, chúng tôi theo chân người dẫn đường lầm lũi tiến vào rừng, độ cao lên dần, cũng là lúc những cây cổ nở hoa trắng muốt, thoảng mùi thơm nhẹ, với các mảng lá tựa lá trà hiện ra, người bạn kiểm lâm dẫn đường giới thiệu đấy là những cây thuộc họ trà, chứ không phải giống trà shan tuyết cổ thụ. Cao độ khi ấy khoảng 1.800m, còn vùng trà cổ thụ mọc ở điểm cao hơn, khoảng 2.200m-2.500m.

Bài 1: Theo dấu trà cổ ảnh 2

Rừng trà cổ thụ nguyên sinh phát hiện muộn nhất ở Việt Nam trên đỉnh Fansipan, tỉnh Lào Cai

Mất gần 4 giờ băng rừng, vượt dốc núi và sau khi tuột xuống mép vực khá sâu với vách đá phủ đầy rêu mốc, trước mắt chúng tôi là một thung lũng hoang vu, ngập dưới chân là các bụi dương xỉ dày đặc. Nhìn những mảng lá dưới các gốc cổ thụ, tôi chợt nhận ra, mình đang đứng giữa rừng trà, cây nhỏ nhất cũng có thân khoảng một người ôm, cao tít tắp.

Bứt vội đọt non nhấm nháp thử, vị chát đậm lan tỏa khắp vòm họng, kéo theo là vị ngọt nấn ná mãi như vừa nếm trải một thảo dược thần tiên giữa rừng già. Tôi dành trọn thời gian còn lại đi khảo sát vùng trà cổ thụ, sau đó hái một ít mẫu lá trà già đưa về lán trại ở độ cao 2.200m nấu nước uống thử, quả thật vị ngọt thơm cùng dư vị khác biệt hẳn với những giống trà xanh từng nếm thử.

Mẫu lá trà già trên đỉnh Fansipan được đưa về Hà Nội phân tích các thành phần hóa học chủ yếu, được các chuyên gia đánh giá lượng tanin 9,25%, chất hòa tan 22,13%, cathechin 98mg/g, đạm 2,16%, cafein 1,75%... vượt trội hơn tất cả các giống trà trung du ở Việt Nam và đưa ra khẳng định đây là rừng trà cổ quý hiếm nhất Việt Nam hiện nay.

Bài 2: Tủa Chùa - Rừng trà trong mây

NGUYỄN ĐÌNH

Tin cùng chuyên mục