Làng chài cuối cùng giữa Sài Gòn

Những chiếc thuyền cũ nát che chở lúc nắng mưa gió giông, những tay lưới đã cũ mòn theo con nước và ngày tháng…gần như là tài sản quý giá nhất của những người dân nơi xóm chài cuối cùng ở Sài Gòn. Ước mơ được “lên bờ” dường như là điều gì đó quá xa vời… Vậy nhưng, cũng từ nơi xóm chài nghèo đó vẫn luôn sáng lên những tấm lòng vì người khác.
Làng chài cuối cùng giữa Sài Gòn

Những chiếc thuyền cũ nát che chở lúc nắng mưa gió giông, những tay lưới đã cũ mòn theo con nước và ngày tháng…gần như là tài sản quý giá nhất của những người dân nơi xóm chài cuối cùng ở Sài Gòn. Ước mơ được “lên bờ” dường như là điều gì đó quá xa vời… Vậy nhưng, cũng từ nơi xóm chài nghèo đó vẫn luôn sáng lên những tấm lòng vì người khác.

Hơn 70 năm và giấc mơ lên bờ

Chiều dần xuống trên xóm chài còn lại duy nhất tại TPHCM, nằm lọt thỏm dưới chân cầu Bình Lợi, thuộc phường 13, quận Bình Thạnh. Mấy chiếc thuyền nhỏ, rách nát, có chiếc hư hỏng nặng nằm cạnh nhau như cố xua đi vẻ côi cút của những chiếc thuyền cuối cùng có thể bị xóa sổ nay mai.

Xóm chài nhỏ bé nép mình dưới chân cầu Bình Lợi

Giữa buổi chiều muộn ấy, khói bếp bay lên nghi ngút từ thuyền cụ Ngô Thị Liêm, cư dân lớn tuổi nhất xóm chài. Cụ Liêm đang lặt vội mớ rau muống nấu bữa tối cho cả nhà. Cụ 82 tuổi nhưng có đến 75 năm lênh đênh sông nước. “Hồi nhỏ, tôi sống trên đất liền với cha mẹ. Nhưng khi mới 7 tuổi, cha mẹ mất tôi phải xuống ghe ở với người ta và hành nghề đan lưới, đánh cá, cực khổ trăm bề. 20 tuổi tôi được gả chồng rồi sinh con. Từ đó đến nay, cuộc đời gắn suốt với mấy chiếc ghe này”, cụ Liêm tâm sự.

Từ ngày chồng mất cách đây hơn 20 năm, cụ Liêm cứ ở vậy với gia đình người con trai, sinh sống trên 2 chiếc thuyền nhỏ nằm cạnh nhau. Công việc hàng ngày của gia đình cụ cũng như các hộ ngư dân khác ở đây gắn chặt với những tấm lưới chài, vào những đêm nước lên là thả lưới. Bao nỗi lo cơm áo gạo tiền, thuốc thang những ngày ốm đau chỉ biết cậy nhờ những con cá đánh bắt được mỗi đêm. Ở đây, người dân phải xài ké điện, nước của những hộ dân trên bờ.

Anh Nguyễn Ngọc Ái (47 tuổi), con trai cụ Liêm cho biết: “Nghề đánh cá tùy theo ngày mưa, ngày gió, theo con nước lên, nước ròng. Nước ròng thì không đi được. Nhiều lúc cả mấy ngày không kiếm được đồng nào vì mưa gió, sóng lớn, thuyền không thể di chuyển. Công việc chài lưới của chúng tôi thường vào khoảng 8g sáng đến 12g trưa, chiều từ 2g đến 9g tối. Mưa, gió luôn là mối nguy hiểm lớn nhất khi sinh sống trên những chiếc ghe, cũng như lúc đi chài lưới. Mỗi khi mưa gió lớn, sóng to thì ghe chài có thể bị lật, nếu không biết bơi có thể thiệt mạng”.

Ngoài những mối nguy hiểm đến từ thiên nhiên, người làm nghề chài lưới cũng có lúc mất đi tay lưới, công cụ đánh bắt do bị ghe tàu đi ngang làm rách. Chị Trần Thị Nhung(40 tuổi), vợ anh Ái kể, mấy tháng trước, chồng chị thả lưới cách nơi ở vài trăm mét, gặp gió lớn làm lật ghe, mất cả 3 sải lưới trị giá 1,5 triệu đồng, công cụ quan trọng nhất để kiếm sống của gia đình. May mắn cho anh Ái là bơi được vào bờ, không thì đã bị “hà bá” cướp mất mạng. Anh Ái tiếp lời: “Thu nhập của gia đình đều dựa vào tôi, nhưng mất đi tay lưới thì coi như cả nhà phải nhịn đói. Tiền đánh bắt chỉ 50.000-100.000 đồng, phải lo cho cả 4 miệng ăn. Nhà nghèo, cậu con trai Nguyễn Tấn Đạt (14 tuổi) học hết lớp 3, cũng phải bỏ học giữa chừng để theo ba đi đánh cá”.

Đánh bắt cá là nghề cha truyền con nối nơi xóm chài nhỏ này

“Nơi đây trước kia có gần chục ghe chài, nhưng có lẽ vì cuộc sống bấp bênh, nghề đánh cá thu nhập không đủ cộng với lượng tôm cá ngày một ít vì nguồn nước bị ô nhiễm nên nhiều người rời bỏ nghề lên bờ định cư hoặc tìm công việc khác, chỉ còn gia đình tôi, gia đình chú Ba Chúc và 2 em trai còn bám trụ”, chị Nhung cho biết.

Niềm mong ước đi cùng nỗi lo âu của cụ Liêm hơn 70 năm chỉ mong có được một mảnh đất nhỏ trên bờ để sinh sống, thoát cảnh nhọc nhằn sông nước. “Ngày xưa, chúng tôi ở làng chài xóm Mới ở quận Gò Vấp rồi mới chuyển về khu vực này. Muốn chuyển lên bờ nhưng bây giờ nhà cửa không có, thuê trọ thì không có tiền mà ở dưới ghe cực quá, gió mưa sợ lắm. Chỉ cần có tí đất làm cái lều ở cho con cháu đỡ khổ. Ước mơ hoài nhưng cũng chỉ vậy thôi”, cụ Liêm nói, mắt hướng xa xăm về bên kia cầu Bình Lợi...

Xóm chài chuyên cứu người

Hầu hết những người làm nghề chài lưới ở khu vực này đều là người trong gia đình hoặc bà con với nhau. Ngoài những hộ làm nghề chài lưới còn có một số hộ khác đưa đò kiếm sống. Họ đưa người từ bờ ra các sà lan, tàu thuyền, đưa khách đi câu… thu nhập có ngày được vài trăm ngàn đồng, nhưng cũng tùy thuộc thời tiết. Cũng trên khúc sông này, người ta đã chứng kiến không biết bao nhiêu sinh mạng đã được giành giật lại từ tay “hà bá” bởi những ngư dân chân chất, quanh năm chỉ biết lênh đênh sóng nước.

Không ít người, không ít tờ báo đã ca ngợi “hiệp sĩ” Nguyễn Văn Chúc, hay gọi là Ba Chúc(sinh năm 1957). Ông Ba Chúc là người có duyên với nghiệp vớt xác, cứu người trên sông Sài Gòn. Gặp ông trong lúc sắp sửa đi mua thuốc chữa bệnh cho người vợ đang bệnh, ông nhẹ nhàng mời chúng tôi vào chiếc ghe nhỏ để trò chuyện. Cùng những nếp nhăn xô nhau hiện trên khuôn mặt hiền từ chất phác, ông trầm ngâm kể chuyện đời mình: “Gia đình tôi di cư từ Vĩnh Yên vào đây năm 1977 và chọn đoạn sông này để sinh sống và đánh bắt. Nghiệp sông nước, chài lưới đã theo tôi từ khi 8 tuổi.  Ngày trước, tôi thường cùng cha đi đánh cá, nhiều lần vô tình gặp xác chết hay người tự vẫn, 2 cha con liền nhanh chóng đưa lên thuyền để cứu chữa và đưa vào bờ. Lúc đầu, tôi rất sợ khi chứng kiến những cảnh tượng ấy, nhưng đi hoài thành quen. Đến khi cha tôi nằm xuống, tôi lại tiếp tục công việc của ông. Mỗi lần vợ chồng tôi gặp xác chết đều bỏ công việc đánh cá lại để đưa xác vào bờ an toàn. Không ít lần chúng tôi cứu vớt được người tự vẫn trên đoạn sông này”.

Xóm chài giờ chỉ còn vài hộ

Cô Nguyễn Thị Hinh, vợ ông Ba Chúc, trước kia theo chồng đi đánh cá và nhiều lần cùng chồng vớt xác chết. Đến nay, vì sức khỏe yếu do mắc bệnh tiểu đường nên cô không thể tiếp tục công việc. Nhìn xa xăm về phía chiếc cầu, cô Hinh bộc bạch rằng, nhiều khi 1-2 giờ sáng bừng tỉnh giấc, nhìn về cầu Bình Lợi, thấy có người đứng trên thành cầu thì 2 vợ chồng liền nghĩ ngay sắp có chuyện không hay xảy ra. Cô kể: “Cách đây vài tháng, trong lúc mọi người đang ngủ, ông Chúc nhà tôi thức giấc đi vệ sinh, bỗng nghe một tiếng động giữa màn đêm yên tĩnh phía bên kia cầu Bình Lợi 1. Ông liền nghĩ ngay đến chuyện có người nhảy cầu tự vẫn nên tức tốc gọi 2 em trai là Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Văn Chứng thức dậy lái ghe chạy qua bờ bên đó. Sau một hồi vật lộn với dòng nước chảy xiết và lạnh lẽo giữa đêm khuya, 3 anh em ông đã cứu được một cô gái thoát khỏi cái chết”.

Ông Ba Chúc cùng vợ và 2 em trai là những người đã không quản ngại vất vả, quăng mình xuống dòng nước lạnh lẽo, vật lộn với tử thần để cứu người. Họ không thể kể hết được đã vớt bao nhiêu xác chết và cứu sống bao nhiêu người tự vẫn. Có cả chục người sau khi được cứu sống đã nhận vợ chồng ông làm cha mẹ nuôi, là người sinh ra họ lần thứ hai nhưng 2 vợ chồng ông chỉ nhận 2 người làm con nuôi chính thức. Ở một góc nhỏ trong chiếc thuyền nơi gia đình ông sinh sống là những tấm bằng khen của các ban ngành tặng ông và gia đình vì công việc đã làm cho xã hội.

Nắng đã tắt hẳn nơi khúc sông này, ánh đèn điện từ những ngôi nhà cao tầng 2 bên cầu Bình Lợi đã sáng lên từ bao giờ. Cách đó không xa, màn đêm buông xuống nặng trĩu vây lấy làng chài nhỏ bé. Con nước chẳng mấy chốc dâng lên, làm ngập hết con đường nhỏ dẫn vào làng. Gần lắm những ánh đèn phố thị, ánh sáng văn minh của thành phố hiện đại vào loại bậc nhất Việt Nam, nhưng những cư dân làng chài vẫn cặm cụi, lam lũ kiếm sống và mơ về một ngày nào đó con cháu mình được biết đến con chữ, được lên bờ... Thế thôi, nhưng xa lắm!

Trọng Sơn - Võ Thắm

Tin cùng chuyên mục