TPHCM - Hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở 6 xã điểm

Tập đoàn KRC Hàn Quốc triển khai nhiều dự án nông nghiệp thông qua Tổng hội NN-PTNT
TPHCM - Hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở 6 xã điểm

Xây dựng Nông thôn mới

Tính đến giữa tháng 11-2014, TPHCM đã có 6/6 xã điểm đạt 19/19 tiêu chí, đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và 50 xã khác đạt bình quân 14/19 tiêu chí của Chương trình Xây dựng NTM. Kết quả này là sự cố gắng vượt bậc của các cấp chính quyền và người dân thành phố với sự sáng tạo và nỗ lực “đi trước - về đích trước” của TPHCM trên mọi lĩnh vực.

Đi trước, về đích trước

Các năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố đã triển khai Cuộc vận động thi đua “Nâng cao chất lượng cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng NTM”, qua đó tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất làm đường, chăm lo nhà ở cho người nghèo, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở. Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố cũng phát động phong trào “Phụ nữ chung sức xây dựng NTM” gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Còn Hội Người cao tuổi, Bộ Tư lệnh Thành phố cũng tham gia vận động tuyên truyền, ra quân giúp các xã thi công nạo vét kênh mương, đắp đường, xây dựng cầu cống; Thành Đoàn Thành phố có “Tháng Thanh niên hành động xây dựng NTM”, Phong trào“Thanh niên nông thôn lập nghiệp”, Ngày hội “Hoa của đất”... qua đó cùng các ngành cơ bản xóa hộ nghèo (tiêu chí thu nhập dưới 12 triệu đồng/người/năm) trên toàn địa bàn.

Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM thăm mô hình trồng lan cắt cành của anh Huỳnh Nhựt Thanh (ấp Ba Sòng, xã An Nhơn Tây, Củ Chi)

Nòng cốt trong chương trình xây dựng NTM, phải kể đến vai trò của ngành nông nghiệp và Hội Nông dân các cấp. Qua phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, xây dựng xã NTM”, đã có hơn 29.000 hộ nông dân sản xuất giỏi, nhiều nông dân có thu nhập từ 180-300 triệu đồng/hộ/năm và không còn hội viên nông dân thuộc diện nghèo. Riêng Chi cục Phát triển Nông thôn Thành phố đã tổ chức 560 lượt bồi dưỡng kiến thức xây dựng NTM cho hơn 32.000 nông dân. Còn theo Tổng Công ty Điện lực TPHCM, từ năm 2009 đến nay, Tổng Công ty đã phối hợp các đơn vị, địa phương sửa chữa, cải tạo mới cho hơn 4.500 hộ nghèo trên địa bàn. Tại các xã NTM, không hộ nào phải sử dụng điện trong tình trạng chập chờn, lưới điện thiếu an toàn...

Ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, Tổ trưởng Tổ Công tác giúp việc cho Ban Chỉ đạo của Thành ủy TPHCM về Chương trình xây dựng NTM, cho biết: “Vẫn còn 13/56 xã chưa đạt chuẩn Nhà ở; 17/56 xã chưa đạt chuẩn Thoát nghèo (chuẩn mới 16 triệu đồng/người/năm); 7/56 xã có tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên chưa đạt chuẩn; 16/56 xã chưa đạt tiêu chí Môi trường...”.

Khi Nhà nước và nhân dân cùng làm

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Thành phố cho biết, khi xây dựng đề án, có xã chưa có hợp tác xã (HTX) hoặc đã có nhưng chưa hiệu quả thì đến nay, tại 6 xã điểm có 7 HTX trong lĩnh vực nông nghiệp (225 xã viên), 26 tổ hợp tác (340 thành viên). Hoạt động của các HTX đã hỗ trợ sản xuất, cung ứng các dịch vụ tốt, ứng dụng khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, giúp nhà nông khá lên bền vững.

Ông Nguyễn Văn Lưu, Bí thư Huyện ủy Nhà Bè phấn khởi: “Nhờ xây dựng NTM nên hiện 7/7 xã - thị trấn của Nhà Bè đều có trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia. Ở đây, 100% trường đều dạy 2 buổi/ngày, đội ngũ giáo viên chuẩn hóa 100%. Vì vậy mỗi năm, chúng tôi đào tạo lại cho nông dân các ngành nghề phù hợp đô thị hóa và giải quyết trung bình 5.800 lao động nông nghiệp chuyển sang công nghiệp - dịch vụ. Ban Chỉ đạo NTM TPHCM đã đầu tư cho Nhà Bè rất nhiều và xã Nhơn Đức đã về đích với việc hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM. Bên cạnh đó, cũng phải kể đến sự đóng góp của nhân dân các xã NTM”.

Ông Nguyễn Trọng Liêm, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn TPHCM cho biết thêm, Chương trình xây dựng NTM đã đầu tư xây dựng hơn 3.101 công trình, xóa hàng ngàn căn nhà dột nát. Có 51/56 xã cơ bản hoàn thành công tác quy hoạch xây dựng NTM, 39/56 xã đã đạt tiêu chí Thủy lợi, 56/56 xã đạt tiêu chí Điện, 45/56 xã đạt tiêu chí xây Chợ nông thôn, 56/56 xã đạt tiêu chí Bưu điện, 43/56 xã đạt tiêu chí Giáo dục, 55/56 xã đạt tiêu chí Y tế, 55/56 xã đạt tiêu chí An ninh trật tự xã hội (không có trọng án)… với tổng vốn đầu tư 14.303 tỷ đồng. Trong đó ngân sách Trung ương đầu tư chỉ hơn 20 tỷ đồng (0,14%); ngân sách Thành phố đầu tư 4.413 tỷ đồng (30,86%)… Còn lại và chiếm phần lớn nhất (69%) lại là nguồn vốn huy động từ cộng đồng: 9.869 tỷ đồng (riêng người dân đóng góp 3.123 tỷ đồng). Một nguồn lực khác được vận động từ các doanh nghiệp cũng lên đến hơn 731 tỷ đồng… cho thấy những đóng góp của thành phần ngoài ngân sách cho chương trình NTM của TPHCM là rất to lớn, ý nghĩa.

Theo Ban Chỉ đạo của Thành ủy TPHCM về Chương trình xây dựng NTM, ngay trong tháng 12-2014, các địa phương tập trung nâng chất các tiêu chí đã đạt được tại 6 xã: Tân Thông Hội, Thái Mỹ (Củ Chi), Xuân Thới Thượng (Hóc Môn), Lý Nhơn (Cần Giờ), Tân Nhựt (Bình Chánh), Nhơn Đức (Nhà Bè). Đối với xã đã cơ bản đạt 19/19 tiêu chí, các sở ngành thẩm định nhanh, chính xác, tổng hợp trình UBND TPHCM ban hành Quyết định công nhận đạt chuẩn, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương. Đối với 50 xã nhân rộng xây dựng NTM, phải tập trung thực hiện hoàn thành các tiêu chí chưa đạt chuẩn, ưu tiên thực hiện trước các tiêu chí cần ít vốn, các tiêu chí căn bản, quan trọng, có tính chất đòn bẩy, thúc đẩy đạt chuẩn các tiêu chí khác trong đề án; các sở ngành, cơ quan, doanh nghiệp hỗ trợ cho các xã phấn đấu xóa hoàn toàn nhà dột nát...

Tập đoàn KRC Hàn Quốc triển khai nhiều dự án nông nghiệp thông qua Tổng hội NN-PTNT

Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam vừa có buổi làm việc với Tập đoàn Phát triển Nông thôn Hàn Quốc (KRC) do ông Lee Sang Mu, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn dẫn đầu, nhằm tiếp tục thực hiện các thỏa thuận giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Theo đó, trong thời gian tới, 2 bên sẽ hợp tác triển khai Dự án Xây dựng và vận hành Khu trung tâm chợ đầu mối nông sản tại Hà Nội, đồng thời tổ chức các buổi hội thảo về nông thôn giữa các viện, công ty của Hàn Quốc với các viện, công ty của Việt Nam và giới thiệu các dự án điển hình về hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong xây dựng nông thôn mới, nông nghiệp công nghệ cao.

KRC hiện là đơn vị cung cấp ODA không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tại Việt Nam. Hiện nay, KRC đang làm việc với các cơ quan chức năng của Việt Nam để thực hiện một số dự án theo mô hình công tư kết hợp (PPP) như: Dự án Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Hà Nội; Dự án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại Đồng Tháp và Dự án Phát triển nông thôn mới theo mô hình Hàn Quốc tại Hà Nội và Hải Dương.

M.K.

Trung tâm KKN phân bón vùng Nam bộ trồng lan không đất

Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng  Nam bộ đang triển khai mô hình trồng lan không sử dụng đất, nhằm thực nghiệm kiểm tra chất  lượng của một số phân bón vi sinh, vi lượng cho cây trồng. Đây là mô hình có nhiều ưu điểm: khả năng chống sâu bệnh cao, cho chất lượng hoa cao hơn về màu sắc, thời gian hoa nở dài hơn… giúp nông dân nâng cao năng suất và chất lượng hoa lan, một mô hình sản xuất đang được áp dụng tại nhiều xã nông thôn mới của TPHCM.

TPHCM - Hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở 6 xã điểm ảnh 2

Mô hình vườn lan tại Khu thực nghiệm và Chuyển giao công nghệ của TTKKNPBVNB (P.Tân Phú, Q.9, TPHCM)

Hiện Trung tâm đang thí điểm trồng 10 giống lan thuộc dòng Mokara tại Khu thực nghiệm quận 9, đồng thời liên kết triển khai tại một số nhà vườn với diện tích lớn tại quận 12, Củ Chi, Hóc Môn. Sau thời gian thử nghiệm thành công, Trung tâm sẽ tiến hành chuyển giao kỹ thuật hoặc hợp tác triển khai cho các nhà vườn tại các xã nông thôn mới có nhu cầu.

P.K.

Võ Hồng

Tin cùng chuyên mục