Hơn 4 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông thôn ở tỉnh Bình Phước, địa phương khó khăn nhất của vùng Đông Nam bộ đã có nhiều khởi sắc. Tuy vậy, bên cạnh đó vẫn còn không ít những băn khoăn…
Khi người dân đồng thuận
Ấp Đồng Dầu, xã Minh Đức, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước, là địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi có đông đồng bào người Stiêng sinh sống. Nhiều năm trước, nơi đây chưa có trường học, học sinh phải đi hàng chục kilômét mới tới trường nên nhiều em đã sớm nghỉ học, mù chữ. Trước thực trạng đó, ông Trần Công Cảnh, một người dân trong ấp là chủ trang trại cao su, đã tự nguyện bỏ ra hơn 2 tỷ đồng xây Trường Tiểu học Trần Cao Vân. Hàng ngày nghe tiếng các em đọc bài bi bô, lòng ông Cảnh lại rộn niềm vui. “Thấy các cháu lội bộ cả chục cây số để đi học, rồi có những cháu không theo nổi phải nghỉ học, vợ chồng tôi không thể đành lòng nên quyết định đầu tư xây trường. Đời chúng tôi thiếu thốn, thiệt thòi đã nhiều, nay mình có điều kiện thì phải lo cho các con, các cháu”, ông Cảnh bộc bạch.
Thi công đường giao thông nông thôn ở xã Minh Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước
Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn cao su mát rượi thời điểm cuối năm, ông Cảnh nói, ngày xưa khi ông mới đặt chân đến đây, vùng đất này vẫn còn hoang vu lắm. Đường nhựa chưa có, điện cũng không và chợ thì rất xa nên cuộc sống rất khó khăn và buồn tẻ. Thanh thiếu niên ở địa phương ngoài việc lên nương rẫy phụ gia đình thì hầu như chẳng có sân chơi để mở mang kiến thức. Bây giờ, nhà nước đầu tư làm đường bê tông, dòng điện được kéo thắp sáng buôn làng, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn thêm gần lại. Có điện, người dân ở vùng sâu được xem truyền hình, tiếp cận thông tin thời sự, kiến thức nông nghiệp cũng như các thông tin giải trí… Ông Cảnh cho rằng, xây dựng nông thôn mới chính là những việc làm thiết thực để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Do đó, nếu mọi người dân đều nhận thức được ý nghĩa đó, chắc chắn ai cũng đều đồng tình ủng hộ.
Cùng quan điểm này, ông Lê Hoàng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Hớn Quản cho rằng, những năm qua, thực hiện mục tiêu xây dựng NTM, huyện Hớn Quản đã có nhiều hoạt động để tuyên truyền cho nhân dân hiểu được ý nghĩa của chương trình, đặc biệt là các tổ chức đoàn thể. Trong đó, Đoàn Thanh niên đã phát huy vai trò xung kích trong cuộc vận động. Bằng nhiều nội dung, phương thức hoạt động, phong trào thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ Hớn Quản diễn ra sôi động và góp phần vào xây dựng NTM ở địa phương. Bên cạnh các hoạt động tình nguyện tại chỗ, các bạn trẻ còn đảm nhận nhiều công trình, dự án thu hút hàng ngàn lượt thanh niên, học sinh, sinh viên về địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa tại huyện.
Cần có thêm nguồn vốn
Minh Thành là xã được chọn làm điểm trong chương trình xây dựng NTM tại huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Nhờ có các nguồn vốn đầu tư cho xã điểm, đến nay Minh Thành đã hoàn thành 15/19 tiêu chí xây dựng NTM và là xã hoàn thành nhiều tiêu chí xây dựng NTM nhất tại huyện Chơn Thành. Anh Nguyễn Minh Thành, người dân tổ 6, ấp 1 (xã Minh Thành) cho biết: “Trước đây, đường vào ấp chúng tôi trời nắng thì bụi mù mịt, còn trời mưa thì lầy lội, việc đi lại của người dân rất khó khăn. Năm 2013, khi nghe Nhà nước triển khai làm đường bê tông, người dân chúng tôi rất phấn khởi nên ai nấy đều sẵn sàng góp tiền và ngày công để làm đường”. Ông Phạm Đình Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Thành cho hay, thực hiện cơ chế đầu tư đặc thù trong xây dựng NTM, từ năm 2011 đến nay, xã Minh Thành xây dựng, trải bê tông được 14 tuyến đường giao thông nông thôn, xây dựng, nâng cấp được nhiều phòng học ở các trường mầm non và tiểu học, tại xã chỉ còn trường THCS là chưa được đầu tư nâng cấp, vì kinh phí khoảng 10 tỷ đồng, trong khi đó xã chưa có nguồn vốn đầu tư.
Cũng theo ông Tùng, trong tổng số 19 tiêu chí xây dựng NTM, có 3 tiêu chí xã chưa đạt là các tiêu chí về giáo dục, giao thông, cơ sở vật chất văn hóa… đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, cần có sự đầu tư mạnh mẽ của Nhà nước. “Trong 3 tiêu chí chưa đạt của xã Minh Thành, khó khăn nhất là vốn đầu tư và chúng tôi cần khoảng 40 tỷ đồng, trong đó chỉ tính riêng kinh phí xây dựng trường THCS đã mất khoảng 10 tỷ đồng. Ngoài ra, các công trình đường giao thông nông thôn và cơ sở vật chất văn hóa như nhà văn hóa… cũng phải đầu tư hàng chục tỷ đồng”, ông Tùng nói. Được biết, Trường THCS Minh Thành được xây dựng nhiều năm, khi thực hiện xây dựng NTM, chính quyền xã Minh Thành rất muốn xây dựng cơ sở vật chất mới cho ngôi trường này nhưng đến nay chưa có kinh phí thực hiện.
Theo ghi nhận, qua 4 năm xây dựng NTM, hiện toàn tỉnh Bình Phước chỉ mới có xã duy nhất là xã Tân Lập của huyện Đồng Phú đạt chuẩn xây dựng NTM với 19/19 tiêu chí. Và một trong những nguyên nhân quan trọng khiến việc xây dựng NTM gặp khó khăn vẫn là do thiếu vốn. Trong khi đó, do tình hình giá mủ cao su, cây trồng chủ lực của tỉnh rớt thảm nên kinh tế của địa phương bị ảnh hưởng, từ đó cũng làm giảm nguồn vốn đầu tư từ ngân sách cho các chương trình trong xây dựng NTM.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Chương trình Nông thôn mới đã đi vào lòng dân, từng bước phát huy hiệu quả Vừa qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng lãnh đạo các bộ, ngành đã đến thăm và làm việc tại xã nông thôn mới (NTM) Tân Lân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Đây là 1 trong 8 xã đạt các tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM của tỉnh Long An. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Huỳnh Thị Phận, 94 tuổi, ấp Bình Hòa, xã Tân Lân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An Tân Lân là một xã vùng hạ của huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Tháng 6-2012, xã tổ chức phát động xây dựng xã NTM. Theo lộ trình, Tân Lân phấn đấu đến năm 2018 trở thành xã NTM nhưng đến tháng 7-2014, xã đã được UBND tỉnh công nhận là xã NTM. Chủ tịch UBND xã Tân Lân, bà Nguyễn Thị Trinh cho biết, sau 3 năm xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn của xã Tân Lân đã thay đổi rõ nét. Hiện 100% hộ dân trong xã đã sử dụng điện an toàn; tỷ lệ sử dụng nước sạch trên địa bàn trên 94%; 100% đường liên xã được nhựa hóa; nạo vét 24 tuyến kênh rạch đạt 96,8%, đảm bảo phục vụ sản xuất, tưới tiêu; 3/4 trường trong xã đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4,17% (2012) xuống còn 1,81% (11-2014); thu nhập bình quân đầu người trên 35 triệu đồng/người/năm; an ninh chính trị, trật tự an toàn giữ vững, ổn định… Thành tích này có được là do xã đã đẩy mạnh, làm tốt công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ về ý nghĩa, mục đích xây dựng NTM. Trong tổng số hơn 135 tỷ đồng nguồn vốn thực hiện đề án NTM của xã Tân Lân, người dân đã đóng góp trên 57 tỷ đồng (kể cả hiến đất). Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh những kết quả xã Tân Lân đã đạt được trong quá trình xây dựng NTM. Chủ tịch nước khẳng định đây là thắng lợi bước đầu của lãnh đạo và nhân dân xã Tân Lân và mong rằng, với truyền thống anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tân Lân tiếp tục giữ vững và phát triển hơn nữa trong quá trình xây dựng NTM. Qua chuyến khảo sát, Chủ tịch nước khẳng định chương trình NTM đã đi vào lòng dân và từng bước phát huy hiệu quả. Việc xây dựng NTM thành công không chỉ giúp phát triển đời sống kinh tế - xã hội nông thôn, giữ vững an ninh chính trị mà còn củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng. Mạnh Hảo |
ĐỨC TRUNG - TẤN NHẤT