Cuốn theo cơn lốc vàng

Bài 2: Thảm họa từ vàng

Bài 2: Thảm họa từ vàng

Liên tục trong 2 năm trở lại đây, tình trạng khai thác vàng trái phép ở vùng núi Đakrông, Quảng Trị trở thành một vấn nạn nhức nhối. Ngoài 9 điểm khai thác trước đây, các “ông chủ” liên tục mở các điểm khai thác mới ở đồi A Pooc, A Ho mới... Phía trên những ngọn đồi là hầm hố khoan sâu vào lòng núi; đất, đá sau khi được sàng lọc lấy vàng, được thải xuống suối. Liên tiếp trong hai năm 2003-2004, có trên 10 vụ sập hầm, làm hàng chục người bị thương, 1 người chết...

  • Hiểm họa cho môi trường sinh thái

Có dịp tận mắt chứng kiến cảnh khai thác vàng tại các vùng rừng huyện Đakrông, mới thấy được những thảm họa do nạn đào đãi vàng gây ra. Những khe suối ở xã A Vao, Tà Rụt trong xanh là nơi cung cấp nước uống, tưới tiêu cho hàng trăm hộ dân ở các thôn A Vao, Tân Đi 1, Tân Đi 2, Tân Đi 3... giờ không còn dùng được do bị nhiễm chất xyanua, thủy ngân.

Bài 2: Thảm họa từ vàng ảnh 1

Công an huyện Đakrông, Quảng Trị đang truy đuổi những người đào vàng trái phép.

Đất đá từ các bãi vàng thải ra đã dần san lấp ruộng của dân bản. Già làng Pả Nua, thôn A Vao than thở: “Trước đây bà con làm rất nhiều ruộng bên các sườn đồi ven suối, nhưng nay phải bỏ hoang dần do nguồn nước ở suối bị ô nhiễm; tưới vào lúa, lúa không lên nổi, đất đá vùi lấp dần.

Ngay cả nguồn nước sinh hoạt hàng ngày cũng thiếu trầm trọng, mỗi ngày già phải vượt qua 2 ngọn núi cao sang bên kia để lấy nước về sinh hoạt. Khổ quá chừng!”.

Núi rừng Tà Long, A Vao, Khe Ho, Khe Pooc, Tà Long đã hàng ngàn lần bị rung lên dưới mũi khoan, máy nghiền đá và cả hàng khối thuốc nổ.

Những cánh rừng già xanh tốt bạt ngàn, tồn tại hàng trăm năm, từng trụ vững qua biết bao biến cố của lịch sử, mưa bom, bão đạn của chiến tranh mà nay đang tàn lụi theo... vàng. Tình trạng bệnh tật cũng đang đe dọa tính mạng của hàng nghìn người dân sống xung quanh.

Ông Trần Quốc Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đakrông cho biết, liên tiếp 3 năm nay, bệnh tiêu chảy, thương hàn, viêm phổi ở các bản làng thượng nguồn sông Đakrông gia tăng một cách đột biến, bình quân 60 ca/năm, do sử dụng nước suối, ảnh hưởng các chất xyanua, thủy ngân, thuốc súng... từ nạn đào đãi vàng. Gia súc, gia cầm chết dần do uống phải nước nhiễm độc.

  • Nhức nhối tệ nạn xã hội

Nếu rừng núi xã A vao, Tà Rụt là nơi mà những người đào vàng ngày đêm lén lút khai thác thì thị tứ Krông Klang ở xã Tà Rụt là điểm đầu mối cung cấp lương thực, thực phẩm, máy móc cho đội quân khai thác vàng. Không chỉ riêng những người đào vàng mà dân lành cũng bị lôi kéo vào vòng xoáy tội lỗi. Nhiều hộ dân khá giả ở Krông Klang bỏ toàn bộ vốn liếng lên rừng theo giấc mơ vàng.

Thực tế, môi trường xã hội nơi đây đã bị vẩn đục không kém gì môi trường sinh thái. Một số thanh niên theo những người đào vàng ăn chơi đàng điếm, nghiện ngập ma túy, hoạt động mại dâm. Không riêng Krông Klang, từ năm 2004 đến nay, hoạt động phạm pháp trên địa bàn các xã A Bung, Tà Long và Tà Rụt ngày càng diễn biến phức tạp.

Có 20/37 vụ phạm pháp hình sự trên địa bàn toàn huyện xảy ra tại đây. Những lúc trúng đậm, bọn khai thác vàng thường đến các địa bàn kể trên ăn chơi cờ bạc, rượu chè, trai gái và hút hít.

Giữa tháng 6-2004, Công an huyện Đakrông bắt quả tang, xử phạt hành chính Hồ Thị Xê, thôn A Vương, xã Tà Rụt, huyện Đakrông về tội bán dâm. Cùng thời điểm này, Công an huyện Đakrông bắt quả tang 3 đối tượng Nông Thị Hà, Dương Văn Xuân (Thái Nguyên) và Trần Thị Loan (Thanh Hóa) vận chuyển 3,36 gam heroin từ các tỉnh, thành phía Bắc vào bán cho các con nghiện ở bãi vàng A Vao, Tà Long....

  • Giải pháp nào cho những bãi vàng vô chủ?

Trước những tác hại do việc khai thác vàng trái phép gây ra, ngày 25-6-2004, UBND tỉnh Quảng Trị quyết định bàn giao các điểm quặng vàng thuộc 2 xã A Vao, Tà Long cho chính quyền địa phương quản lý. Trung tá Hồ Quang Thân, Trưởng Công an huyện Đakrông cho biết, công an huyện cùng các ban ngành chức năng đã tổ chức hàng trăm đợt truy quét, đẩy đuổi nhưng tình hình khai thác vàng không hề giảm mà còn trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết.

Từ dịp Tết Nguyên đán đến nay, lực lượng công an huyện Đakrông đã tiến hành phối hợp với du kích xã, nhân dân tiến hành truy quét 4 đợt vào tận các bãi vàng, phá hủy 45 giàn máy nổ, 5 máy nén hơi, 2 mô tơ điện, thu giữ 40 thỏi thuốc nổ công nghiệp mà những người đào vàng dùng để đánh hầm khai thác. Tuy nhiên, những người đào vàng không hề chùn bước, khi lực lượng công an quay lưng là họ trở lại khai thác ồ ạt...

Hiện tại, có gần 200 người ở các tỉnh phía Bắc (chủ yếu từ Thái Nguyên, Nam Định), cùng một số dân địa phương vào các điểm quặng vàng ở A Vao, Tà Long, Tà Rụt khai thác rầm rộ. Các đối tượng khai thác vàng trái phép rất quen thuộc địa hình rừng núi nên khi bị truy quét, đẩy đuổi, họ dễ dàng tẩu thoát, sau đó tổ chức khai thác lại...

Trước tình trạng này, liên tiếp trong các ngày đầu tháng 3-2005, UBND tỉnh Quảng Trị họp bàn về giải pháp truy quét, đẩy đuổi và quản lý các bãi vàng trên. Giải pháp tốt nhất là bàn giao cho một số đơn vị vừa quản lý, vừa khai thác tận thu, dưới sự giám sát chặt chẽ của các ban, ngành chức năng liên quan. Tuy nhiên, mọi hoạch định trên cho đến thời điểm này vẫn còn nằm trên giấy (!).

Các mỏ vàng ở huyện Đakrông, Quảng Trị được đánh giá có trữ lượng lớn nhất ở miền Trung, chính vì vậy lượng người tập trung về đây khai thác trái phép ngày một gia tăng. Chừng nào chưa triệt tiêu được vấn nạn này, chừng đó núi rừng còn bị tàn phá nặng nề, kéo theo vô vàn hiểm họa, đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống bình yên của nhân dân...  

PHAN LÊ

Tin, bài liên quan:

Bài 1: Tan tác bãi vàng núi Kêr

Tin cùng chuyên mục