
L.T.S: Sau các bài viết trình bày các ý kiến khác nhau về hiện tượng “không chồng mà có con”, chúng tôi đã tìm gặp nhà tâm lý học Huỳnh Văn Sơn để tìm hiểu vấn đề này dưới góc nhìn xã hội học.

- Thưa tiến sĩ, dưới góc độ của một nhà tâm lý, ông có cho rằng thực trạng các nữ nghệ sĩ thích có con mà không muốn có chồng là xu hướng trong đời sống mới?
- Không nên kết luận rằng đây là một xu hướng xã hội. Hiện tượng có con mà không có chồng hoặc chưa muốn công khai danh tính người chồng là một vấn đề tế nhị mà mỗi người cần phải cân nhắc và nghĩ suy khi nhìn nhận vấn đề này. Mỗi hoàn cảnh có một yếu tố tâm lý rất riêng cần được chia sẻ.
Đời sống của những nữ nghệ sĩ này cũng rất bình thường nhưng do họ là người của công chúng nên mọi hành động hoặc cách cư xử của họ đều bị “quan tâm” đặc biệt hơn. Xét dưới góc độ xã hội, tôi cho rằng đây là một “hiện tượng” trong cuộc sống hiện đại (hoàn toàn không phải chơi chữ). Ai mà không muốn sống cuộc sống đề huề, hạnh phúc nhưng không phải muốn là có, cần là được.
Nếu được chia sẻ, tôi chỉ tiếc cho họ dưới góc nhìn của người trước công chúng vì khi mọi hành động của họ trở thành hình mẫu cho nhiều bạn trẻ thì nguy... Nếu cần lo lắng, tôi chỉ lo lắng cho những đứa trẻ thiếu sự chăm sóc của cha và chịu áp lực dư luận... Lẽ dĩ nhiên, tôi rất thông cảm và hy vọng rằng đây dứt khoát không phải là xu hướng.
- Theo tiến sĩ, đâu là nguyên nhân chính của vấn đề này?
- Mỗi cá nhân có những hoàn cảnh để chọn lựa việc làm này. Không có mẫu số chung cho những trường hợp đã nêu. Nếu có, đó là do họ và một số phụ nữ hiện đại khác (cả Việt Nam và trên thế giới) chấp nhận một kết quả của tình yêu và chịu trách nhiệm về hành động của mình. Có thể vì đối tượng được họ chọn đã có người khác ràng buộc trước; tình cảm của họ quá mạnh mẽ và lãng mạn nhưng lại “nở hoa” không đúng lúc; hoàn cảnh của họ và người họ “lấy” chưa đủ độ an toàn để bộc lộ ngay... Biết đâu, sâu thẳm trong nghĩ suy và tâm tưởng mỗi người đều có những lý do riêng mà chưa thể bộc bạch hết lòng với giới truyền thông. Tôi cho rằng, những người này còn có trách nhiệm hơn cả những người có con mà không giữ lại bởi vì ở họ còn có lương tâm của người mẹ, có trách nhiệm với tình yêu...
- Trong tư duy lâu đời của người Á Đông và trong đời sống văn hóa Việt, rất khó chấp nhận chuyện này. Vậy ý kiến riêng của tiến sĩ như thế nào?
- Nếu xét dưới góc độ cá nhân, khi đặt trong bối cảnh xã hội hiện đại cũng như quan điểm nhân văn, tôi không lên án vấn đề này mà tôi sẽ chia sẻ và động viên. Không ai cấm những khát khao chính đáng của một con người. Lẽ dĩ nhiên, nếu xét từng trường hợp, có thể được phép quay ngược lại thời gian, lời khuyên là chưa nên hoặc không nên không phải là vô lý
Tuy nhiên, theo sự tương tác của văn hóa và lối sống, chúng tôi cho rằng không nên ủng hộ hiện tượng không chồng mà có con. Mặt khác như đã đề cập việc đứa trẻ lớn lên thiếu sự chăm sóc của người bố, lại chịu áp lực của dư luận xã hội, vấn đề này liệu ai có thể bù đắp? Những người mẹ nên hiểu điều này trước khi quyết định có con.
- Với những ảnh hưởng nhất định của mình đối với cộng đồng, xu thế này của các nữ nghệ sĩ ít nhiều sẽ có những tác động khách quan đối với suy nghĩ của một bộ phận giới trẻ. Tiến sĩ nhìn nhận vấn đề này ra sao?
- Tôi cho rằng, xét dưới góc độ văn hóa thì chuyện ảnh hưởng tương tác là điều khó tránh khỏi và hy vọng rằng bài viết này như một cái nhìn công tâm, nghiêm túc nhưng rộng lượng phân tích đa chiều giúp các bạn trẻ nghiền ngẫm và suy nghĩ. Việc làm căng, theo bất kỳ hướng nào, cũng sẽ là hữu khuynh. Giới trẻ sẽ tiếp nhận thông tin một cách sáng suốt nếu các kênh thông tin sắc sảo và nghiêm túc lý giải, sẻ chia.
- Xin cảm ơn tiến sĩ về cuộc trao đổi này.
ANH TRUNG – NGÔ PHAN
Bài 1: “Không chồng mà chửa mới ngoan”(!)...
Bài 2: Nghệ sĩ Xuân Hương: "Trách nhiệm thuộc về người đàn ông"