Để tạo thêm niềm tin của người dân với Đảng, không thể chỉ có lời nói mà phải bằng những hành động, việc làm thật cụ thể - Đó là tâm trạng chung của rất nhiều người dân TPHCM khi được hỏi về đợt kiểm điểm tự phê bình, phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc TP thời gian qua.
Phải vì lợi ích của dân
Cách nay không lâu, báo chí đã có nhiều bài viết và phản ánh về những bức xúc của 18 hộ dân tại dự án nâng cấp, mở rộng đường Phạm Văn Bạch, phường 12, quận Gò Vấp với thời gian “kỷ lục” kéo dài gần 10 năm vẫn chưa xong. Sự chậm trễ này có nguyên nhân do chủ trương khi phê duyệt dự án TP đã cho phép chủ đầu tư vận động người dân hỗ trợ 50% giá trị đền bù. Do cách làm có tính áp đặt, thiếu vận động, thuyết phục dẫn đến hơn một nửa trong số gần 600 hộ dân không chấp nhận giá bồi thường, một số hộ khiếu nại vượt cấp lên TP. Sự việc kéo dài trong nhiều năm, người dân bức xúc, chủ đầu tư như “ngồi trên đống lửa” vì dự toán đội lên gần gấp 3 lần, trong khi tuyến đường dài hơn 2km chìm trong lầy lội, đầy rác và bụi mù trời.
Thực hiện các giải pháp cấp bách cần khắc phục sau kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, Quận ủy Gò Vấp chọn dự án Phạm Văn Bạch làm khâu đột phá với phương thức thực hiện “thi công trước, đền bù sau”. Kinh phí thi công công trình được quận và chủ đầu tư phối hợp tạo bằng nhiều nguồn khác nhau để đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Chưa đầy nửa năm, nhiều đoạn đã đền bù giải tỏa xong được hoàn thành, tạo bộ mặt khang trang và đi lại thuận tiện. Thấy lợi ích của việc mở rộng, nâng cấp tuyến đường, nhiều hộ dân đã tự nguyện giao mặt bằng, chấp nhận giá bồi thường theo phương thức hỗ trợ giá đền bù mà chủ đầu tư đưa ra. Nhiều hộ xin rút đơn khiếu nại, trong đó có trường hợp của ông Văn, ông Hòe, bà Thoa - những người khiếu nại gay gắt gần 10 năm qua.
Ông Văn vui vẻ nói: “Vì lợi ích chung chúng tôi sẵn sàng chấp hành”. Như vậy, bức xúc của dân đã được giải tỏa, công trình được triển khai nhanh chóng. Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Lê Hoàng Hà thừa nhận: “Tất cả do cách làm của chúng ta, nếu quyết tâm làm và làm vì mục đích chung, vì lợi ích của dân, người dân ủng hộ ngay…”.
Quay lại ấp 5 xã Vĩnh Lộc B - một trong 3 xã của huyện Bình Chánh người dân bị “treo” quyền lợi theo dự án hồ sinh thái Vĩnh Lộc đã gần 15 năm nay, mới thấy sự chuyển đổi đáng kể. Trò chuyện với phóng viên, ông Lâng, một người dân có nhà trong ấp 5 bộc bạch: “Tui thấy phấn khởi vì nhiều năm nay vướng quy hoạch, giờ ở cấp trên quyết liệt tháo gỡ để người dân được làm thủ tục xây, sửa nhà là thấy vui rồi”. Ngay khi TP ra quyết định ngưng thực hiện dự án hồ sinh thái Vĩnh Lộc, ông liền đến UBND xã xin chuyển mục đích sử dụng đất và xin phép xây dựng nhà. Cuối cùng, căn nhà khang trang của đại gia đình 13 người của ông cũng hoàn thành, thay thế căn nhà tôn mái lá.
Dự án hồ sinh thái Vĩnh Lộc nằm trong 28 khu vực quy hoạch “treo” kéo dài bị người dân TP bức xúc nhất thời gian qua đã được xóa. Bên cạnh đó, vì quyền lợi của người dân, các cấp trên địa bàn TP đã có không ít quyết sách kịp thời: hủy bỏ việc giao đất cho Công ty Xây dựng Thương mại Sài Gòn 5 do kéo dài thời gian thực hiện dự án cụm tiểu thủ công nghiệp An Hạ; thu hồi quyết định giao đất thực hiện dự án đô thị An Phú Hưng, huyện Hóc Môn; chỉ đạo các sở ngành, quận huyện tăng cường quản lý chặt chẽ đất đai, quy hoạch, tuyệt đối không để mọc đô thị tự phát. Tính đến hết tháng 2-2013, TP đã thu hồi 22 dự án với 670ha được người dân những khu vực này đồng tình, ủng hộ...
Làm phải thực chất
Tham dự các cuộc đối thoại của lãnh đạo quận 7 với người dân các khu phố, bà Lê Thị Thanh Trang, Tổ trưởng Tổ 16 KP2 phường Tân Quy quận 7 nói: Gần chục năm làm tổ trưởng, lần đầu tiên tôi trực tiếp đối thoại với lãnh đạo cao nhất của quận, được trình bày những bức xúc, nguyện vọng. Không phải nghe xong rồi để đó mà đã tích cực giải quyết. Còn ông Nguyễn Phan Định, Bí thư Chi bộ KP6 phường Tân Quy quận 7 nói: Tuy còn khá nhiều vấn đề chưa giải quyết dứt điểm được nhưng như thế này cũng thấy thỏa lòng khá nhiều, niềm tin được củng cố hơn.
Ông Châu Minh Tỷ, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP, hiện nay là Bí thư Chi bộ 6B KP6 phường Đa Kao, quận 1 cho rằng, đội ngũ CBCC quận 1 đã chuyển biến thấy rõ. Ông Tỷ kể lại câu chuyện đi làm giấy phép sửa chữa nhà: Đến nơi được nhân viên hướng dẫn rõ thủ tục, sau khi hoàn thành (sớm vài hôm) cũng thông báo để mình đến lấy, sau đó hồ sơ điều chỉnh nên phải đi làm lại nhưng cũng được hướng dẫn tận tình. Thái độ các em ở bộ phận một cửa cũng hòa nhã.
Ông Tỷ cho biết thêm, ngoài mô hình máy chấm điểm cán bộ, tôi còn biết UBND quận kết hợp với UBMTTQ quận tuyển dụng một số lực lượng “giám sát viên” để làm nhiệm vụ kiểm tra, báo lại cho quận về thái độ thực thi công vụ của công chức. Lực lượng này có thẻ riêng, có thể đi lại ở các phường, khi phát hiện tồn tại, bị dân “kêu” sẽ báo cáo trực tiếp lãnh đạo quận. “Tôi cho rằng, đó là cách làm có trách nhiệm với người dân của quận”- ông Tỷ nói.
Từng cá nhân phải chuyển biến
Dân tin Đảng trước hết là tin ở cán bộ đảng viên, tin ở những con người, cá nhân cụ thể, nếu những con người cụ thể này chưa chuyển biến thì kết quả chung cũng chưa thể nói đã tốt - ông Võ Văn Thôn, đảng viên sinh hoạt tại Chi bộ KP4 phường 3 quận 3 nói. Ông kể một ví dụ nhỏ: Mấy chục hộ dân sống trong hẻm thuộc Tổ dân phố 141 Bàn Cờ “chịu trận” con nghiện đêm đêm ghé vào hẻm chích ma túy, quyết tâm chung tiền lại xây cổng tạm đóng lại sau 10 giờ đêm. Nhà nào cũng có khóa để mở cổng tạm. Con nghiện tập trung về cũng giảm hẳn. Nhưng khi đi kiểm tra, cán bộ quận yêu cầu dỡ bỏ cổng tạm này vì bít lối đi.
“Trong các lần quận, phường đối thoại với dân theo kế hoạch kiểm điểm đề ra, tôi thấy người dân khu vực này lại tiếp tục phản ứng yêu cầu quận cho để cổng, phòng ban quận cứng nhắc trình ra quy định cấm của sở ngành để “bác” lại. Người dân băn khoăn với cách xử lý sách vở của công chức quận” - ông Thôn nhận định.
Nhìn chung, bên cạnh những việc tích cực được người dân hoan nghênh vẫn còn không ít ý kiến phản ánh tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của người dân, gây phiền hà, nhũng nhiễu, vòi vĩnh khi thực thi công vụ. Nhất là trong các lĩnh vực đất đai, trật tự đô thị, thanh tra xây dựng; thuế; lĩnh vực công tác thường xuyên tiếp xúc với dân của Công an TP, Sở GTVT…
| |
Hồng Hiệp - Hoài Nam
- Bài 3: Động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển