Ở vào tuổi gần 80, ông Nguyễn Văn Cơi (SN 1931, ngụ ấp Thuận Hòa 1, xã Hòa Khánh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) bỗng nhiên trở thành bị đơn trong một vụ kiện tranh chấp quyền sử dụng đất. Ông càng không hiểu vì sao mảnh đất mà ông được cho cách đây 40 năm lại biến thành đất của người khác, để rồi bị tuyên phải dỡ nhà để trả đất.
Đất được cho thành đất chiếm đoạt (?!)
Bằng giọng run run do tuổi cao sức yếu, ông Cơi kể: Vào năm 1970, ông được ông Nguyễn Văn Thắng (đã mất vào năm 2000) cho một cái ao và một cái gò ở ấp Thuận Hòa 1 để nuôi cá, trồng cây. Việc cho đất được lập giấy tay, ông Thắng ký tên, có con ông Thắng làm chứng. Đến năm 1999, ông cho con gái là bà Nguyễn Thị Bình và chồng mảnh đất trên để cất nhà ở, diện tích khoảng 75m².
Đột nhiên, 10 năm sau, ông Lâm Văn Hòa (cùng ngụ tại ấp Thuận Hòa 1) lại tuyên bố rằng đây là đất của ông đã cho ông Cơi mượn vào năm 2000, nay yêu cầu ông Cơi trả lại đất cho ông. Để chứng minh, ông Hòa đưa ra Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở (còn gọi là “sổ đỏ”) đối với phần đất trên do ông đứng tên, được cấp vào năm 1997. Do ông Cơi không đồng ý giao đất, ông Hòa cho rằng ông Cơi muốn chiếm đoạt đất của mình nên khởi kiện vụ việc ra tòa án.
Tại phiên xử sơ thẩm vào tháng 4-2009, hai người con của ông Thắng là ông Nguyễn Văn Ngừng và Nguyễn Văn Đuồi cùng xác nhận: Phần đất tranh chấp là của ba mình cho ông Cơi. Dù vậy, TAND huyện Đức Hòa vẫn tuyên ông Hòa thắng kiện, buộc vợ chồng bà Bình phải tháo dỡ, di dời nhà và vật kiến trúc có trên đất để giao lại đất cho ông Hòa.
Cho rằng phán quyết của tòa án cấp sơ thẩm không đúng, ông Cơi và vợ chồng bà Bình làm đơn kháng cáo, yêu cầu tòa án cấp phúc thẩm công nhận cho mình quyền sử dụng đất đối với mảnh đất đã được cho và sử dụng ổn định gần 40 năm qua. Tuy nhiên, tại bản án phúc thẩm số 202/2009/DS-PT ngày 22-6-2009, TAND tỉnh Long An nhận định rằng phía ông Cơi không chứng minh được điều này nên bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm.
Những chi tiết bị bỏ qua
Ở cả hai cấp xét xử - sơ thẩm và phúc thẩm, lợi thế nghiêng về phía ông Lâm Văn Hòa vì ông đứng tên trên “sổ đỏ” đối với mảnh đất bị tranh chấp. Thế nhưng, một số chi tiết cho thấy có khả năng “sổ đỏ” bị cấp sai cho đối tượng sử dụng trong thực tế lại chưa được quan tâm xem xét.
Trong tâm trạng bức xúc, bà Võ Thị Hiếu- một người dân ở đây - nói với chúng tôi: “Sống ở đây lâu nên tôi biết rõ đất của ai. Năm 1970, ông Thắng có cho tôi hay rằng mảnh đất này ở xa nhà ổng, hơn nữa vì muốn trả ơn ông Cơi giúp trông coi ruộng giùm nên ổng đem phần đất này cho ông Cơi. Tuy ông Thắng đã mất nhưng con của ổng và người dân quanh đây đều có thể làm chứng chuyện này. Nay tòa xử như vậy thì oan ức, thiệt thòi cho ông Cơi quá!”.
Một người khác là ông Lê Văn Hải cho biết thêm: “Tôi nguyên là kế toán của Tập đoàn số 1 ấp Thuận Hòa 1 xã Hòa Khánh Nam. Vào năm 1984, khi tập đoàn đo diện tích đất để lập bản vẽ đất đai, phần đất này ghi là do ông Cơi đứng tên. Giờ tự nhiên ông Hòa lại được cấp “sổ đỏ”, đứng ra tranh giành đất với ông Cơi là không đúng”.
Cùng với bà Hiếu và ông Hải, nhiều người dân sinh sống từ lâu ở khu vực này đều viết giấy xác nhận (có chứng thực chữ ký của UBND xã Hòa Khánh Nam) rằng mảnh đất do gia đình ông Cơi sử dụng từ năm 1970 là do ông Thắng cho. Không chỉ vậy, tại cuộc họp lấy ý kiến của khu dân cư về nguồn gốc đất đang bị tranh chấp do UBND xã Hòa Khánh Nam tổ chức vào ngày 19-6-2009, các hộ dân tham gia cuộc họp đều khẳng định đây là đất thuộc về ông Cơi. Ngoài ra, sau khi xác minh, lãnh đạo UBND xã cũng xác nhận nội dung trên vào đơn của bà Bình.
Đáng tiếc, theo lời ông Cơi và những người dân mà chúng tôi tiếp xúc, sự xác nhận trên đã không được tòa án xem xét.
Việc TAND huyện Đức Hòa và TAND tỉnh Long An căn cứ vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để tuyên ông Hòa thắng kiện là không sai. Nhưng nếu tòa án quan tâm đến những chi tiết nêu trên, từ đó có bước đề nghị chính quyền địa phương cung cấp thông tin về nguồn gốc mảnh đất tranh chấp thì có lẽ những bản án đã được tuyên phù hợp thực tế hơn. Dù biết bản án đã có hiệu lực, nhưng gia đình ông Cơi vẫn trông mong bản án sẽ được xem xét lại, để sự công bằng của luật pháp đến với mình.
Ái Chân