Bán đảo Cà Mau chìm trong nước

Bán đảo Cà Mau chìm trong nước

Diễn biến thời tiết ở ĐBSCL ngày càng phức tạp. Trong khi nông dân Đồng Tháp, An Giang, Long An (Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên) kêu ca lũ nhỏ thì nông dân Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau (khu vực bán đảo Cà Mau) đang than thở vì đối diện với trận lụt và triều cường tồi tệ nhất trong 10 năm qua. Mọi sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của người dân bị đình đốn nghiêm trọng.

Bờ kè đê biển ở phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu bị triều cường cuốn trôi.

Bờ kè đê biển ở phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu bị triều cường cuốn trôi.

Thống kê sơ bộ của các tỉnh khu vực bán đảo Cà Mau, hiện có gần 100.000ha đất trồng lúa, hoa màu, nuôi thủy sản chìm trong nước, thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng. Trong khi các tỉnh đầu nguồn gần như không “nếm mùi lũ”, từ đầu tháng 11 đến ngày 24-11, nước đổ về các địa phương vùng trũng Hậu Giang, Sóc Trăng… và cư dân ở đây không gọi lũ mà gọi là “lụt”. Tình hình càng tồi tệ hơn, khi triều cường càng dâng cao.

Tỉnh Bạc Liêu thiệt hại nặng nhất với gần 60.000ha lúa, hoa màu, thủy sản và khoảng 10.000 căn nhà ngập trong nước. Trước mắt, UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo ngành thủy lợi mở tất cả các cống, đập nằm dọc trên tuyến quốc lộ 1A để nhanh chóng tháo nước. Đối với những khu vực nằm trong vùng trũng, vùng sâu, khuyến cáo bà con khẩn trương đắp lại đập, gia cố bờ bao. Bên cạnh, tỉnh cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ hơn 26 tỷ đồng để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Tại Sóc Trăng, khoảng 10.000ha lúa, hoa màu bị nước nhấn chìm. Ngoài ra, các trận mưa dầm làm hàng trăm hécta hành tím, củ kiệu của nông dân huyện Vĩnh Châu mới trồng (chuẩn bị bán tết) bị ngập úng. Ông Lê Minh Trường, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng nói: Đây là thiệt hại lớn của nông dân trong năm 2010. Huyện đang mở các cống để thoát nước, hạn chế ngập úng”. Tại Cà Mau, trong tháng 11-2010, triều cường dâng cao đã tràn qua các đoạn đê biển làm thiệt hại hoàn toàn hơn 3.000ha ao nuôi tôm, cá của người dân tại các huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân. Các huyện vùng nước ngọt như Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời, triều cường kết hợp với mưa lớn đã làm 6.000ha lúa và hoa màu của người dân chìm trong nước, khoảng 3.000ha bị mất trắng.

Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL cho biết, tình hình triều cường ở các sông và trên đồng ruộng hiện vẫn còn cao, ở những vùng ngập úng, mực nước đang rút xuống rất chậm, gây khó khăn cho việc tháo úng cứu lúa.

Theo Đài Khí tượng - thủy văn khu vực Nam bộ, tình hình mưa rào và dông bão vẫn còn tiếp tục xảy ra trong vài ngày tới. Do vậy, các địa phương và bà con nông dân cần có những giải pháp gia cố đê bao, vận hành các hệ thống thủy lợi kịp thời để tháo úng, kết hợp với bơm tát cứu lúa, hoa màu nhằm hạn chế thiệt hại trong sản xuất cho nông dân.

Trận lụt này, trước mắt sẽ ảnh hưởng xấu đến thời vụ xuống giống lúa đông-xuân. Song là lời cảnh báo để các địa phương ven biển chuẩn bị đối phó với những thiên tai khó lường do biến đổi khí hậu gây ra trong những năm tiếp theo. Và đến lúc các nhà khoa học cần ghi nhận những diễn biến thất thường của trận lụt và triều cường ở bán đảo Cà Mau, đề xuất những giải pháp nhằm chủ động ứng phó với tình huống tương tự xảy ra trong tương lai.

Cao Phong

Tin cùng chuyên mục