Bán đảo Triều Tiên cần bước đi hòa giải

Sau khi Hàn Quốc kết luận vụ chìm tàu Cheonan làm 46 thủy thủ nước này thiệt mạng hồi tháng 3 do trúng ngư lôi của CHDCND Triều Tiên, tình hình bán đảo Triều Tiên liên tục căng thẳng và nhiều người đã nghĩ đến một cuộc chiến tranh trên bán đảo này.

Sau khi Hàn Quốc kết luận vụ chìm tàu Cheonan làm 46 thủy thủ nước này thiệt mạng hồi tháng 3 do trúng ngư lôi của CHDCND Triều Tiên, tình hình bán đảo Triều Tiên liên tục căng thẳng và nhiều người đã nghĩ đến một cuộc chiến tranh trên bán đảo này.

Trong bài diễn văn đọc ngày 24-5, Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố sẽ dùng các biện pháp “phòng vệ” tức thì để chống lại CHDCND Triều Tiên trong trường hợp xảy ra các vụ tương tự như vụ chìm tàu Cheonan. Ngoài ra, ông tuyến bố ngừng mọi quan hệ hợp tác giữa hai nước, ngoại trừ viện trợ nhân đạo cho trẻ em CHDCND Triều Tiên. Hàn Quốc yêu cầu CHDCND Triều Tiên xin lỗi và sẽ đưa vấn đề ra HĐBA LHQ thảo luận.

Phản ứng từ phía Mỹ, người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibbs nói: “Chúng tôi tán thành yêu cầu của Tổng thống Hàn Quốc buộc CHDCND Triều Tiên xin lỗi và yêu cầu kỷ luật những cá nhân có liên quan đến vụ này, điều quan trọng hơn nữa là ngừng ngay các hành vi đe dọa, thù địch”. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra lệnh cho quân đội sẵn sàng hợp tác với Hàn Quốc để đảm bảo ở thế “sẵn sàng” đáp trả những hành động khiêu khích từ CHDCND Triều Tiên.

Lịch sử cho thấy, đã từng xảy ra nhiều vụ căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, thậm chí cả việc đấu súng tại khu vực biên giới trên đất liền và trên biển. Theo ông Jeon Jae-wook, chuyên gia phân tích chiến lược của Hàn Quốc, các nhà chiến lược tại CHDCND Triều Tiên rất khôn ngoan khi chọn một mục tiêu đủ lớn như chiếc tàu Cheonan để tấn công nhằm chứng tỏ sức mạnh của Bình Nhưỡng tại vùng biển phía Tây nhưng không đến mức để đi tới chiến tranh với Seoul.

Về phía Hàn Quốc, Tổng thống Lee Myung-bak trong bài diễn văn nói trên cũng chỉ dừng ở thì tương lai trong việc trả đũa và không nêu rõ các biện pháp đó là gì. Nhiều chuyên gia cho rằng, Hàn Quốc rất cẩn trọng, thậm chí hơn cả Mỹ vì họ không muốn chiến tranh nhấn chìm thành quả nền kinh tế Hàn Quốc. Thực tế khi hầu hết các nước trên thế giới vừa ra khỏi khủng hoảng, nền kinh tế Hàn Quốc vẫn tăng trưởng khá mạnh với 5% trong năm 2009. Nhiều quan chức Hàn Quốc còn cho rằng, họ đã trở nên quá quen với nhiều vụ căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên suốt hơn 50 năm qua.

Vấn đề còn lại, lúc này HĐBA LHQ sẽ có bước đi như thế nào. Khả năng đang thiên về một tuyến bố lên án CHDCND Triều Tiên hoặc nặng hơn một nghị quyết siết chặt cấm vận CHDCND Triều Tiên. Một nghị quyết như vậy đã từng xảy ra sau khi nước này thử hạt nhân năm 2009. Ngoài ra, người ta đang chú ý tới các hoạt động ngoại giao con thoi giữa các nước tại vùng Đông Bắc Á và cả Mỹ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc gần đây kêu gọi các bên kiềm chế trong vụ tàu Cheonan. Điều này cho thấy Trung Quốc, một nước có ảnh hưởng quan trọng với CHDCND Triều Tiên, có thể sẽ tìm mọi cách không để tình hình thêm căng thẳng. 

VŨ MINH

Tin cùng chuyên mục