Kết thúc năm 2010 đầy biến động về kinh tế lẫn chính trị, bản đồ địa chính trị châu Á đang được định hình lại với sự nổi lên của Trung Quốc và sự quay trở lại của Mỹ trong khu vực.
Xu hướng chủ đạo đầu tiên là cấu trúc an ninh khu vực vẫn còn phụ thuộc vào hệ thống liên minh an ninh do Mỹ lãnh đạo. Ngoài những liên minh an ninh Mỹ - Nhật, Mỹ - Hàn, Mỹ - Australia, đối tác an ninh là một bước phát triển mới giữa Mỹ và các nước trong khu vực. Mối quan hệ này bao gồm những cuộc tập trận chung, huấn luyện, chia sẻ thông tin tình báo, bán vũ khí, trao đổi các phái đoàn quân sự...
Quan hệ đối tác an ninh, không bắt buộc một bên phải bảo vệ bên kia, đã hình thành giữa Mỹ với Ấn Độ, Singapore, Mông Cổ, Pakistan và gần đây gồm cả Việt Nam, Malaysia và Indonesia. Nhìn chung trong cấu trúc an ninh châu Á, Mỹ vẫn duy trì vai trò đầu tàu. Điều này còn được thấy rõ ở việc Mỹ biến đảo Guam thành căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ trên thế giới với tất cả các loại vũ khí và hệ thống vũ khí hiện đại mà Mỹ có, thậm chí còn có phần trội hơn với một đội hàng không mẫu hạm đang được lên kế hoạch đóng quân tại đây. Chuyển động đến Thái Bình Dương là một phần trong kế hoạch tái bố trí lại lực lượng Mỹ từ Tây (châu Âu) sang Đông (châu Á).
Khuynh hướng thứ hai, vai trò tích cực của Trung Quốc trong các mối quan hệ ngoại giao trong những năm gần đây. Trung Quốc đang làm hết sức để đặt các mối quan hệ song phương trong khu vực, kể cả với Nhật Bản, trên nền tảng tốt hơn. Quan hệ Trung - Nhật tuy gần đây có căng thẳng nhưng đã được cải thiện đáng kể, góp phần làm ổn định các mối quan hệ quốc tế trong khu vực châu Á nói chung và cả Mỹ cũng được hưởng lợi từ sự ổn định này.
Hợp tác ba bên Trung - Mỹ - Nhật, ba nền kinh tế lớn nhất thế giới đang mở ra những tiềm năng rất lớn. Dù còn nhiều bất đồng nhưng chắc chắn hợp tác vẫn là xu hướng chủ đạo trong mối quan hệ ba bên này. Quan hệ Trung Quốc với Ấn Độ, Nga đang được cải thiện đáng kể. Tuy vẫn còn tranh cãi về vị trí nền kinh tế thứ hai của Trung Quốc vì kinh tế Nhật Bản vẫn gấp đôi kinh tế Trung Quốc xét về quy mô, nhưng chuỗi sản xuất khu vực đang xoay quanh Trung Quốc.
Xu hướng thứ ba, sự chuyển đổi quan hệ Mỹ - Trung thành mối quan hệ toàn cầu. Điều này đang xảy ra vì ảnh hưởng của Trung Quốc hiện nay đang tăng lên ở nhiều nơi trên thế giới, những nơi trước đây họ chưa can dự như châu Phi, Mỹ Latinh, Trung Đông và Trung Á. Quan hệ Mỹ-Trung có thể được mô tả trong hai phần: dưới thời chính quyền Bush và thời chính quyền Obama. Chính quyền Bush thực hiện chính sách “can dự nước đôi”, hợp tác với Trung Quốc toàn diện và toàn cầu về một loạt các vấn đề nhưng đồng thời lại vạch kế hoạch phòng vệ chiến lược để đối phó với Trung Quốc.
Chính quyền ông Obama thừa hưởng mối quan hệ này nhưng muốn mở rộng hơn. Trong chuyến thăm châu Á năm nay Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton kêu gọi Trung Quốc hợp tác về các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, kiểm soát vũ khí và ổn định tài chính toàn cầu. Dư luận đang đặt câu hỏi Mỹ muốn Trung Quốc cùng kiểm soát vũ khí là như thế nào, có giống như hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược với Nga không? Nếu như thế có lẽ Trung Quốc sẽ khó cùng bước chung trên con đường với Mỹ.
Xu hướng thứ tư, cấu trúc khu vực đa tầng và cộng đồng an ninh châu Á đang nổi lên. Cấu trúc này bao gồm nhiều diễn đàn đối thoại, đối thoại chính phủ và phi chính phủ, như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), ASEAN +3, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và những cơ chế đối thoại khác. Đến nay Mỹ vẫn đứng ngoài cấu trúc khu vực mới nổi. Chính quyền Bush không chú ý nhiều đến cấu trúc này thậm chí không đánh giá cao nó.
Trong khi đó chính quyền Obama phát tín hiệu cho thấy họ nghiêm túc quan tâm đến cơ chế này. Chính quyền Obama cũng rất quan tâm đến Tổ chức hợp tác Thượng Hải. Không phải Mỹ muốn trở thành thành viên của tổ chức này mà họ muốn tham gia một vài khu vực an ninh phi truyền thống. Nhìn tổng thể, không giống trước đây, hiện nay Mỹ đang ngày càng mở cửa với các tổ chức đa phương của châu Á.
Về kinh tế, sự phụ thuộc lẫn nhau tăng lên ở châu Á. Các nước châu Á buôn bán với nhau nhiều hơn với các nước ngoài khu vực, trong khi khu vực này chiếm 35% GDP toàn cầu và các nhà kinh tế dự báo có thể tăng 45% vào năm 2020 nếu hồi phục kinh tế với tốc độ hiện nay.
VIỆT TRUNG